Dân Việt

Sáng tác tranh, tượng đài không cần bằng đại học?

15/01/2013 08:43 GMT+7
(Dân Việt) - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định làm tranh hoành tráng phải có bằng cấp cần phải xem lại vì có rất nhiều người làm ra tác phẩm nghệ thuật tài hoa mà không nhất thiết phải có bằng cấp.

Sáng 14.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 14. Tại phiên họp này, một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 5 dự án luật sẽ được tập trung thảo luận, gồm: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Đặc biệt, UBTVQH sẽ thảo luận và thông qua nghị quyết hướng dẫn thi hành nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

img
Tượng đài Điện Biên Phủ từng là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về việc ban hành nghị định về hoạt động mỹ thuật. Một số điểm đáng lưu ý mà dự thảo Nghị định nêu lên có thể kể ra là nghiêm cấm các hành vi mỹ thuật làm tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Dự thảo Nghị định quy định các điều kiện sao chép tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ. Cụ thể, cơ sở sao chép, trưng bày phải làm đơn đề nghị cấp giấy phép gửi tới Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sở tại. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch cấp giấy phép thì mới được phép.

Đặc biệt, dự thảo quy định tác giả được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng phải có trình độ đại học trở lên chuyên ngành điêu khắc đối với tượng đài, và có trình độ đại học trở lên chuyên ngành hội hoạ, đồ hoạ, tranh hoành tráng đối với tranh hoành tráng, đồng thời đã có ít nhất hai công trình tượng đài, tranh hoành tráng đạt chất lượng loại A, theo xác nhận của Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo đối với mọi công trình.

Với tư cách cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, việc quy định cấm “tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân" là không mang tính đặc thù đối với hoạt động mỹ thuật.

Ngoài ra, ông Đào Trọng Thi đề nghị Ban soạn thảo cần xem lại quy định cấm “xây dựng các công trình mỹ thuật không đúng quy hoạch”, vì Dự thảo Nghị định chỉ quy định quy hoạch về tượng đài, tranh hoành tráng, không quy định quy hoạch các công trình mỹ thuật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, quy định làm tranh hoành tráng phải có bằng cấp cần phải xem lại. “Có rất nhiều người không có bằng cấp vẫn làm được. Quy định như thế không hợp lý, cần phải điều chỉnh lại”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình “những người làm ra tác phẩm nghệ thuật nhiều khi họ tài hoa nên không nhất thiết phải bắt buộc có bằng đại học, điều kiện này nọ kia”.