Tổ chức Lao động quốc tế ILO vừa cho biết, cách mạng 4.0 (cách mạng về công nghiệp lần thứ 4) là thách thức lớn với thị trường lao động Việt Nam. Theo dự báo sẽ có nhiều lao động Việt Nam rơi vào cảnh bị thất nghiệp, mất việc làm trong thời gian tới.
Theo ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, thời gian tới, cách mạng 4.0 với chiến lược công nghệ cao, điện toán hoá ngành sản xuất sẽ đặt ra một thách thức kiểu “một mất một còn” với công nhân, lao động.
Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu công nhân làm các khu công nghiệp, nhưng có tới hơn 40% lao động giản đơn. Ông Thọ cũng cho rằng, nếu kỹ năng lao động của công nhân không thay đổi thì khả năng mất việc của công nhân sẽ rất cao.
Một số doanh nghiệp cho biết, họ tỏ ra rất lo ngại trước việc năng suất lao động thì không tăng mà các chi phí đầu vào như: Lương, nguyên liệu, tiền đóng BHXH… tăng nhanh. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0 để trang hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất bằng cách đầu tư robot làm việc giảm nhân công. Như vậy, rõ ràng trong thời gian tới một bộ phận lớn lao động giản đơn sẽ bị sa thải.
Theo dự báo nghề nhà báo sẽ không bị robot thay thế trong cuộc cách mạng 4.0. (Ảnh minh hoạ: IT)
“Đa phần công nhân của chúng ta không hiểu về cách mạng 4.0, một số ít thì lờ mờ hiểu, nhưng họ vẫn bình chân như vại. Không nhận biết thời cuộc đang thay đổi, không tự mình vận động, nâng cao kỹ năng nghề có nghĩa là họ đang bước dần tới bước tự đào thải” - ông Thọ nói.
Có 5 nghề không bị robot thay thế là: Luật sư, nhà báo, nông dân, bác sĩ, nhà nghiên cứu. Ngược lại, sẽ có 5 nghề khác thì sẽ chịu tác động lớn và có nguy cơ bị robot thay thế là: Công nhân nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%).
Cụ thể các quốc gia được cho là có lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất, thậm chí phải thay đổi cả một cơ cấu lao động để có thể thích ứng. Theo nghiên cứu của ILO thì sẽ có 86% công nhân làm ngành dệt may, da giày của Việt Nam sẽ chịu tác động từ cuộc cách mạng này.
Còn Liên Hợp Quốc cũng đã dự báo sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới sẽ bị mất việc trong thời gian tới. Những lao động có tuổi hoặc kỹ năng thấp là những lao động sẽ bị thay thế đầu tiên.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho rằng, cần phải nâng cao vị thế của lao động Việt Nam. Lâu nay Việt Nam được biết đến như là quốc gia có lao động giá rẻ, làm dây chuyền. Thế nên, nếu tới đây bước vào cuộc cách mạng 4.0 thì không còn cách nào khác, chúng ta phải đào tạo nâng cao chất lượng lao động.
Chia sẻ về những thách thức trong cách mạng 4.0, ông Huân cho rằng áp lực về năng suất lao động và áp lực về mất việc làm sẽ buộc doanh nghiệp và người lao động phải nghĩ tới việc nâng cao chất lượng lao động. Tuy nhiên, để làm được điều này Nhà nước cần phải có những chính sách vĩ mô điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần phải có những nghiên cứu để chỉ ra ngành nào cần nhân lực trong thời gian tới và ngành nào cần để đào tạo lao động.