Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại buổi họp bàn tìm giải pháp tiêu thụ thịt lợn giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, do Bộ NNPTNT tổ chức chiều ngày 28.4 tại Hà Nội.
Theo Bộ NNPTNT, ngành chăn nuôi nước ta chỉ trong một thời gian ngắn đã có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, bình quân 5 – 6%/năm. Cụ thể, sản lượng thịt các loại tăng khoảng 3 lần (từ 1,8 triệu tấn thịt hơi các loại lên 5,2 triệu tấn, trong đó riêng thịt lợn 3,9 triệu tấn); sữa tươi tăng 15,4 lần (từ hơn 51.000 tấn lên 796.000 tấn), đạt tốc độ cao nhất trong khu vực.
Tương tự, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản cũng tăng 4,3 lần, từ 0,85 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn; Thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng 5,4 lần (từ 4,3 triệu tấn lên 23,5 triệu tấn), đứng đầu các nước ASEAN.
Nhiều mặt hàng cung vượt xa nhu cầu chứ không riêng thịt lợn. Ảnh minh họa
Từ các con số, có thể nhìn thấy sức sản xuất đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa, đặc biệt ngành hàng thịt lợn (ngành chiếm tỷ trọng trên 70% thị phần các sản phẩm chăn nuôi cũng như cơ cấu tiêu dùng thực phẩm hằng này của người Việt Nam) đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường.
“Sức sản xuất đã vượt xa nhu cầu, đặc biệt tổ chức ngành hàng thịt lợn của chúng ta chưa tốt. Trong tổng số hộ chăn nuôi lợn hiện nay chỉ có 45% số hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại trung bình và quy mô lớn. Còn lại là hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ nên giá thành sản xuất bị đẩy lên cao, khó kiểm soát, không gắn kết được với chuỗi, khó gắn kết thị trường. Đối tượng bị tổn thương nhiều nhất cũng là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Để giải quyết được những vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới chúng ta cần rà soát lại quay mô sản xuất phù hợp với khả năng của thị trường, tương quan cơ cấu thịt, cân đối nhóm sản phẩm biện chứng theo nhu cầu đi lên. Tổ chức lại sản xuất, với 55% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các ngành chức năng liên quan và địa phương phải tổ chức bà con lại theo hình thức HTX, theo nhóm hộ, nhóm trang trại liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để làm ăn theo chuỗi, gắn với chế biến. Chuyển một bộ phận hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi đối tượng sản xuất khác như con đại gia súc, nuôi con đặc sản, sản phẩm hữu cơ.