Một cuộc tập trận của liên minh Mỹ-Hàn.
Ngày 1.5, Hàn Quốc đã bác bỏ việc thương lượng lại về chi phí cho việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, phản ứng trước việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép với Seoul nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun nêu rõ: "Tôi không nghĩ đó là một vấn đề cần thương lượng lại".
Trong một diễn biến có liên quan ngày 30.4, các lãnh đạo phe Dân chủ Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Trump vì đã làm tổn hại tới quan hệ đồng minh với Hàn Quốc sau khi ông Trump yêu cầu Seoul chi trả cho việc triển khai THAAD, và cho biết sẽ thương lượng lại hoặc chấm dứt hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho biết, nước này sẽ thương lượng lại về các điều khoản trong việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 30.4 cho biết ông McMaster đã có cuộc điện đàm với cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan Jin cùng ngày, nhấn mạnh Seoul là đồng minh ưu tiên hàng đầu của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng trấn an, cam kết số tiền 1 tỷ USD để triển khai THAAD sẽ do Mỹ chi trả, bất chấp tuyên bố trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi Hàn Quốc phải gánh khoản này.
Trong thông cáo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông McMaster lý giải tuyên bố của ông Trump đòi Hàn Quốc trả tiền cho THAAD chỉ là "lời nói chung chung trong bối cảnh Mỹ muốn đồng minh chia sẻ gánh nặng quốc phòng".
Cũng theo cơ quan này, chính cố vấn an ninh quốc gia Mỹ là người đã chủ động điện đàm cho người đồng cấp Hàn Quốc.
Mỹ - Hàn có ràng buộc bởi một thỏa thuận quốc phòng và hiện đang có 28.500 binh lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, hai nước đã có những bất đồng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cho rằng Seoul nên trả "1 tỷ USD" cho việc triển khai THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc để chống lại những đe dọa từ Triều Tiên.
Ngoài ra, ông Trump còn hối thúc đàm phán lại điều mà ông cho là thỏa thuận thương mại tự do song phương vốn đã có hiệu lực từ 5 năm trước, đồng thời coi đây là "thỏa thuận ... không thể chấp nhận được của bà Hillary".
Nhật báo hàng đầu Chosun cùng ngày đăng trên trang nhất bài xã luận "Trump huyên thuyên về liên minh Hàn - Mỹ", trong đó cho rằng "có những vấn đề quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều. Nếu một trong hai bên tiếp tục hạ thấp giá trị của liên minh này xuống vấn đề tiền bạc hoặc kinh tế thì chắc chắn sẽ hủy hoại lòng tin cơ bản". Báo này cho rằng Seoul cần phải đưa ra "nhiều phương án B" trong tương lai.
Trong khi một báo lớn khác của Hàn Quốc là tờ JoongAng Ilbo đã cáo buộc chính quyền Trump gửi đi "những thông điệp khó hiểu và mâu thuẫn", khiến "tình hình hỗn loạn" giáng "đòn mạnh" xuống liên minh song phương Mỹ - Hàn. Báo này nhấn mạnh: "Mỹ phải nhận thức rõ về những khó khăn và chỉ trích mà Seoul phải hứng chịu để đẩy nhanh việc triển khai THAAD".
Câu hỏi đặt ra, nếu liên minh Mỹ-Hàn tan vỡ, điều gì sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên?
Hệ thống THAAD của Mỹ đã được triển khai tại Hàn Quốc.
Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên từ đầu năm 2016, khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân và phóng thử một tên lửa đạn đạo mang vệ tinh. Đến tháng 9 năm ngoái, Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành một vụ thử hạt nhân khác và phóng thử hơn 20 tên lửa trong năm. HĐBA LHQ đã ra một loạt nghị quyết cấm bất kỳ hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân nào của quốc gia Đông Bắc Á này. Tuy nhiên, Triều Tiên không công nhận những văn kiện này, và khẳng định nước này có mọi quyền lợi để nâng cao năng lực quốc phòng trước chính sách thù địch hiện nay của Mỹ.
Triều Tiên từng đe doạ, sẽ nã hàng ngàn quả đại pháo vào Seoul, hàng trăm tấn chất nổ đánh vào thủ đô có 25 triệu cư dân của Hàn Quốc, tên lửa sẽ bắn đến Nhật Bản và tận đảo Guam của Mỹ sẽ là một số những hậu quả mà các nhà hoạch định kế hoạch quân sự của Mỹ và Hàn Quốc phải cân nhắc khi tính đến một cuộc tấn công phủ đầu để ngăn chặn đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhiều lần lặp lại cảnh cáo rằng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” với chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un của Tổng thống Obama đã chấm dứt, và gợi ý có thể sử dụng đến biện pháp quân sự để ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân (ICMB) có thể bắn tới nước Mỹ.
Cùng với lời cảnh cáo đó, Mỹ vừa điều một tàu ngầm, loại có thể trang bị 150 tên lửa điều hướng Tomahawk, đến một hải cảng của Hàn Quốc. Hạm đội do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu của Mỹ cũng đang trên đường hướng đến khu vực và tiến hành các cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ đã đưa các bộ phận của hệ thống THAAD đến địa điểm triển khai cách thủ đô Seoul khoảng 250 km về hướng nam.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng một cuộc tấn công quân sự thật sự của Mỹ sẽ có rủi ro rất cao. Một cuộc tấn công chính xác của Mỹ nhắm vào một hay nhiều địa điểm hạt nhân và tên lửa đạn đạo chắc chắn không đủ để phá hủy toàn bộ hoặc phần lớn kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nước mà các báo cáo nói rằng có vô số địa điểm quân sự kiên cố dưới lòng đất ở khắp nơi.
Nhưng một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ hầu như chắc chắc sẽ khơi mào cho một cuộc trả đũa ngay tức khắc của Triều Tiên nhắm vào Hàn Quốc. Ông John Schilling, chuyên gia về công nghệ tên lửa đang làm việc với trang web tên 38 North chuyên quan sát Triều Tiên thuộc khoa Nghiên cứu quốc tế cấp cao của Đại học Johns Hopkins (SAIS) ở Washington, nhận định:
“Triều Tiên có thể nã đại pháo vào Seoul hoặc những nơi khác dọc theo khu phi quân sự (DMZ.) Có thể có những cuộc hành quân bí mật, nhưng phải có thêm nhiều mức độ leo thang xung đột nữa trước khi Bình Nhưỡng dùng đến vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học.”
Chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có hơn 21.000 khẩu đại bác, phần lớn được triển khai dọc theo biên giới liên Triều, để có thể luôn sẵn sàng đe dọa tính mạng của 25 triệu cư dân Seoul chỉ cách biên giới liên Triều 56 km.
Một bản đánh giá về khả năng quân sự Triều Tiên do tổ chức phân tích tình báo Strafor ở Texas thực hiện ghi nhận rằng pháo binh Triều Tiên có các thệ thống phóng nhiều rocket 300 millimet cùng lúc có thể “tưới lửa đạn” lên Seoul và các vùng phụ cận. Bản phân tích của Strafor nói rằng “một đợt phóng rocket” có thể bắn hơn 350 tấn chất nổ bao phủ khắp thủ đô của Hàn Quốc, tương đương với khối lượng bom đạn của khoảng 11 máy bay ném bom B-52 cùng lúc thả xuống.
Như vậy, kịch bản xấu nếu liên minh Mỹ-Hàn rạn nứt, bán đảo Triều Tiên sẽ chìm trong lửa đạn là điều có thể xảy ra.