Được nén trong hơn một trăm trang là câu chuyện về cuộc đời của Thế Cang, một người con trai mang nghiệp nhà binh khi mới mười lăm tuổi, từ một anh nuôi trở thành một sĩ quan chỉ huy dạn dày kinh nghiệm trận mạc, trải qua những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh gần đây nhất ở miền Nam Việt Nam và tiếp tục cầm súng ở chiến trường Campuchia cho đến khi bị chiến tranh thải bỏ vì bệnh sốt rét.
Qua một vệt dài đời lính anh đi, những gương mặt khác hiện lên với những nét miêu tả ngắn gọn rõ rành như những nạn nhân trực tiếp của chiến tranh. Đó là bà mẹ miền Nam vượt lên hận thù để ghê sợ trước mọi sự giết chóc, đau đớn một cách đầy cứng cỏi trước tất thảy những gì bị chiến tranh hủy diệt, kể cả mạng sống của vợ con những người lính Cộng hòa. Đó là người con gái mang tên Liêm Chi với mối tình sáng trong bị chiến tranh cướp đi vĩnh viễn ngay trên ranh giới giữa hạnh phúc và bất hạnh.
Đó là gương mặt của vịnh Mù U, một cái góc rất nhỏ và hẻo lánh trên bản đồ của cuộc chiến, với những mùa lúa được gặt vội trong đêm để tránh những trận càn, những góc vườn bị đào thành hầm tránh bom, thành công sự, với sự tuyệt vọng trồi lên từ những đợt rải chất khai quang diệt tất thảy màu xanh, và máu. Đó là trạm quân y ở biên giới Tây Nam với người bác sĩ trẻ mệt phờ, nổi giận và kinh sợ khi nghe người làm bếp nói sẽ làm món chân giò bởi vì một ngày anh phải cưa chân, cưa tay cho quá nhiều binh lính bị thương.
Với “Người yêu dấu”, nhà văn Dạ Ngân đã chiến thắng trước sự cám dỗ khiến người viết phân định rạch ròi hai phe thắng- thua, ta - địch. Bà đứng ở một vị trí cao hơn cái ranh giới ấy để kể về chiến tranh bằng những giọng nói đa thanh của các nạn nhân. Bằng cách nhìn can đảm ấy, Dạ Ngân đã dẫn người đọc đi đến một kết luận ngắn gọn và xác đáng về chiến tranh: chiến tranh là sự thất bại không thể cứu chuộc được của loài người.
“Người yêu dấu” dĩ nhiên chứa đựng một mối tình, nhưng tác giả chẳng đưa nó đi đến đâu cả, thậm chí không hé ra một dấu hiệu của bến bờ hạnh phúc. Có ý kiến cho rằng tác giả có phần bẫt nhẫn khi phác những nét ít ỏi, mong manh của một mối tình lên bức tranh nền quá rộng của những cuộc chiến tranh kéo dài. Cá nhân tôi cho rằng đó không phải là hạn chế mà là chủ ý của bà, nếu không muốn nói đó là một điểm nhấn của tác phẩm.
Nhà văn Dạ Ngân trò chuyện trong buổi ra mắt sách "Người yêu dấu"
Nếu bà cho đôi trai gái, Liêm Chi và Thế Cang, thêm nhiều giờ phút bên nhau thay vì những khoảnh khắc riêng tư hiếm hoi, vội vã, thêm những cơ hội tắm trong những nụ hôn đắm say thay vì chỉ một thoáng chạm môi duy nhất rồi thôi, thêm một cơ hội để lần đầu gọi tên tình yêu cho nhau nghe thì chúng ta đã không thấy được chiến tranh tàn ác, đáng căm ghét đến mức nào trong vai kẻ tước đoạt hạnh phúc.
Những ai có trái tim mẫn cảm chắc hẳn cảm động vô cùng khi đọc những trang tả Liêm Chi đưa Thế Cang về nhà bằng con thuyền qua một vùng sông nước đã gắn bó với họ như máu thịt. Dường như suốt hành trình của con thuyền trôi độc giả muốn gào lên những tiếng kể tội, kết án chiến tranh, đòi nó phải trả cho Liêm Chi người yêu trai tráng của lời yêu chưa ngỏ. Bất công và tàn nhẫn tột cùng bởi cứ mỗi lần đôi trai gái xứng đáng được yêu ấy có cơ hội tiến gần đến hạnh phúc của tình yêu thì y như rằng chiến tranh đứng chắn giữa họ, khi thì nhân danh bà mẹ lo lắng cho tương lai của con gái, khi thì nhân danh sự hiểm nguy của bom đạn, hoặc đơn giản sự gấp gáp của thời gian. Bất công và tàn nhẫn tột cùng khi Liêm Chi chỉ có được người yêu của mình khi chiến tranh đã vắt kiệt sự sống của anh rồi thải bỏ.
Dạ Ngân đã nén lại thật nhiều cảm xúc, trải nghiệm về chiến tranh, trải nghiệm về tình yêu và mất mát trong những câu văn ngắn, trong những trang viết ngắn để một câu chuyện về chiến tranh bung ra trong sự mường tượng, sức hiểu và sự cảm nhận của bạn đọc. “Người yêu dấu” là một câu chuyện về chiến tranh và tình yêu ám ảnh bao nhiêu thì cũng gợi nhiều khát khao về hòa bình và hạnh phúc bấy nhiêu.
Rã rời và hàm ơn là cảm giác mà chắc chắn nhiều độc giả của “Người yêu dấu” trải nghiệm. Có lẽ điều tiếc nuối rõ rệt nhất của chúng ta khi đọc tác phẩm này đó là, nó được in trong cùng một tập sách với một số truyện ngắn khác, trong khi hoàn toàn xứng đáng độc chiếm một cuốn sách, thậm chí là một tiểu thuyết tròn trịa.