Dân Việt

Coma 18 vẫn chờ phép lạ mang tên Trần Đức Huế

Thái Bình 04/05/2017 07:00 GMT+7
Từ giữa 2016, Coma 18 chấm dứt thời kỳ lao dốc không phanh và khởi sắc nhờ được một nhóm cổ đông lớn thâu tóm. Trong đó, nổi lên vai trò của chủ tịch HĐQT Trần Đức Huế - người đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty VIDEC. Nay, Coma 18 đang tham vọng lãi... 2 tỷ đồng với nhân tố mới – cũng là chủ đầu tư một số dự án BĐS tại Hà Nội.

img

Liệu kịch bản mà VIDEC từng áp dụng ngoạn mục với Prosimex (cụ thể là dự án Riverside Garden) có tái hiện ở CIG? 

Dự án: Ôm nhiều thì yếu!

Sở hữu/có tên trong hàng loạt dự án xây lắp lẫn nhà ở chung cư từ Bắc tới Nam, Coma 18 (CIG) đã sa lầy trong núi dự án này giai đoạn 2015-2016.

Năm 2015, CIG ghi nhận doanh thu dự án nhà ở Westa 58,736 tỷ đồng, lợi nhuận gộp xác định là (-4,894 tỷ đồng). Công nợ tạm ứng lớn (trên 24 tỷ đồng) và nợ nội bộ cao. Đến 31.12.2015, CIG nợ thuế tới 35,8 tỷ đồng - có nguy cơ bị phạt do nợ đọng, truy thu thuế. Kết quả sản xuất kinh doanh lỗ (-38,383 tỷ đồng) năm này được lý giải bởi nước cờ sai mang tên Westa. Với chủ trương xây chung cư cao cấp, giá thành cao, sau CIG xin điều chỉnh chia nhỏ căn hộ Westa để phù hợp với thị trường – chi phí đầu tư tăng.

Ngày 12.3.2015, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) quyết định đưa cổ phiếu CIG vào diện kiểm soát. Nguyên nhân là CIG có lợi nhuận sau thuế năm 2014 là -61,89 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2 năm 2013 và 2014 lần lượt là -21,49 tỷ đồng và -89,88 tỷ đồng. Tới 3.4 vừa qua, HOSE nhận được BCTC kiểm toán năm 2016 của CIG. Sau khi xem xét, HOSE tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với CIG.

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án đầu tư hạ tầng công nghiệp (quy mô lớn tại nhiều tỉnh thành khác nhau) của CIG "đều có tổng mức đầu tư lớn, đầu tư dở dang như KCN Kim Thành – Hải Dương, KCN Nhuận Trạch – Hòa Bình và KĐT Nam Dương nhưng do thị trường BĐS và tài chính khó khăn, công ty đã chủ động hoãn, giãn tiến độ để phù hợp với chủ trương của Chính phủ, nhu cầu của thị trường, đồng thời tìm kiếm đối tác chiến lược để hợp tác”.

Tình hình kinh doanh bết bát, nợ chia cổ tức của CIG kéo dài suốt 2 năm (từ quý I.2014) gay cấn tới mức Công ty mẹ (Tổng Công ty TNHH MTV Xây dựng) đã phải thoái toàn bộ vốn tại CIG vào tháng 5.2016 như một phương án bất đắc dĩ. Bởi nếu tiếp tục lỗ trong các quý còn lại của 2016, việc cổ phiếu CIG bị "khai tử" (hủy niêm yết) là rất cao.

Cũng từ tháng 6.2016, CIG ghi nhận có mặt của ông Trần Đức Huế (vai trò Chủ tịch HĐQT) – CEO rất "già dơ" đến từ VIDEC. Với kinh nghiệm chinh chiến dày dặn tại công ty CP Đầu tư thiết kế & xây dựng Việt Nam (VIDEC), cá nhân ông Trần Đức Huế đã bước đầu chứng minh được vai trò lèo lái “con đò nát” CIG chỉ trong chưa đầy 1 năm.

img

Sự có mặt của CEO đến từ VIDEC trong bộ máy DN lập tức thắp lên hy vọng cho những dự án quy mô nằm chờ nhiều năm qua của CIG?

