Dân Việt

Tự hào với những “nghệ sĩ nông dân”

10/05/2013 09:34 GMT+7
(Dân Việt) - Chung kết Liên hoan Dân ca toàn quốc 2013 vừa kết thúc tại Hà Nội và để lại dư vị đẹp trong khán giả về tài năng của những “nghệ sĩ chân đất”.

PV NTNN đã có cuộc trò chuyện với GS-TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của liên hoan.

Thưa Giáo sư, 18 tiết mục lọt vào chung kết Liên hoan Dân ca toàn quốc 2013 cho thấy sự đa dạng của âm nhạc dân gian các dân tộc và tính độc đáo, nguyên bản của dòng nhạc này. Gắn bó với sân chơi 13 năm nay, ông có ấn tượng gì về liên hoan vừa qua?

img
Tiết mục múa hát của 4 cô gái Sila đoàn Lai Châu.

- Tôi rất tự hào về những “nghệ sĩ nông dân” trên sân khấu. Tính đến nay, liên hoan đã tổ chức được 5 lần theo chu kỳ 2 năm/lần. Càng ngày, chất lượng liên hoan càng được nâng lên vì ban tổ chức đã loại bỏ bớt các tiết mục mang tính “dàn dựng”. Đến với liên hoan này, tuyệt đại đa số là các nghệ nhân dân gian, đi từ đồng đất, làng bản đến thẳng sân khấu. Họ trình diễn những vốn quý mà họ được trao truyền từ thế hệ ông bà, rất nguyên bản, mộc mạc và thuần chất. Đó là điều quý giá nhất đối với tôi.

Gần 800 nghệ nhân, nghệ sĩ đại diện cho 31 dân tộc anh em đến từ 54 tỉnh, thành trong cả nước đã đem đến 140 tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc tham gia liên hoan. Đêm chung kết toàn quốc tuyển chọn 18 tiết mục xuất sắc nhất từ cuộc thi của 6 khu vực. Ban tổ chức đã trao 7 giải A , 11 giải B và 2 giải phụ cho các tiết mục.

Được biết, để đến được với liên hoan, có nhiều nghệ nhân đã vất vả đi bộ cả mấy ngày đường. Điều đó có đúng không, thưa ông?

- Đúng vậy, đó là những câu chuyện có thật khiến tôi vô cùng cảm động. Tốp 4 cô gái người dân tộc Sila ở Mường Tè (Lai Châu) phải đi bộ 1 ngày đường mới xuống đến Lai Châu để có ô tô chở đi dự thi. Một cô gái người Hà Nhì ở vùng núi Tây Bắc tỉnh Điện Biên, đi bộ 2 ngày đường để xuống trung tâm huyện và cũng là lần đầu tiên trong đời được trông thấy cái ô tô.

Vậy mà họ lên sân khấu trình diễn vô cùng tự tin và phô diễn hết vẻ đẹp của dân ca, dân vũ dân tộc mình. Xem những tiết mục của các nghệ nhân, tôi vui sướng lắm. Đừng tưởng dân ca là “nôm na mách qué”, nó có giá trị nghệ thuật rất cao của riêng nó, vừa dân dã lại vừa bác học, không phải ai cũng thấy được.

Thưa ông, có nhiều người bày tỏ ý kiến lo ngại rằng, mặc dù các tiết mục đều rất “chất” và nguyên bản nhưng việc chúng ta tổ chức ở một sân khấu với nhiều ánh đèn màu, nghệ nhân hát qua hệ thống loa đài khiến vẻ “hương đồng, gió nội” cũng “bay đi ít nhiều”?

- Chúng tôi cũng rất biết điều này, 3 kỳ liên hoan đầu tiên của khu vực Tây Nguyên vào các năm 2000-2003, chúng tôi tổ chức ngoài bãi đấy chứ. Tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện nay thì không làm thế nào khác được. Có phải chỗ nào cũng có bãi đâu, còn khi mưa gió, bão bùng nên buộc phải đưa lên sân khấu. Có ánh đèn sân khấu thì cũng phải có trang điểm chút ít, thời hiện đại này khó mà đòi hỏi phải “chân quê” hoàn toàn được.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tinh thần dân dã thì vẫn được giữ nguyên. Có tiết mục hát trống quân của nhóm nghệ nhân ở Khoái Châu (Hưng Yên) hay và sôi nổi tới mức cả hội trường phải đứng dậy để vỗ tay theo hoặc tiết mục múa hát Chúc hỗ của các nghệ nhân ca trù Cổ Đạm (Hà Tĩnh). Đó thực sự là những kho báu trong dân gian, như viên ngọc thô chưa từng qua gọt giũa.

Các tiết mục ở liên hoan này được Hội đồng nghệ thuật xếp hạng A và B. Tại sao không phải là Huy chương như những liên hoan khác?

- Thực ra xếp hạng các tiết mục là việc “cực chẳng đã” để động viên tinh thần các nghệ nhân thôi, chứ chúng tôi không muốn làm cái việc ngược đời là đem hạt thóc so sánh với hạt ngô vì mỗi hạt đều có giá trị riêng mà hạt kia không có.

Dân ca mỗi dân tộc có một giá trị nghệ thuật riêng, ai dám nói là dân ca của người Tày thì hay hơn của người Nùng hay ngược lại? Chúng tôi muốn đây là một sân chơi thật sự dân chủ, các nghệ nhân có cái gì hay, đẹp thì đem đến để phô diễn và qua đo học hỏi lẫn nhau. Ngoài việc đài thọ toàn bộ chi phí từ khi rời nhà đến khi trở về, Ban tổ chức còn tặng mỗi nghệ nhân một món tiền nhỏ để có thể mua quà cho người thân.

Sau một thời gian dài gắn bó với đời sống dân ca, điều ông tâm đắc nhất là gì?

- Đó là tiềm năng nghệ thuật giàu có trong các “nghệ sĩ chân đất” của chúng ta. Nhìn bề ngoài thì họ chẳng có gì đặc biệt hết, chỉ là những người lao động bình thường trên ruộng nương, ở làng bản. Nhưng chỉ cần có sân chơi, chỉ cần khơi dậy trong họ nguồn cảm hứng thì họ là những “nghệ sĩ” đích thực. Họ hát múa say sưa, cơm nắm đi bộ mấy ngày đường để được lên hát cho mọi người nghe cái vốn quý của ông cha mình, chẳng đòi hỏi gì hết cả.

Xin cảm ơn Giáo sư!