5h sáng hàng ngày, gần trăm cư dân của làng chài Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) tập trung ở bãi bến nơi con sông Loan đổ ra biển lớn để đón những con tàu nhỏ hay những chiếc mủng đi lộng trở về.
Hình ảnh những người phụ nữ ngồi chờ đợi trên bãi biển mỗi sáng sớm đã quen thuộc hàng trăm năm nay bởi đi biển là nghề chính của người dân làng chài Cảnh Dương từ xa xưa. Họ chủ yếu là phụ nữ trung tuổi, đợi thân nhân hay là người đi buôn chờ mua hải sản tươi sống. Quang gánh, rổ, rá, thùng xốp... là những vật dụng không thể thiếu mà họ chuẩn bị để đựng hải sản trước khi mang đi tiêu thụ.
Tuy nhiên, sự cố môi trường do Formosa xả thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng vùng biển 4 tỉnh miền Trung một năm về trước đã khiến người dân Cảnh Dương điêu đứng.
Suốt 6 tháng đầu, những ngư dân sống bằng nghề lộng (là đánh bắt gần bờ, khác với đi khơi là đánh bắt xa bờ) gian nan tìm cách chuyển nghề hay chỉ ở nhà, sống lay lắt bằng tiền tiết kiệm của gia đình. Những con tàu, chiếc mủng nằm đắp chiếu ngổn ngang trên bãi.
Anh Võ Đức Cường (42 tuổi), một ngư dân đánh bắt hải sản bằng mủng, tâm sự: "Sự cố môi trường Formosa khiến công việc và cuộc sống của gia đình tôi đảo lộn hoàn toàn. Những ngày đầu, tôi vẫn gắng ra biển đánh bắt, nhưng khi về lại không thể bán được vì người dân không dám ăn hải sản, cả nhà tôi đành để ăn dần. Cái nghề cái nghiệp của mình hàng chục năm nay, không phải nói bỏ là bỏ được".
Anh Cường cho biết thêm sau khi cơ quan chức năng công bố danh sách những loài hải sản có thể ăn được, công việc của anh đã tiến triển hơn, người dân dần ăn trở lại. Đến nay, thu nhập của anh đã hồi phục khoảng 60-70% so với trước đây.
Tròn một năm sau sự cố môi trường biển lớn nhất từ trước đến nay, các hoạt động đánh bắt, buôn bán hải sản của người dân đã dần trở lại. Từ sau Tết Nguyên đán, các tiểu thương đã trở lại bãi bến để thu mua hải sản từ ngư dân đi lộng.
Các loại hải sản sống ở tầng nổi vùng biển 4 tỉnh miền Trung như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá hố, cá bò, cá đối, cá cơm... được Bộ Y tế kết luận đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Vì vậy, ngư dân khi đánh bắt và buôn bán các loại hải sản này sẽ không còn chịu lỗ, sức mua của người dân cũng ổn định trở lại.
Trong khi đó, Bộ Y tế đề nghị người dân không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, bạch tuộc và các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý.
Khi ngư dân bắt được ghẹ hay tôm tít, dù còn tươi sống nhưng không thể bán với giá cao như trước đây. Thay vào đó, họ bán theo rổ, bao tải cho người dân đem về xay để làm mồi câu ốc hương hay cho lợn ăn, thậm chí đổ đi. Nhiều người tiếc mớ ghẹ tươi sống, thường chọn những con chắc và tươi nhất đem về nhà ăn.
Bà Nguyễn Thị Phương (45 tuổi, áo xanh) cho hay: "Trước đây, tôi mua một bao tải ghẹ như thế này với giá hơn một triệu đồng, nhưng nay chỉ khoảng 100.000 đồng. Tôi mua về xay ra làm mồi đi câu ốc hương".
Đối với ngư dân đi lộng, câu ốc hương là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo thu nhập khi loại hải sản này có giá bán khá cao, khoảng 350.000 đồng một kg.
Chị Trần Thị Huyền (37 tuổi) bộc bạch nhiều hôm chị và mọi người xuống chờ mua hải sản từ sáng sớm nhưng phải đi về tay trắng. "Tôi từng nghĩ đến chuyện chuyển nghề nhưng không biết phải làm gì. Lắm lúc nhớ chợ nhớ thuyền thì chúng tôi lại đi thôi", người phụ nữ chia sẻ.
Tiểu thương ở chợ Cảnh Dương bày tỏ việc buôn bán các loại cá lộng còn rất khó khăn vì tâm lý người dân chỉ muốn ăn cá khơi, ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm hơn.
Nhiều ngư dân mong muốn chuyển đổi việc đánh bắt hải sản từ lộng sang khơi. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi nhiều về kinh tế cũng như các điều kiện khác mà không phải ai cũng có thể làm được.
Người dân ở làng chài Cảnh Dương có chung một lo ngại rằng đến bao giờ vùng biển quê hương họ mới sạch hoàn toàn, ảnh hưởng do chất thải của Formosa không làm hại đến đời con cháu họ.