Người đàn ông bất hạnh mà chúng tôi nhắc đến ở đây là anh Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1966) ở thôn Văn La, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội.
Chăm vợ bệnh nặng, ba con thơ dại
Căn nhà nhỏ cấp 4 rêu mốc nằm lọt thỏm ở tận cuối con mương sâu hun hút nơi cuối làng, khi tôi đến đã quá 12 giờ trưa nhưng cả nhà 5 người vẫn chưa ai ăn gì. Mâm cơm đạm bạc với đĩa rau muỗng, bát nước mắm và chút muối vừng, người đàn ông gầy rộc, còng rạp cả lưng nói: “Cô ấy (chị Hiệu – vợ anh Sơn) còn đang nằm mệt nằm kia chưa ăn uống được gì nên cả nhà không ai ăn được, lát cô ấy dậy thì bố con tôi mới ăn...”.
Nằm mê mệt trên chiếc giường nhỏ đã ọp ẹp, thỉnh thoảng cố hớp được một chút thuốc nam đã sắc sẵn để ở bát, chị Phạm Thị Hiệu (sinh năm 1965 – vợ anh Sơn) cho biết: “Ngày trước chị cũng được hơn 30kg nhưng giờ chỉ được hơn 20kg thôi. Chị phát hiện bị suy tim độ II và suy thận độ III từ tháng 8.2014 sau khi thấy cơ thể tự nhiên cứ yếu dần, da vàng và sụt cân nhanh. Ở bệnh viện các bác sĩ có hướng dẫn phải chạy lọc thận và sau đó phẫu thuật nhưng mấy chục triệu để đi làm phẫu thuật anh chị không có nên cũng thôi”.
Anh Nguyễn Văn Sơn bên cạnh người vợ mắc nhiều trọng bệnh suy tim độ 2 và suy thận độ 3 nhiều năm qua. Ảnh Trần Toản
Nghe vợ nói chuyện, người chồng vốn đã tật nguyền trông lại càng thê thảm bên cạnh ba đứa con thơ mắt đỏ hoe. Thương bố, thương mẹ, nhưng ba đứa con của anh chị là Nguyễn Thị Huân (sinh năm 1999), Nguyễn Thị Trà (sinh năm 2001) và Nguyễn Văn Việt (sinh năm 2007) chỉ nghĩ ra được cách duy nhất là sẽ không đến trường nữa để khỏi phải đóng tiền học, để dành tiền đó cho cha mẹ chữa bệnh. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì với chị Hiệu còn đau đớn hơn là việc phải chết: “Thà chết để các con được đến trường còn hơn là để các con thất học” - Chị Hiệu nói.
Hàng ngày anh Sơn chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho cả gia đình mắc nhiều bệnh tật. Ảnh Trần Toản
Thoáng nhìn có lẽ khó ai tin anh chị lại nghèo đến thế bởi ở cái vùng quê cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 40km, không đến nỗi nào mà không thể xoay sở, vay giật được vài triệu để lên bệnh viện.
Song mỗi nhà mỗi cảnh, anh Sơn cúi đầu tay quệt ngang dòng nước mắt thật thà kể: “Ngày xưa bố mẹ sinh anh ra nhưng nhà nghèo quá không nuôi được nên đã để anh cho người khác nuôi. Năm 18 tuổi khi anh đi phụ hồ cho công trình xây dựng thì trượt chân bị ngã dàn giáo nhưng cũng do không có tiền nên không đến bệnh viện ngay, mãi sau này đau quá nên anh mới đến viện thì các bác sĩ bảo anh bị trật đốt sống lưng nhưng đã chuyển sang giai đoạn thoái hóa rồi nên không can thiệp được nữa. Từ sau lần tai nạn đó là lưng anh cứ còng dần và đau lắm...
"Tôi cũng tưởng mình sẽ ở vậy luôn nhưng rồi cô ấy (chị Hiệu) thương nên đồng ý về làm vợ anh, rồi anh chị lần lượt sinh lần lượt 3 đứa con...”, anh Sơn kể.
Anh Sơn đang làm công việc khâu nón thuê kiếm thêm 50.000 đồng mỗi ngày để có tiền chữa bệnh cho bản thân, cho vợ và nuôi ba con ăn học. Ảnh Trần Toản
Kể đến đây thì anh Sơn bỗng im bặt, hai hàng nước mắt anh chỉ trực lăn dài trên gò má bởi vì có lẽ nỗi đau và sự tủi nhục cả về thể xác lẫn tinh thần anh đều đã thấm đủ. Minh chứng là cái lưng còng rạp đến độ nếu đứng thẳng dù cố lắm anh Sơn cũng không cách nào ngẩng đầu lên để nhìn được. Rồi cả đến những cơn đau hành hạ mỗi khi trái gió trở trời mà anh cũng không dám mua viên thuốc vì số tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người tàn tật anh phải để đóng học cho con.
Tai họa bất ngờ ập xuống khi chị Hiệu – vợ anh Sơn nhận tin mắc phải căn bệnh suy tim độ II và suy thận độ III đã bước vào giai đoạn nguy hiểm nhưng hoàn toàn bất lực vì không có tiền.
Chị Hiệu tâm sự, do không có tiền nên dù bị đau từ lâu nhưng chị không dám đi bệnh viện để khám. Thêm một lần đau đớn, nghĩ tới tương lai của các con, chị Hiệu lại gắng gượng dậy. Bệnh suy thận độ III ngày càng nặng khiến chị Hiệu đã phải cắt bỏ một bên quả thận, kể từ đó định kỳ một tháng một lần anh Sơn lại phải tất tả đưa chị Hiệu lên bệnh viện Đa khoa Hà Đông – Hà Nội chạy thận.
