Theo Daily Mail, các nhà khoa học làm việc tại NASA sử dụng cảm biến trên tàu vũ trụ Cassini để đo lượng bụi ở khu vực "The big emty" (khoảng trống lớn). Họ chuyển dữ liệu đo mỗi hạt bụi va chạm với cảm biến thành âm thanh.
Kết quả thu được khiến các nhà nghiên cứu hết sức bất ngờ. Một loạt tiếng kêu răng rắc, lạo xạo và âm thanh giống như tiếng huýt sáo nghe như âm thanh đến từ một thế giới khác.
Tàu vũ trụ Cassini trong hành trình khám phá sao Thổ.
Đoạn ghi âm khởi đầu bằng tiếng lạo xạo, nhưng nhiều tiếng ồn khác như tiếng gió rít và tiếng bíp liên hồi như trong đoạn mã Morse. Mỗi tiếng huýt sáo và tiếng rít là một sóng đơn trong môi trường chứa hạt mang điện tích mà thiết bị cảm biến gắn trên tàu vũ trụ Cassini ghi lại.
Nếu như khu vực có nhiều bụi hơn, những tiếng ồn sẽ bao trùm bởi vật thể va chạm với cảm biến. Phân tích của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, các hạt bụi có kích thước rất nhỏ, thậm chí bé hơn một phần triệu mét.
Điều này khiến các nhà khoa học cảm thấy khó hiểu bởi họ dự đoán khu vực chứa lượng bụi lớn hơn nhiều.
Quỹ đạo những cú bổ nhào "vào cõi chết" của tàu vũ trụ Cassini (màu xanh).
"Phát hiện làm chúng tôi hoang mang một chút. Chúng tôi không nghe thấy được những gì như kỳ vọng", William Kurth, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Iowa nói.
Trưởng Dự án Cassini của NASA, Earl Mazine đồng tình với phát hiện bất ngờ này, “Cassini sẽ duy trì hành trình trong khi các nhà khoa học tìm hiểu bí ẩn tại sao lượng bụi lại thấp hơn nhiều so với ước tính”.
NASA phóng tàu vũ trụ Cassini vào năm 1997. Con tàu mất 7 năm để tới được quỹ đạo sao Thổ vào năm 2004.
Cassini đã bay vòng quanh để chụp lại những bức ảnh về hành tinh lạnh giá này. Gần đây, các nhà khoa học NASA thông báo con tàu sắp cạn kiệt nhiên liệu.
Mô phỏng hình ảnh tàu vũ trụ Cassini nhìn thấy ở khoảng không nằm giữa sao Thổ và vành đai.
Trong nhiệm vụ cuối cùng, tàu vũ trụ Cassini đã bắt đầu những cú bổ nhào “vào cõi chết” đầu tiên từ ngày 22.4, để thăm dò khoảng không nằm giữa sao Thổ và các vành đai. Sở dĩ được gọi là "cõi chết" vì đây là nơi tàu vũ trụ NASA vĩnh viễn nằm lại sau khi kết thúc sứ mệnh.
Con tàu sẽ tiếp tục thực hiện tổng cộng 22 lần bổ nhào xuống khu vực trước khi lao thẳng vào sao Thổ vào ngày 15.9.
Khi lao xuống sao Thổ, Cassini sẽ hướng ăng ten về Trái Đất lâu nhất có thể, nhằm gửi về các dữ liệu quan trọng trước khi mất tín hiệu hoàn toàn. Những dữ liệu này được kỳ vọng sẽ giúp hiểu thêm về sao Thổ, cũng như nhiều hành tinh khác trong hệ Mặt Trời.
Một nhóm các phi hành gia NASA tin rằng, người ngoài hành tinh có thật và họ từng nhiều lần đến thăm Trái đất.