Dân Việt

Chuyện về nữ chỉ huy trưởng bán của hồi môn phục vụ kháng chiến

Cao Xuân Lương 30/04/2017 10:02 GMT+7
Bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất cho đến nay của tỉnh Sóc Trăng giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự cấp huyện. Một người phụ nữ nổi tiếng thời chống Mỹ oanh liệt, hào hùng. Và câu chuyện bà mang theo 4 cây vàng là của hồi môn cha mẹ cho để phục vụ kháng chiến cho đến nay vẫn khiến nhiều người cảm phục.

Bà là Võ Thị Lan (SN 1939), người con của xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1959, bà Võ Thị Lan (còn gọi là Tư Lan) khi đó vừa tròn 20 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng, với nhiệm vụ đưa thư liên lạc cho các đồng chí lãnh đạo ở xã, huyện.

img

Bà Võ Thị Lan từng là nữ chỉ huy trưởng quân sự huyện Mỹ Xuyên.

Nói về thời kỳ này, bà Võ Thị Lan nhớ lại, những năm 1960 là giai đoạn vô cùng khó khăn, ác liệt của chiến tranh. Lúc đó, bà làm liên lạc, đưa thư từ cho lãnh đạo cách mạng địa phương. Để hoạt động, bà đội thúng bán bánh để len lỏi khắp nơi nắm tình hình, đưa thư liên lạc. Có lần bị giặc bắt tra tấn dã man nhưng bà không khai nên chúng phải thả.

Bà Võ Thị Lan được kết nạp vào Đảng vào năm 1966. Đến năm 1968, bà được cấp trên phân công giữ chức vụ Trưởng ban An ninh xã Hòa Tú. Với một người phụ nữ, công việc mới này rất khó khăn nhưng bà đã vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong thời gian này, bà Lan đã chỉ huy đơn vị trị tội nhiều tên ác ôn, phản bội, chỉ điểm, gây dựng phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh.

Vào năm 1972, bà Lan được cấp trên rút về huyện đội, giữ chức vụ Huyện đội phó, Tham mưu trưởng huyện đội Mỹ Xuyên. Năm 1980, bà giữ chức vụ Huyện đội trưởng Huyện đội Mỹ Xuyên và đến năm 1991 thì nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá.

Bán của hồi môn phục vụ kháng chiến

Một trong những kỷ niệm khó quên của bà Tư Lan thời chiến tranh là khoảng cuối mùa mưa năm 1972, đơn vị của bà phối hợp với dân quân du kích đánh vào đồn giặc ở Ngọc Đông (thuộc huyện Mỹ Xuyên), bao vây đồn này gần nửa tháng trời. Để giải cứu, địch tăng viện từ các đồn lân cận với hàng trăm tên, có máy bay, pháo binh dọn đường rồi bộ binh mới tràn vào.

“Khi quân giặc kéo vào, tôi chỉ huy anh em nằm yên khiến cho kẻ thù tưởng quân ta rút hết nên chủ quan. Khi chúng lọt vào trận địa phục kích của ta, chỉ cách khoảng hơn 10 mét, tôi ra lệnh nổ súng tấn công khiến cho kẻ thù bất ngờ bỏ chạy tán loạn ra ngoài đồng trống chờ đến chiều thì rút quân. Trận đó ta tiêu diệt 17 tên, làm tan rã cuộc tấn công tăng viện của giặc”, bà Tư Lan nhớ lại.

Khi chúng tôi hỏi về câu chuyện bà mang theo của hồi môn cha mẹ cho đi kháng chiến, bà cười nói: “Có thật chứ không phải chuyện chơi đâu nghen”. Rồi bà kể: Năm 1974, bà được cấp trên giao chỉ huy một tiểu đoàn từ Sóc Trăng sang Campuchia nhận vũ khí về chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân 1975. Lúc đó, biết cô con gái út chuẩn bị lên đường, mẹ của bà đưa cho 4 lượng vàng là của hồi môn mà cha mẹ đã dành dụm cho con gái sau khi lập gia đình. Nhận 4 lượng vàng từ tay mẹ, bà rưng rưng xúc động.

