Sẽ dẫn đến phân hóa giàu - nghèo
Bản nghiên cứu này chỉ rõ khái niệm “tích tụ ruộng đất”. Theo đó, tích tụ ruộng đất là quá trình chuyển đổi nhiều ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, từ nhiều chủ sử dụng đất (hộ gia đình, tổ chức, cá nhân) vào một số chủ sử dụng đất có điều kiện khả năng tập trung vốn, đất, lao động để sản xuất hàng hóa tập trung.
Tích tụ đất đai tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ nông dân ở Lâm Đồng có điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất lớn. Ảnh: Thanh Tuyền
Ưu điểm của mô hình này là, khi tích tụ ruộng đất người ND có điều kiện để tập trung mở rộng sản xuất, đổi mới khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất và chất lượng sản phẩm. Thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Do có nhiều diện tích đất “sạch” sẽ khuyến khích được doanh nghiệp đưa vốn, máy móc, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra 4 nhược điểm hay nói đúng hơn là 4 tác động (ảnh hưởng) mà tích tụ đất đai có thể gây ra. Trước tiên, việc tích tụ đất đai sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng về đất đai. Theo đó, những hộ có điều kiện sẽ luôn có tư tưởng gom đất, mua thêm đất từ các hộ nghèo, không có điều kiện để mở rộng thêm sản xuất kinh doanh. Từ đó gây ra tình trạng bất bình đẳng ở nông thôn khi có hộ nhiều đất, hộ ít đất và thậm chí hộ không có đất.
Một tác động nữa là làm mất sinh kế của một bộ phận nông dân: Tích tụ đất nói đúng hơn là quá trình đất đai vào tay người này thì ra khỏi tay người khác. Do đó, dù với bất kỳ lý do nào của việc mua đất (tự nguyện hay ép buộc, chính đáng hay không chính đáng), thì tích tụ ruộng đất vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất đất của một bộ phận ND, làm mất đi sinh kế truyền thống.
Tích tụ ruộng đất cũng là yếu tố chính dẫn đến phân hóa giàu nghèo ở nông thôn: Khi đời sống của người nông dân vẫn phụ thuộc vào mảnh ruộng là chính, thì việc có nhiều đất, ít đất hoặc không có đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế hộ gia đình. Những hộ nghèo đa phần sẽ rơi vào những hộ ít đất, không có đất, trong khi những hộ có nhiều đất kinh tế ngày càng giàu và càng có điều kiện để phát triển.
Một tác động khác là tích rụ ruộng đất sẽ làm nảy sinh tâm lý khác nhau ở nông thôn. Không có ruộng, người nông dân sẽ cảm thấy buồn, mặc cảm; thậm chí trong một số trường hợp còn tỏ ra thất vọng, bất mãn; ngược lại những hộ có nhiều đất lại có mong muốn mở rộng sản xuất và tích tụ nhiều đất thêm nữa.
Sẽ cân bằng hơn nếu “tập trung ruộng đất”
Nghiên cứu của Hội NDVN đã chỉ rõ rằng trong điều kiện hiện nay, chúng ta nên đi theo hướng “tập trung đất đai”. Theo đó, tập trung đất đai là quá trình dồn ghép các ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, sắp xếp quy hoạch lại ruộng đất, khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất để thiết kế lại hạ tầng đồng ruộng.
Mô hình này sẽ tạo ra nhiều ưu điểm hơn: Thứ nhất, tạo điều kiện cho người ND tổ chức sản xuất nhờ việc tạo ra những thửa ruộng lớn hơn, ruộng đất của người ND tập trung về một khu vực liền vùng, liền thửa. Từ đó, có điều kiện để sản xuất lớn, thuận tiện trong việc chăm sóc cây trồng, thu hoạch sản phẩm.
Thứ hai, tập trung ruộng đất sẽ giúp người ND nâng cao thu nhập nhờ việc tăng đầu tư thâm canh, đưa máy móc, cơ giới hóa vào đồng ruộng, chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Chưa kể, còn là điều kiện để hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất, làm ăn trên quy mô lớn.
Thứ ba, tập trung ruộng đất còn tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho ND. Thứ tư, tập trung ruộng đất giúp cho người dân và chính quyền địa phương dễ dàng cải tạo hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng.
Tuy nhiên, mô hình tập trung ruộng đất cũng có nhược điểm, đó là: Mô hình này chỉ có tác dụng tăng quy mô thửa đất, giảm số lượng thửa đất mà không làm tăng quy mô đất đai của nông hộ. Bên cạnh đó, tuy tập trung về một thửa đất nhưng ND thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên cũng gây khó khăn cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Từ các phân tích trên, nghiên cứu này đã kiến nghị: Để đảm bảo quyền lợi của người ND được lao động trên chính mảnh ruộng của mình, tránh tình trạng ND mất đất, mất đi sinh kế nhà nông, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phù hợp, tạo điều kiện cho nông dân tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất...
Dồn điền đổi thửa mang lại hiệu quả Để khắc phục tình trạng manh mún đất đai, tỉnh Nam Định đã phát động chương trình DĐĐT và chương trình này là tiền đề và cơ sở của tích tụ đất nông nghiệp hình thành nên các trang trại, gia trại sản xuất nông nghiệp. Hải Hà |