Trước đó, Trung Quốc đã ra thông báo về 2 quyết định: Tăng cường quyền hạn cảnh sát của họ tại vùng Biển Đông và bắt buộc tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào hoạt động bên trong vùng biển mà Bắc Kinh ngang nhiên nhận là của mình.
Thưa ông, chúng ta không ngạc nhiên về sự xuất hiện của lệnh cấm phi lý này, bởi Trung Quốc đã thông qua từ tháng 11.2013, song điều đáng nói là vì sao từ thời điểm đó đến nay, dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối mà Trung Quốc vẫn không từ bỏ?
- Nếu ai đó ôm giấc mộng rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ từ bỏ âm mưu chiếm trọn Biển Đông thì thật ảo tưởng!
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
Có hai lý do để Trung Quốc ngang nhiên, bất chấp tất cả để đi đến đạt được mục đích ở Biển Đông là: Bá quyền và sống còn. Ngoài việc Trung Quốc muốn xâm chiếm lãnh thổ nước khác để bá quyền thì Biển Đông là sự sống còn của họ. Hiện nay Trung Quốc đang cạn kiệt dần nguồn tài nguyên, những vùng biển trong nước thì ô nhiễm nặng, nên Trung Quốc phải “nhoi” ra bên ngoài. Đụng đến biển Hoa Đông thì gặp sự phản đối của Nhật Bản, nên Trung Quốc quay ra Biển Đông, lý do đây là vùng biển duy nhất trên thế giới chưa bị ô nhiễm.
Mỗi ngày Trung Quốc bịa ra một âm mưu hòng chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông, trong đó phần lớn vùng biển không thuộc chủ quyền của nước này. Việc bày ra lệnh cấm đánh bắt cá, hay là việc cho binh lính đóng giả ngư dân... đều là âm mưu thâm độc của Trung Quốc, là ý đồ lâu dài cho việc tiếp tục mở rộng xâm lược vùng biển của Việt Nam.
Theo ông, một khi Trung Quốc khăng khăng thực hiện theo lệnh cấm đơn phương này, thì Việt Nam phải làm gì để bảo vệ ngư dân của mình?- Chắc chắn Việt Nam cũng sẽ phản đối hành động này của Trung Quốc. Chúng ta không tạo ra căng thẳng, không tạo ra xung đột, nhưng chúng ta có quyền tự vệ để bảo vệ ngư dân của chúng ta đánh bắt trong phần lãnh hải thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Chúng ta phải phê phán rằng, việc Trung Quốc đưa ra những lệnh, yêu cầu phi lý như đã nói ở trên càng thể hiện sự mâu thuẫn với những tuyên bố của Trung Quốc rằng muốn hòa bình, giải quyết tranh chấp với các quốc gia láng giềng dựa theo pháp luật. Rõ ràng Trung Quốc đang nói một đằng, làm một nẻo. Chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ của các nước để giải quyết vấn đề đúng với luật pháp quốc tế về Công ước Luật Biển của LHQ. Còn đối với an toàn của ngư dân Việt Nam, chúng ta phải khuyến cáo ngư dân ra khơi an toàn, đi từng đoàn và có lực lượng hải quân yểm trợ.
Theo ông, việc Mỹ tuyên bố phản đối lệnh cấm này có tác động đến thay đổi quyết định, trì hoãn hay cách hành xử nào của Trung Quốc trong quá trình thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông hay không?- Tuyên bố của Mỹ rất có sức nặng trong bối cảnh hiện nay. Trung Quốc càng hung hăng và khống chế Biển Đông bao nhiêu thì càng có lợi cho sự trở lại khu vực châu Á của Mỹ. Vì vậy, quan điểm của Mỹ đối với khu vực này sẽ ảnh hưởng đến động thái của Trung Quốc. Tuy nhiên, rất khó để nói rằng, sau khi Mỹ phản đối, Trung Quốc sẽ hủy lệnh cấm, hay điều chỉnh luật… Điều này là rất khó để nói cụ thể, nhưng có thể cách hành xử thực tế của Trung Quốc trên Biển Đông cũng sẽ phải điều chỉnh.
Xin cảm ơn ông!