Ngoài ra, việc luân canh 1 vụ đậu nành còn góp phần cắt đứt nguồn lây lan của sâu bệnh trên lúa (nhất là rầy nâu), bồi dưỡng đất, gia tăng năng suất cây lúa vụ sau, giảm sự cạnh tranh của cỏ dại và cải tạo các đặc tính sinh hóa của đất trong hệ thống luân canh.
Đậu nành luân canh đất lúa vụ trước khi chân đất ruộng còn ẩm ướt. Có thể trồng đậu nành trong điều kiện không làm đất hoặc có làm đất tối thiểu để cho kịp thời vụ. Cũng có những ruộng đất đang ẩm gieo hạt luôn nhằm tiết kiệm chi phí nhưng cần chú ý diệt cỏ sớm và đào mương rãnh thoát nước tốt.
Lúa sau khi đã gặt xong, khi đất còn ẩm gieo vãi hạt đều trên mặt ruộng rồi phủ rơm hoặc có thể gieo theo hốc. Gieo theo hốc bằng cách chọc lỗ bỏ hạt và lấp lỗ bằng tro trấu được tưới đủ ẩm từ trước khi lấp hạt. Tro trấu được trộn với thuốc trừ sâu ăn hạt + 2 - 3kg phân DAP (1 bao tro trấu trộn với 1 lon sữa bò phân DAP).
Lượng hạt giống gieo có thể sử dụng từ 60 - 100kg/ha, tùy thuộc mật độ dày hay thưa và tùy theo hạt giống to hay nhỏ, sạ theo hốc hay sạ lan. Khoảng cách gieo hốc, tùy theo giống, có thể hàng cách hàng 30cm, cây cách cây 15cm; hoặc hàng cách hàng 35 - 40cm, cây cách cây 15cm, 2 - 3 hạt/hốc.
Nhu cầu phân bón cho 1ha ruộng trồng đậu nành gồm: Phân đạm từ 50 - 100kg (tương đương 23 - 46kg N), super lân từ 200 - 300kg (tương đương 32 - 48kg P2O5), sulfat kali (clorua kali) khoảng 100 - 150kg (tương đương 60 - 90kg K2O). Có thể bón thêm phân chuồng từ 5 - 8 tấn/ha và bón thêm vôi 500kg/ha nếu đất chua.
Cách bón phân: Phân lân, vôi và phân chuồng bón lót toàn bộ (trộn tro lấp hạt hoặc bón theo hàng trước khi gieo). Bón thúc lần 1 khi cây có 2 - 3 lá thật (12 - 15 ngày sau gieo) và bón thúc lần 2 khi cây có 4 - 5 lá thật (30 – 35 ngày sau gieo) và trước khi cây ra hoa. Mỗi lần bón 1/2 số phân đạm và kali. Bón thúc rải theo hàng, theo hốc rồi tưới nước ngay hoặc hòa tan rồi tưới vào gốc. Nên tưới nước sau khi tưới phân.
Ở giai đoạn cây ra hoa đậu trái có thể phun phân bón lá như loại Đầu Trâu 901 (15-20-25), Đầu Trâu 902 (17-21-21), hoặc những loại khác tương tự có bán trên thị trường nhằm hạn chế rụng hoa rụng trái, chắc hạt, tăng năng suất và chất lượng hạt.
TS Nguyễn Công Thành