Đó là câu nói chị Đặng Thị Xuân (dân tộc Dao, thôn Ngòi Lũng, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) nói với chúng tôi khi chúng tôi gặp chị tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Vay lãi lấy tiền đi viện
Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi gặp chị là người đàn bà nhỏ bé với dáng người khắc khổ, có mái tóc hoa râm đang nằm yếu ớt trên giường bệnh trắng toát. Và đặc biệt bên chị có một người đàn ông luôn tay luôn chân chăm lo cứ hết chải đầu lại đỡ chị dậy cho đỡ mỏi. Đó là anh Triệu Văn Đạt – chồng chị Xuân.
Hình ảnh người chồng luôn luôn tận tụy chăm sóc cho vợ khiến cho cả phòng bệnh ai ai cũng phải ngưỡng mộ. Ảnh: B.Y
Theo lời anh Đạt, hai anh chị lấy nhau theo sự sắp xếp của gia đình, nhưng rồi ngày tháng sống chung tình cảm của họ cứ lớn dần lên. Họ có với nhau 5 mặt con, cuộc sống tuy không khá giả nhưng cả gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng vui cười.
Gia đình anh chị trước đây còn có cặp trâu để cày kéo, làm ruộng. Những ngày tháng còn khỏe mạnh chị ở nhà chăm lo nhà cửa, vườn tược, trồng thêm rau cỏ, nuôi thêm con gà con vịt; còn anh ngoài công việc đồng áng anh còn thời gian để đi làm thuê những công việc bên ngoài để có thêm “đồng ra đồng vào”. Cuộc sống thanh bình của vợ chồng chị cứ thế trôi qua.
Những tưởng cuộc sống cứ thế mỉm cười với gia đình anh chị, thế nhưng, vào năm 2016, chị liên tục bị đau bụng. Những con đau cứ thế ngày một nặng thêm, kéo dài ra, rồi từ trạm ý tế xã đến bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh đều in dấu chân anh chị.
Mỗi lần anh đưa chị đi khám cũng là một lần những đồ vật, cây-con trong nhà chị đi theo. Song, bệnh tình của chị không những không thuyên giảm mà ngày một nặng thêm.
Chị Xuân lâm bệnh và gia đình cũng sa sút dần. Ảnh: B.Y
Vào tháng 9.2016, chị được giới thiệu về bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và được chẩn đoán ung thư trực tràng 3 giới. Ngay sau đó chị phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ trực tràng, nối đại tràng với hậu môn bằng phương pháp mổ nội soi. Và cũng chính chuyến đi ấy, cặp trâu “đầu cơ nghiệp” của nhà anh chị cũng đi theo.
“Cả nhà trông chờ vào cặp trâu ấy để cày bừa, kéo chài kiếm thêm nhưng vợ đau phải đi mổ nên nhà mình cũng đã bán nó đi rồi. Bán nó được 20 triệu nhưng vẫn chưa đủ, mình lại phải còn chạy vạy vay thêm để đưa vợ xuống bệnh viện trung ương. Trong nhà giờ chẳng còn gì nữa. Nhà mình giờ đang nợ 50 triệu mà lãi thì 0,4%. Đã không làm được gì giờ chỉ hàng tháng trả tiền lãi thôi cũng đã là một nỗi ám ảnh. Giờ nhà mình là hộ nghèo của thôn, xã rồi” – Anh Đạt chia sẻ.
Trước tình hình vô cùng khó khăn của gia đình anh Đạt chị Xuân báo NTNN đã gửi tặng anh chị 1 khoản tiền nhỏ để có thể trang trải trong ít ngày tiếp theo ở viện. Ảnh: B.Y
Đi viện chỉ còn có vài trăm nghìn
Nói chuyện với chúng tôi anh cho biết những người con gái của anh giờ đã có gia đình riêng nhưng con cũng quá nghèo nên không có điều kiện để giúp đỡ bố mẹ.