Để có tiền chữa trị cho vợ, cho bản thân và có tiền đóng học cho ba đứa con, đồ đạc trong nhà anh Sơn cứ thế đội nón ra đi theo mỗi lần vào viện chạy lọc thận của chị Hiệu. Mỗi lần chị Hiệu lên bệnh viện là anh Sơn lại chạy vạy vay mượn khắp nơi, xin mọi người giúp đỡ.
Kiệt quệ, túng quẫn, anh Sơn lại về nhà bán từng nải chuối, đàn gà chưa kịp lớn, xem xét đồ đạc trong nhà còn gì đem đi bán hết, từ chiếc tủ sắt đựng quần áo của các con đến cả bộ bàn ghế tiếp khách cũng không còn. Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào 50.000 đồng mỗi ngày anh Sơn ngồi khâu nón thuê để bán, đó là kể cả thời gian làm đêm; còn không chỉ được 20.000 – 30.000 đồng/ngày.
Những lúc ngồi như thế, căn bệnh thoái hóa cột sống lại tái phát, cái lưng còng rạp của anh lại đau thấu vào tận xương khiến anh lại ngã vật xuống nền nhà bất cứ lúc nào. Những lúc ấy thì bố khóc, con khóc, mẹ nằm mê mệt ở trên giường cũng như ngất đi vì xót.
Mai này chết không biết các con sẽ ra sao?
Đó là nỗi băn khoăn lớn nhất đối với vợ chồng anh Sơn – chị Hiệu lúc này. Trong suốt buổi trò chuyện anh Sơn chỉ đau đáu cho tương lai mù mịt của các con.
Vừa nói, chị Hiệu vừa khóc: “Tôi còn sống không biết được bao lâu nữa, chỉ thương và lo cho các con nhà tôi chúng còn thơ dại, giờ mà bố mẹ mất đi vì trọng bệnh thì các cháu sẽ ra sao? Tôi thì sức khỏe cũng yếu nhiều rồi không thể theo suốt các cháu được”.
Nước mắt ngắn dài, anh Sơn tiếp lời: “Không có gì quý hơn mạng sống con người, còn nước thì còn tát, dù tốn kém bao nhiêu cũng phải chữa trị cho cô ấy. Các con tôi cần có đầy đủ hơi ấm của cả cha lẫn mẹ”.
Chị Phạm Thị Hiệu đang mắc bênh suy tim độ II và suy thận độ III bên cạnh hai con nhỏ thơ dại.
Nói về tương lai, anh Sơn ngậm ngùi chia sẻ: “Chúng tôi chẳng dám nghĩ tới chuyện xa xôi, chỉ biết sống được ngày nào thì phải lo lắng cho con ngày đó. Số phận đã vậy biết phải làm sao. Chỉ mong khi chúng tôi không còn trên đời, sẽ có người thay chúng tôi chăm sóc chúng ”.
Nước mắt lăn dài trên đôi gò má của cháu Nguyễn Thị Trà khi nhắc đến gia đình và sẽ sống ra sao học tập thế nào khi bố mẹ không còn. Ảnh Trần Toản
Cô Hà Thị Oanh – hàng xóm với gia đình anh Sơn chia sẻ: “Thương cho hoàn cảnh gia đình anh Sơn – chị Hiệu lắm. Bà con lối xóm chúng tôi cũng thương tình thỉnh thoảng mỗi người cho ít gạo, vài gói mỳ tôm nhưng cũng không thể lâu dài được vì bà con nhân dân ở đây cũng còn gặp nhiều khó khăn. Khổ nhất là 3 đứa con nhỏ của anh Sơn, chúng học rất giỏi và ngoan ngoãn, lễ phép với mọi người nhưng không có điều kiện để tới trường có nguy cơ phải bỏ dở việc học giữa chừng. Mong sao mọi người chung tay san sẻ để chúng được tiếp tục đến trường nuôi giác mơ con chữ để có tương lai tươi sáng hơn ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiếu – trưởng thôn Văn La, xã Văn Võ ái ngại khi nhắc đến gia đình anh Sơn: “Gia đình anh Sơn – chị Hiệu là hộ nghèo, khó khăn vào hàng nhất với thời gian cũng lâu nhất trong thôn Văn La. Bản thân anh Sơn tàn tật không lao động được, gần đây chị Hiệu lại mắc bệnh hiểm nghèo suy tim độ II và suy thận độ III không có tiền đi viện, 3 đứa con của anh Sơn còn nhỏ nhưng có nguy cơ phải bỏ việc học giữa chừng do kinh tế quá túng bấn. Nếu không máy chị Hiệu không còn nữa thật tình tôi không hiểu bố con anh Sơn sẽ sống ra sao nữa”.Nhiều lần hết tiền, hết gạo anh Sơn đành đi xin gạo bà con quanh làng nhưng họ cũng chỉ giúp được ngày một, ngày hai. Thậm chí, anh Sơn đã phải rao bán chính căn nhà của mình để chữa trị bệnh cho chị Hiệu. Khó khăn vẫn luôn nối tiếp nhau, cuộc sống của anh chị và ba cháu nhỏ rồi sẽ ra sao khi kinh tế, tinh thần họ đã kiệt quệ?
Mọi sự hảo tâm giúp đỡ gia đình anh Nguyễn Văn Sơn xin gửi về địa chỉ: Anh Nguyễn Văn Sơn trú tại thôn Văn La, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Hoặc Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay - Lô E2, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội qua số tài khoản 1506311002117 Ngân hàng NNPTNT chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội. Xin ghi rõ ủng hộ gia đình anh Nguyễn Văn Sơn. Xin chân thành cảm ơn. |