Dân Việt

Mặt trận Tổ quốc phát động phong trào “Đoàn kết, sáng tạo” trên cả nước

Hồng Nhung 27/04/2017 19:43 GMT+7
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức phát động phong trào “Đoàn kết, sáng tạo” vào ngày Khoa học - Công nghệ 18.5.

Chiều  27.4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về tổ chức Phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” do bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì.

img

Quang cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng: “Phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam về bảo vệ Tổ quốc trong các năm qua, các đơn vị, đoàn thể đã tổ chức nhiều phong trào thi đua với những tên gọi khác nhau. Các phong trào này đã góp phần làm dấy lên các phong trào thi đua sáng tạo để nâng cao hiệu quả lao động của các cấp, ngành, các đơn vị doanh nghiệp. Tuy nhiên các phong trào này mới dừng lại ở việc đáp ứng yêu cầu của các đơn vị, tổ chức, các ngành đặt ra chưa tạo thành một phong trào rộng lớn và chưa có tên chung cho phong trào thi đua sáng tạo cả nước”.

Để tạo nên một phong trào thi đua sáng tạo trên cả nước, Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam tham mưu xây dựng Đề án tổ chức Phong trào “đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” và sẽ được phát động vào 18.5.2017  ngày Khoa học – Công nghệ và kỉ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên khi đưa ra thảo luận, đề án vẫn vấp phải một số ý kiến trái chiều từ các chuyên gia ở phần tên gọi. Theo GS.TS Nguyễn Quang Thái: “Tên nên gọi ngắn gọn là “đoàn kết, sáng tạo”. Đoàn kết trên mặt trận, còn sáng tạo là đặc trưng quan trong ở thời kỳ mới. Tên dài có chỗ không hợp vì “thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả” là một câu chuyện, nhưng “hội nhập quốc tế” như là bối cảnh, điều kiện mới mà mình phải hướng đến. Nên xem xét lại tên gọi dài đầy đủ.”

 Mục tiêu của đề án này là đưa các hoạt động sáng tạo ở doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, ban ngành địa phương trở thành phong trào được quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của người lao động và dần trở thành một yếu tố văn hóa trong cuộc sống người Việt Nam. Hai là, tạo sự kết nối giữa các cơ sở khoa học và đào tạo nhân lực có trình độ cao với các doanh nghiệp để nâng cao khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Ba là,  phát triển mạnh thị trường khoa học – công nghệ ở Việt Nam. Cuối cùng là, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về các nhà khoa học Việt Nam và công nghệ sẵn sàng chuyển giao.