“Con gái thì nó lấy chồng hết rồi, giờ chỉ còn có thằng út ở nhà đó. Nó đang học lớp 12 cũng may còn được nhà nước giúp đỡ không thì nó lại giống với bố mẹ không biết mặt con chữ. Còn con gái thì nó nghèo lắm, bao giờ cần giấy tờ gì phải viết và ký tên thì nó mới xuống đây xong rồi lại về. Mình đã nghèo nó còn nghèo hơn xuống đây mình còn phải lo tiền xe cho nó về nữa” – Anh Đạt nghẹn ngào nói.
Chiếc sổ hộ nghèo gắn liền với gia đình anh chị từ ngày chị lâm bệnh. Ảnh: B.Y
“Lần này xuống đây mình phải chạy vạy mãi mới được 2 nhà cho vay nhà 2 triệu, nhà 3 triệu là được 5 triệu mình đưa vợ về viện Trung ương khám. Chứ để ở nhà nó đau lắm” – Anh Đạt cho biết thêm.
Thế nhưng, 5 triệu đó thì đã phải đóng viện phí đầu vào mất 4 triệu. Tiền xe cộ xuống đây 2 người đã mất đến 300.000 đồng/ người và 120.000 đồng tiền đi xe lại bệnh viện. Vì chị Xuân chưa ăn được nên tiền ăn mỗi ngày với riêng anh hết 50.000 đồng.
Khi được chúng tôi hỏi hiện anh có bao nhiêu tiền trong người anh thật thà lục lọi khắp các túi và đưa những đồng tiền lẻ ra đếm, rồi anh cho biết hiện còn có 476. 000 đồng.
Nói về trường hợp của chị Xuân bác sĩ Quách Văn Kiên- bác sĩ điều trị cho chị Xuân cho biết: “Ngay từ lần mổ đầu tiên chúng tôi đã biết gia đình chị Xuân nghèo rồi. Lúc đó đưa vợ đi mổ nhưng không có tiền và mỗi người nhà chăm bệnh nhân trong phòng lại góp lại người thìa cơm người bát canh cho anh qua ngày. Chúng tôi cũng đã có đề nghị với phòng công tác xã hội của viện hỗ trợ bệnh nhân một phần kinh tế cho người nhà bệnh nhân đi lại, ăn uống trong thời gian người bệnh đang điều trị.”
Toàn bộ số tiền anh Đạt còn có. Ảnh: B.Y
“Sau cuộc phẫu thuật cắt toàn bộ trực tràng và nối đại tràng với hậu môn hiện tại tiêu hóa chị tạm ổn. Tuy nhiên, trong lần nhập viện thứ 3 này chị Xuân có biểu hiện về mặt lâm sàng của bệnh suy tim như đau ngực, khó thở, bụng chướng kèm theo tràn dịch đa màng.
Với trường hợp của chị Xuân là phải điều trị nội khoa chứ không phải điều trị phẫu thuật. Ở viện Việt Đức khoa Tim mạch - Lồng ngực thì người ta chỉ điều trị cho những bệnh nhân tim đang điều trị chờ mổ nhưng với trường hợp chị Xuân thì chưa có chỉ định mổ nên người ta khuyến cáo là nên chuyển sang bệnh viện Bạch Mai để điều trị nội khoa tốt hơn.
Đây cũng là lần thứ 3 anh chị xuống viện và với tình trạng “tôi bây giờ không có tiền” nhưng mình bảo vẫn cứ xuống với hi vọng có thêm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ thêm cho anh chị.”
Có lẽ với những ai được chứng kiến hình ảnh người chồng tận tụy chăm sóc vợ bệnh tật còn người vợ lại không muốn trở thành gánh nặng cho chồng con mới thấu hiểu được sự ai oán của số phận. Rồi đây khi chị Xuân được chuyển sang bệnh viện khác và với mấy trăm ngàn còn lại trong túi anh Đạt liệu họ có thể tiếp tục kéo dài cuộc điều trị trong bao lâu?
Mọi sự hảo tâm giúp đỡ gia đình chị Đặng Thị Xuân xin gửi về địa chỉ: Chị Đặng Thị Xuân thôn Ngòi Lũng, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Hoặc Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay - Lô E2, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội qua số tài khoản 1506311002117 Ngân hàng NNPTNT chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội. Xin ghi rõ ủng hộ gia đình Chị Đặng Thị Xuân. Xin chân thành cảm ơn. |