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN năm 2016 của CIG là... 1,47 tỷ đồng (sau nhiều năm báo lỗ). Đồng thời, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến  31.12.2016 là -127,7 tỷ đồng. Tình hình dường như sáng sủa với CIG, khi HĐQT đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với tổng doanh thu  30 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2 tỷ đồng. Bên cạnh việc thúc đẩy công tác tìm kiếm việc làm và triển khai các dự án trong năm 2017, CIG sẽ tiếp tục thực hiện và thúc đẩy đầu tư dự án KCN Kim Thành để xây dựng hạ tầng.. .; tham gia liên danh và triển khai đầu tư dự án thủy điện trước quý II/2017 và dự án BOT lĩnh vực giao thông....

Người ngóng phép màu, kẻ rình cơ hội?

Trong BCTC tổng hợp kiểm toán của CIG năm 2016, kiểm toán có ý kiến ngoại trừ liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Westa, việc xác định doanh thu còn thu hồi, lãi lỗ dự án chưa được xác định và ý kiến nhấn mạnh việc sử dụng số tiền từ việc phát hành cho cổ đông chiến lược... Đây chính là một phần lý do khiến cổ phiếu CIG tiếp tục bị liệt vào diện kiểm soát. Đồng thời, dấu hỏi về cách sử dụng dòng tiền của DN cũng được đặt ra.

Ngày 2.3.2015, ông Đinh Nam Thu - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định chấm dứt thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam Dương tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (huyện Điện Bàn), do Công ty CP Coma 18 làm chủ đầu tư vì đã không triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết.

Cũng mới đây, cuối tháng 3, CIG xuất hiện trong danh sách các đơn vị nợ đọng thuế hàng “khủng” ở Thủ đô với gần 33 tỷ đồng đeo đẳng. Có ý kiến cho rằng, bản thân một CEO giỏi lèo lái như ông Huế (nổi danh tại VIDEC) cũng không thể ngày một ngày hai tạo được phép màu ở một DN quá yếu ớt như CIG. Vì thế, với đống tàn tích quá khứ nhiều năm trước, việc CIG vẫn nợ nần như chúa Chổm là điều dễ hiểu (!)

Tuy nhiên, nghi ngại về việc VIDEC sẽ “nuốt” CIG – chính xác hơn là những dự án BĐS, hạ tầng công nghiệp béo bở (và dang dở chờ vốn) của CIG, là có cơ sở. Cứ nhìn cái cách VIDEC – ông Trần Đức Huế nhảy vào dự án Riverside Garden Vũ Tông Phan mới đây (bằng chiến thuật hợp tác với một Prosimex đói kém suốt 6 năm nhưng nắm giữ khu đất) là nhận ra chiến thuật này?!

img

Westa Hà Đông – dự án điển hình cho việc sa lầy của Coma 18 trong đầu tư địa ốc thời gian trước

Còn nhớ, Prosimex, 10 năm u ám kể từ CPH, chỉ duy 1 lần chia cổ tức. Tháng 5.2014, SCIC – cổ đông lớn nhất – chính thức thoái vốn 56,6%. Các vị trí trọng yếu của DN lần lượt rơi vào nhóm cổ đông lớn. Năm 2015, công ty chỉ tập trung khai thác cho thuê kho tàng, nhà xưởng và phối hợp cùng đối tác liên danh (VIDEC) lo thủ tục pháp lý đầu tư dự án Riverside Garden (nguyên là đất trụ sở công ty).

Cuối năm 2016, dự án mở bán với đại diện liên danh chủ đầu tư là VIDEC. Bất chấp đấu tranh đòi quyền lợi của nhóm cổ đông nhỏ của Prosimex, VIDEC băng băng về đích đầy ngoạn mục tại dự án nằm trên khu đất của Prosimex. Đổi lại, Prosimex hứa hẹn được chia lợi tức cố định là 75 tỷ đồng và 1.000m2 sàn văn phòng tại dự án bao gồm 2 toà tháp 25 tầng và khu biệt thự, liền kề...

Được và mất của Prosimex đã rõ. Còn Coma 18?