Dân Việt

Một xã ở Sài Gòn có tới hơn 100.000 dân

Hứa Phương 26/04/2017 07:00 GMT+7
Ngoài Cần Giờ, 4 huyện ngoại thành của TP.HCM đang phải chịu áp lực không nhỏ do tăng dân số cơ học quá nhanh, tốc độ đô thị hóa “chóng mặt”. Kéo theo đó là những hệ lụy về môi trường, chất lượng cuộc sống người dân…

Một xã hơn 100.000 dân

Trong một cuộc thị sát thực tế chuẩn bị cho buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về tình hình kinh tế-xã hội, xây dựng chính quyền… với huyện Bình Chánh, lãnh đạo huyện này cho biết, dân số tại địa phương quá đông, chủ yếu do di cư từ các nơi khác đến. Trong hơn 10 năm qua, mỗi năm, Bình Chánh tăng thêm khoảng 30.000 người.

Vì vậy, dân số hiện nay của huyện lên đến 630.000 người, trong đó, 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B mỗi xã có trên 100.000 người. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, quản lý xây dựng, rác thải và quá trình xây dựng NTM. Hệ lụy do áp lực dân số cũng là một trong những lý do khiến 2 xã này mới đạt 18/19 tiêu chí.

img

  Dù phải chịu áp lực lớn về dân số nhưng trên địa bàn huyện Bình Chánh vẫn có những dự án giải phóng mặt bằng chậm làm ảnh hưởng đến việc ổn định cuộc sống người dân.
ảnh: Hứa Phương

Theo ông Biện Ngọc Toàn- Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đạt được những kết quả nhất định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, có một vấn đề chưa đạt, đó là môi trường. Hiện xã Vĩnh Lộc A có hàng trăm hộ dân chăn nuôi gia súc xen lẫn trong khu dân cư, hay như các cơ sở sản xuất còn gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Việt- Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B, cho biết rác thải tràn lan trong xã do một số người dân thiếu ý thức, lợi dụng những khoảng đất trống, lúc vắng người thì lén đổ rác thải trái phép.

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng thông tin thêm, riêng 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chiếm gần 50% dân số huyện, lại có 160 vựa thu gom ve chai nên việc đảm bảo môi trường ở đây không dễ dàng. Môi trường là tiêu chí yếu nhất khi xem xét, không chỉ từ rác thải sinh hoạt mà còn từ nơi sản xuất, chăn nuôi.

“Áp lực về mật độ dân cư và việc đô thị hóa nhanh khiến Bình Chánh bị tụt hậu so với 4 huyện khác khi xây dựng NTM, công tác quản lý cũng gặp nhiều vướng mắc” - ông Phụng nói thêm.

Cần cơ chế quản lý mới

TP.HCM có 5 huyện ngoại thành với khoảng 1,5 triệu dân, tương đương dân số một tỉnh trung bình trong cả nước.

Từng là cựu Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhìn nhận những bất cập về trật tự, mỹ quan đô thị và quá trình xây dựng NTM ở các địa phương này có nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa “chóng mặt”. Hiện Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, mỗi xã có số dân gấp 3 lần so với 1 xã nông thôn ở miền Bắc, trong khi tăng dân số cơ học mỗi năm khoảng 30%.

“Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là mâu thuẫn giữa cơ chế quản lý cấp xã trong khi thực tế quy mô dân số của địa bàn quá đông, phát triển đô thị quá nóng. Một mâu thuẫn khác nữa là việc quản lý đất nông nghiệp và đất đô thị hóa” - ông Tuấn nói, và cho rằng phải điều chỉnh hợp lý mới đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, nếu xét theo những tiêu chí NTM thì những tuyến đường trên địa bàn 2 xã đều đạt. Tuy nhiên, so với mật độ dân số hiện tại, những tuyến đường này đang bị quá tải, gây tắc đường, thiếu mỹ quan đô thị... “Việc quản lý, đầu tư các tuyến đường nội bộ ở xã giao cho huyện. Nhưng có thể nói “chiếc áo” này đã quá chật” - ông Cường nói.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, cần phải tính toán lại về quy hoạch, không thể cứ để các xã này lo giữ đất làm nông nghiệp thuần túy. Nếu có làm nông nghiệp thì cũng phải là nông nghiệp công nghệ cao. Riêng về vấn đề chuyển huyện thành quận, ông Thăng cho rằng nếu đủ tiêu chí thì huyện đề xuất các cơ quan có thẩm quyền và thành phố để thông qua Hội đồng nhân dân.

“Quan trọng ở đây là tạo ra bộ máy phù hợp để quản lý. Tiếp tục rà soát các tiêu chí cho đạt để thiết lập quản lý hiệu quả” - Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ đạo. /.