Đồng hành cùng con mùa thi
Ngày càng nhiều cha mẹ tìm đến các chuyên gia với hi vọng hiểu và đồng hành cùng con đúng cách. (Ảnh: Thủy Nguyên)
Trong buổi gặp gỡ, tư vấn mùa thi cùng chuyên gia về việc đồng hành làm bạn cùng con, một phụ huynh không ngại chia sẻ nỗi niềm băn khoăn của mình cùng mọi người: “Con tôi rất yêu thích thanh nhạc và muốn thi vào Nhạc viện TP HCM. Những hôm học hát dù trời mưa gió cháu vẫn say mê đến lớp đều đặn. Tuy nhiên, tôi lại không muốn cháu chọn con đường ấy bởi không phải ai học xong cũng có thể thành công, trở nên nổi tiếng”.
Vị phụ huynh cho biết, dù con rất thích nhưng anh đã trao đổi với con nhiều và khuyên con nên chọn con đường phù hợp với bản thân hơn là đi theo sở thích. “Tôi nói với con: “Để trở thành ca sĩ nổi tiếng rất khó, không phải chỉ cần tài năng không mà cần nhiều yếu tố khác". Và tôi hướng con đến lựa chọn theo học chuyên ngành tự nhiên bởi cháu học tốt môn Hóa”, phụ huynh này cho biết.
Nghe lời anh, con gái đã chọn theo gợi ý từ cha mẹ. “Những nguyện vọng thi của cháu vừa qua đều xoay quanh khối ngành tự nhiên. Tuy nhiên, mặc dù con ngoan ngoãn nghe góp ý từ mình, tôi vẫn thấy băn khoăn không biết liệu mình có sai khi định hướng cho con”, người cha chia sẻ.
Khi nghe câu hỏi và đã có những chia sẻ cùng phụ huynh. Chuyên viên tham vấn tâm lý ĐH RMIT đặt ngược lại câu hỏi: “Vì sao đã chọn cho con rồi lại còn băn khoăn?”. Bà cũng cho biết chuyện cha mẹ can thiệp, định hướng cho con trong mỗi mùa thi là sự quan tâm tất yếu ở bất cứ gia đình nào.
Trong quá trình tham vấn tâm lý bà từng nhận được nhiều tâm sự của các em về việc buộc phải nghe lời cha mẹ học một ngành mình không yêu thích, phải từ bỏ ước mơ của mình làm hài lòng cha mẹ để rồi chán nản, loay hoay trong việc tìm hướng đi cho cuộc đời.
“Có những phụ huynh muốn con học Y nhưng không biết rằng sức khỏe con có phù hợp không. Những ca trực cùng chương trình học nặng, quá trình thực tập vất vả,... tất cả điều đó cần được cân nhắc để xem có phù hợp với con mình hay không”, bà chia sẻ.
Quay trở lại câu hỏi của phụ huynh, Th.S Minh Tâm bày tỏ: “Nhạc viện là lựa chọn của cháu và nhiều người cũng đã thành công từ ngôi trường này”. Cũng theo bà, việc chọn một ngành nghề yêu thích sẽ có đam mê dẫn lối, thổi ước mơ sau này cho con.
Đừng để trẻ bị dồn nén
Tại buổi nói chuyện, nhiều phụ huynh chia sẻ con cái họ càng lớn càng có khuynh hướng luôn cãi lời cha mẹ.
Th.S Lê Thị Minh Tâm, chuyên viên tham vấn tâm lý cho biết những đứa trẻ cãi lời cha mẹ là những đứa trẻ có chủ kiến khá cao. (Ảnh: NVCC)
“Tôi dự định cho con đi du học và đã chuẩn bị đầy đủ sẵn kinh phí cho con, nhờ người quen cho cháu ở cùng nhà để tiện kiểm soát cháu nhưng cháu nằng nặc không đồng ý. Suốt mấy hôm nay sợ tâm lý cháu bị ảnh hưởng thi cử không tốt nên tôi không dám đề cập nhiều nhưng thực sự tôi chỉ yên tâm khi con có người quen trông chừng giúp mình”, chị Hoài An (Q.Gò Vấp, TP HCM) kể.
Chia sẻ của chị Hoài An được chuyên gia đặt vấn đề về việc nhiều cha mẹ đang bao bọc con trong “vòng kim cô” quá chặt. Nhiều cha mẹ luôn cho con cảm giác được làm trung tâm và luôn thích dọn sẵn đường cho con.
“Có rất nhiều trường hợp khi con đi du học, cha mẹ sốt sắng lo chỗ ở, tìm người quen gửi gắm con, nhờ bảo bọc con. Đến 80% trẻ sẽ phải chịu đau khổ nếu cha mẹ làm điều này cho con thay vì trang bị cho con những kỹ năng giao tiếp, tính tự lập, giải quyết những căng thẳng trước khi con đi du học.
Trẻ ở nhà cùng cha mẹ chịu sự quản thúc đã là khó, giờ phải chịu sự kiểm soát can thiệp của cả những người xa lạ khiến chúng càng không muốn nghe. Độ tuổi này cũng là độ tuổi trẻ dễ nổi loạn”, chuyên viên tham vấn tâm lý ĐH RMIT nhận định.
Theo bà Tâm, nhiều cha mẹ hay lo lắng buồn phiền tiêu cực khi thấy con cãi lời mình, tuy nhiên theo bà những đứa con luôn im lặng phục tùng là một điều rất nguy hiểm.
“Hãy mừng nếu bạn có những đứa con biết cãi lời cha mẹ bởi điều này cho thấy trẻ có ý thức tự chủ về bản thân mình. Và hãy cẩn thận bởi trẻ càng nghe lời lại càng nguy hiểm. Rất nhiều sinh viên đã chia sẻ các câu chuyện về việc luôn phải tỏ ra là con ngoan, nghe lời cha mẹ nhưng trong thâm tâm âm ỉ phản kháng. Mức độ dồn nén lâu ngày dẫn đến bùng phát, gây hậu quả nặng nề khiến chính bản thân trẻ tổn thương, cha mẹ đến lúc nhận ra đã muộn”, Th.S Minh Tâm chia sẻ.
Th.S Minh Tâm cũng chia sẻ để tránh điều này, khi đồng hành cùng con, cha mẹ nên chú ý các yếu tố ảnh hưởng đến trẻ. Ba môi trường sẽ ảnh hưởng nhiều đến trẻ là: Gia đình, cộng đồng và trường học. “Không áp đặt, biết lắng nghe, tôn trọng con – lúc ấy, cha mẹ sẽ là người bạn của con đúng nghĩa” – Th.S Minh Tâm cho biết.