Đức Tuấn đề nghị: Cuối năm kiếm gì vui vui viết đi anh. Kêu hoài nông dân miền Trung khổ, buồn lắm. Nghĩ thương trước hết lại là anh bạn báo nhà nằm vùng xứ gió cát Phú Yên, tôi đồng ý và hai đứa xách xe máy nhằm làng nghề trồng hoa Ngọc Phước 2 chạy tới…
1. Làng hoa Ngọc Phước 2 (xã Bình Ngọc) thuộc vùng ven TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Một màu xanh ngọt ngào rau tần ô, cải, xà lách, mùng tơi, những vạt lay-ơn đang thì con gái chờ vụ tết trải rộng hai bên dưới chân cầu Đà Rằng. Nhấp nhô dãy nhà mái ngói như một bức tranh trong nắng chiều se lạnh. Tôi đọc trên trang web du lịch Phú Yên và biết, Ngọc Phước đang là điểm đến “du lịch làng hoa”. Hy vọng có chuyện vui để viết.
Những người nông dân làng rau Ngọc Phước buồn vì giá rau quá rẻ.
Người chúng tôi gặp đầu tiên là anh Nguyễn Văn Nhi đang thu hoạch rau tần ô (cải cúc). Nhà anh có 1 sào rưỡi. Hỏi giá rau, anh bảo, năm nay rẻ quá. Tới tay người thu mua giá tần ô chỉ 1.500 đồng/kg, xà lách 2.000 đồng, cải 1.000 đồng. Ra đến chợ, mỗi loại tăng thêm 500 đồng/kg. Cả một luống tần ô rộng 1m dài chừng 30m, anh bảo chỉ thu khoảng 130.000 đồng. Vợ chồng anh có 2 con đang đi học, đứa lớp 10, đứa lớp 7. Tiền rau không đủ chi tiêu, anh đi làm phụ hồ. Rau rẻ, có lúc phải cuốc bỏ nhưng không bỏ nghề được. Ba mẹ trồng rau, anh ở lại làng cũng trồng rau. Rau gắn với làng, với đời mình rồi, bỏ sao được.
Đang nói chuyện thì chị Thu Sang tới. Chị thu mua rau của 10 hộ trong làng, mỗi ngày trung bình 2 tạ, đem bán ở chợ Tuy Hòa. Chị bảo, không biết sao năm nay rau rẻ dữ ta, rồi tự trả lời vì giống hoa lay-ơn đắt, nhiều nhà chuyển qua trồng rau. Bình Ngọc có tới 3 làng trồng rau, Ngọc Phước 1-2, Ngọc Lãng, chưa kể rau Đà Lạt chuyển về, các vùng khác chuyển tới. Đi mua rau cũng là “mua giúp” các hộ thôi- chị bảo thế. Còn ông Nguyễn Ngọc Anh- Chủ nhiệm HTX Bình Ngọc cho biết, trẻ em làng này lớn lên từ rau, ăn học nhờ rau nên khó mấy cũng phải giữ lấy nghề.
Ngư dân Trần Đúng với nỗi buồn vì không thể ra khơi.
Chia tay anh Nhi, chị Sang, chúng tôi tới gặp hai bà già đang cắm cúi nhổ xà lách. Chủ luống rau là bà Võ Thị Thao (68 tuổi). Bà nhổ rau cho con gái đi chợ ngày mai. Còn bà Bùi Thị Dây (76 tuổi) là hàng xóm, con cái lớn đi làm cả, ra vườn với bà Thao cho vui, lượm ba cây rau bỏ đi về cho gà. “Xà lách bữa nay có ngàn đồng à, ế quá”-bà Thao rầu rầu nói. Ông mất đã lâu, giờ mình bà làm hơn sào rau. Mình bà làm tất mọi việc, trừ việc ra chợ bán. Lớn lên từ luống rau, lấy chồng cũng từ luống rau, nuôi con lớn, gả chồng, lấy vợ cho chúng; nay đám giỗ, mai đám hỏi, tiền đều từ rau cả. Nóng lạnh gì cũng không chê rau được-bà bảo vậy. Tôi ngắm khuôn mặt hai bà già cả một đời cặm cụi trên những luống rau. Nhìn những vạt rau chưa hái, những lá rau tàn trên luống đã thu, những mầm rau đang mọc… Đời rau dăm ba chục ngày, kiếp người cả thế kỷ, sướng vui lận đận. Cả rau, cả người đều không biết mai rau đắt hay rẻ, chỉ biết một điều, nóng lạnh gì thì cũng không chê, không bỏ nhau được.
2. Vậy là mong tìm chuyện vui ở người trồng rau của tôi và Tuấn đã không thành. Kiếm dân làm ăn lớn vậy. Chúng tôi chạy xe về cảng cá thuộc phường 6 TP.Tuy Hòa-xóm của những ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương giỏi nhất. Trước khi vào Phú Yên, Xuân Trường-phóng viên của báo lăn lộn nhiều nhất với ngư dân Nam Trung Bộ, gợi ý cho tôi: Ngư dân chuẩn bị đi chuyến biển xuyên tết. Sẽ có nhiều chuyện hay cho anh viết đấy.
