Gần như ngay sau khi phía FLC Thanh Hóa đưa ra bằng chứng tố U15 Hà Nội gian lận tuổi mà cụ thể là trường hợp 2 VĐV sinh đôi Lê Sỹ Hồng và Lê Sỹ Hà (sinh ngày 15.8.2000); thì phía U15 Hà Nội cũng cung cấp giấy khai sinh được cho là bản gốc chứng minh 2 cầu thủ của mình đúng tuổi, nghĩa là sinh ngày 15.8.2002.
Bản khai sinh được cho là bản gốc chứng minh cặp cầu thủ sinh đôi Sỹ Hồng - Sỹ Hà sinh năm 2002.
Lý giải cho sự “lệch pha” này, phía gia đình Lê Sỹ Hồng – Lê Sỹ Hà giải thích với báo chí đại ý là thời điểm các em mới 9 tuổi nhưng lại muốn đá giải U11 cho địa phương Thanh Hóa và không đủ điều kiện nên gia đình đã tự ý làm lại giấy khai sinh, tăng thêm tuổi là sinh năm 2000.
Sau này khi bị Thanh Hóa loại, Sỹ Hồng – Sỹ Hà đã “trở lại” tuổi thật và đến với “lò” Hà Nội.
Chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng cần phải xử nghiêm khắc vấn nạn gian lận tuổi. Ảnh: I.T
Phía trước, VFF sẽ phải có trách nhiệm làm rõ ai đúng, ai sai trong vụ này và tuổi thật của 2 cầu thủ nói trên là bao nhiêu trước công luận. Còn dưới góc nhìn của mình, cựu danh thủ Thể Công, chuyên gia Trịnh Minh Huế đã có những chia sẻ riêng.
Ông Huế nói: “Trong quá khứ, đặc biệt khoảng hơn chục năm trước, chuyện gian lận tuổi ở các giải bóng đá trẻ Việt Nam loạn hết cả, cũng chỉ vì bệnh thành tích. Vấn đề này, trên thế giới họ nghiêm cấm và nếu phát hiện họ sẽ kỷ luật rất nặng. Có lẽ cũng vì thế mà mấy năm gần đây, chuyện khai man tuổi ở bóng đá nước ta đã mất dần đi, nhưng giờ lại xuất hiện lại và chúng ta phải làm thật nghiêm khắc để răn đe”.
Theo ông Huế, chỉ có ở Việt Nam mới để các lứa tuổi 9-15 đá giải chính thức với quy mô cả nước. Còn trên thế giới, ở lứa tuổi đó, các em chỉ chơi bóng như một trò chơi: “Cá nhân tôi cho rằng việc khai thêm tuổi từ 9 lên 11 để đá giải U11 là ngụy biện. Ở ta chỉ có khai giảm tuổi để đá lấy thành tích thôi. Ở lứa tuổi trẻ dưới 18, cầu thủ chỉ cần chênh lệch 1-2 tuổi thì đã khác lắm rồi”, ông Huế bày tỏ.