Đơn vị của bà hành quân sang nước bạn phải đi bộ, lội giữa biển nước mênh mông rất vất vả. Vì thế, trên đường đi, bà liên lạc được với cơ sở cách mạng, nhờ họ bán một số vàng và mua được 56 chiếc xuồng ba lá cho anh em trong đơn vị làm phương tiện hành quân và có phương tiện để chở vũ khí về. Bà còn dùng tiền bán vàng nhờ cơ sở mua thêm cho mỗi chiếc xuồng 1 giạ gạo (khoảng 20 kg), 1 bếp lò, muối, bột ngọt, xoong nồi và mua cho mỗi người một tấm vải dù làm khăn quàng cổ, chăn đắp khi trời trở lạnh cùng nilon che mưa. Sau khoảng 4 tháng hành quân, đơn vị của bà đã mang về được nhiều súng đạn chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Nói về chuyến đi này, bà Tư Lan cho biết đó là một kỷ niệm không bao giờ quên. Bà Lan nhớ lại, thời điểm đó cả đơn vị đi theo đường dây giao liên. Khi đến khu vực Đồng Tháp, do trời tối và giao liên không nhớ đường nên dẫn đơn vị đi lạc vào khu vực địch đóng chốt. Trước tình thế đó, bà Tư Lan quyết định giả làm người vợ đi thăm chồng bị lạc đường để tìm cách đưa anh em thoát khỏi nguy hiểm. Bà dầm mình giữa biển nước, mặc cho đỉa bám đầy người, cuối cùng bà cũng tìm được một cán bộ địa phương nhờ giúp đỡ lực lượng của mình thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Bà Tư Lan chia sẻ: “Qua câu chuyện với người cán bộ đó, mình nghe nói lại nếu đêm đó đơn vị không thoát ra được thì chắc chắn sẽ gặp tổn thất lớn vì hôm đó các đồng chí đã nắm được thông tin địch đã có kế hoạch đánh phá khu vực này vì chúng nghi là nơi bộ đội ta đóng quân”.

img

Nữ chiến sĩ Võ Thị Lan.

Chung thủy lời hẹn ước với người đã khuất

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, niềm vui thống nhất đất nước chưa trọn thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Để chi viện cho chiến trường, một số địa phương của tỉnh Sóc Trăng thành lập tiểu đoàn liên huyện tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Lần này, bà Tư Lan lại tiếp tục xung phong cùng đơn vị ra chiến trường.

Bà Tư Lan hồi tưởng: “Lúc đó tôi là cán bộ chỉ huy mà tình hình rất khó khăn bởi chiến trường lúc đó ác liệt quá, tư tưởng cán bộ cũng phức tạp bởi đứng trước lằn ranh của sự sống chết. Vì vậy, tôi lại xung phong chỉ huy đơn vị đi biên giới chiến đấu. Mình là phụ nữ xung phong đi thì chắc chắn nhiều anh em sẽ cùng đi. Hơn nữa, tôi chỉ có mẹ già thì đã có hai người chị chăm lo, còn các đồng chí khác đang trẻ, còn vợ con sẽ khó khăn hơn tôi. Chỉ đơn giản là như thế chứ không có gì hơn. Vậy là tôi và các đồng đội của mình lại hành quân ra biên giới”.

Về cuộc đời riêng của bà Võ Thị Lan, qua lời kể của nhiều người từng công tác với bà, được biết khi còn trẻ, bà đã hẹn ước với một người lính cùng quê hương. Họ hẹn nhau ngày toàn thắng mới xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhưng chiến tranh đã cướp đi lời hẹn ước ấy. Người đồng chí, người yêu của bà đã ngã xuống trong một trận đánh ác liệt với kẻ thù.

Nhận tin người yêu của mình hy sinh, bà Tư Lan đau xót, bàng hoàng không thể tin được bởi lời hẹn ước giữa hai người “chờ tới ngày giải phóng mình sẽ thành đôi” vẫn còn đó. Cũng từ nỗi đau này mà cho đến mãi về sau, bà Tư Lan đã khước từ lời cầu hôn của nhiều người, quyết tâm ở vậy để giữ trọn tấm lòng chung thủy vẹn toàn với người đã hy sinh.

Hiện nay bà Võ Thị Lan sống hạnh phúc bên 2 người con nuôi vốn là con của 2 người chị ruột của bà cùng các cháu nội, ngoại trong căn nhà xinh xắn.

Với những thành tích đã lập được trong những năm tham gia kháng chiến, bà Võ Thị Lan đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba; 5 huy hiệu Chiến sĩ quyết thắng; 4 lần Chiến sĩ thi đua…

Được biết, hiện nay tỉnh Sóc Trăng cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho bà Võ Thị Lan.