Tới gần cửa cảng, thấy tàu neo đậu san sát Tuấn bảo, gay rồi, tàu nằm bờ nhiều quá. Tới cảng, có nhiều đàn ông đang ngồi hút thuốc vẻ thảnh thơi bất đắc dĩ hóng nhìn ra biển. Chuẩn bị đi biển chưa anh? Người chúng tôi bắt chuyện đầu tiên tên là Trần Đúng trả lời với vẻ mặt méo xẹo: Đi gì được, kiếm hoài không có bạn. “Bạn” là các nhân công chủ tàu thuê đi đánh bắt. Tình trạng tàu không có bạn phải nằm bờ kéo dài cả mấy tháng nay rồi. Biển không có cá, giá dầu tăng, mọi chi phí tăng. Bạn bỏ biển đi làm việc khác. Tết kêu đi, bạn đòi ứng dăm ba triệu để vợ con ở nhà ăn tết. Lấy đâu ra tiền ứng, mà ứng rồi nhỡ tàu về lỗ thì sao, đành nằm bờ.
Nhìn đội tàu nằm sát nhau lắc lư trong nắng chiều đang nhạt dần, Trần Đúng quay sang chúng tôi nói: “Chưa có tết nào buồn như tết này. Hàng ngàn ngư dân miền Trung đang lâm cảnh ấy. Kiếm câu chuyện vui sao khó thế.
3. Ước có một chuyến “phượt” miền Trung, hôm sau tôi thuê chiếc xe Honda cà tàng với giá 150.000 đồng/ngày rồi một mình rong ruổi từ Tuy Hòa về Quy Nhơn. Đường không tốt lắm, phuộc nhún xe thì cứng ngắc nhưng những cảnh gặp dọc đường như đèo Quán Cau, Bãi Xếp, đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài… thì đẹp đến mộng mị khiến tôi thỏa chí lang thang. Vừa vào đất Bình Định, đoạn Bãi Xếp bất ngờ phải dừng xe vì có 2 học sinh đứng vẫy: “Cho chúng con quá giang với”. Đứa con trai tên Thì nói. Thì học lớp 6, chị là Thúy học lớp 7. Hai chị em học ở Quy Nhơn cách nhà chừng hơn chục cây số. Mọi bữa các cháu đi bằng gì ? Đi quá giang ạ.
Mới 8 giờ tối mà Tuy Hòa đã vắng hoe. Nhiều quán xá đã đóng cửa. Chỉ có những đèn xanh, đen đỏ ở các ngã tư là vẫn cần mẫn xanh đỏ-đỏ xanh. Xanh đỏ qua các giao lộ thì ổn rồi, nhưng có đèn hiệu nào chỉ dẫn cho người dân xứ này vượt qua cái nghèo không nhỉ. Mong sao tết sau có trở lại cũng không phải viết những chuyện thế này nữa.
|
Trong tiếng gió ào ào ngược chiều của biển, lại thêm âm điệu của dân Bình Định, tôi nghe câu được câu mất, nhưng tôi biết rõ, bố mẹ đi biển, nhà không có xe máy, năm nay đánh bắt chẳng được bao nhiêu và ngày nào hai cháu cũng phải ra đường vẫy xe đến lớp. Nhỡ không quá giang được, đến lớp muộn thì sao ? Cô giáo không mắng vì nhà xa trường ạ. Đứa chị nói thế. Chia tay hai bạn nhỏ, tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì gặp lại hình bóng các bạn nhỏ miền núi phía bắc, nhà xa, trời rét căm căm vẫn lặn lội đến trường. Buồn vì trẻ miền núi khổ, miền biển cũng chẳng hơn gì.
Gần 4 giờ chiều tôi trở về Tuy Hòa. Lại một phụ nữ quá giang. Chị tên Dư, nhà ở thôn Bình Hòa, xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu. Nhà chị cũng đi biển. Mấy năm trước làm ăn được, năm nay khó quá. Chị nói vậy và chỉ tôi xem các vuông tôm ven lộ: Đó, trống trơn hết à ! Nhiều hộ vay nợ cả trăm triệu, không trả được. Chắc không có tết rồi.
Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống, làng chài Xuân Hải, huyện Sông Cầu như một cánh diều no gió. Nước biển xanh, dừa cũng xanh, thuyền thúng sơn xanh nằm phơi mình trên bãi cát trắng. Tôi tự hỏi, sao lại có sự đối nghịch đến phi lý giữa vẻ đẹp nao lòng của đất trời và cái nghèo đeo bám đến dai dẳng của người dân xứ này. Về đến Tuy Hòa trời đã tối, tôi vào quán vịt Nha Trang ở góc đường Lê Hồng Phong cắt Trường Chinh. Chưa hết ưu tư chuyện của những người mới gặp, chị chủ quán tên Thảo lại bồi thêm bằng câu chuyện với bà bạn khách hàng: Chu cha, bữa nay ra chợ, mua cả bịch rau má to mà chỉ hết có 2 ngàn. Bà bán rau còn bảo, cô cứ lấy đi, lấy thoải mái đi. Cứ lấy đi thì khác gì cho. Rau đem cho thì nhà nông ăn tết bằng gì ?