Chiều ngày 4.5, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã thông tin về vấn đề liên quan đến giá thịt lợn hiện nay.
Theo Thứ trưởng Tuấn, hiện cả nước vẫn còn 300.000 – 400.000 tấn thịt lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. “Chúng ta cố gắng cân bằng cung – cầu trong khoảng 2-3 tháng nữa”, ông Tuấn cho hay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thông tin về vấn đề liên quan đến giá thịt lợn hiện nay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nêu 3 giải pháp tập trung cả trước mắt, lâu dài để không tái diễn cảnh “giải cứu” đàn lợn thời gian tới. Thứ nhất, giải quyết tốt quan hệ cung cầu, không để đứt quãng. Rà soát đảm bảo tổng đàn và quy mô đàn chăn nuôi có cơ cấu hợp lý.
Thứ hai, Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp kiểm soát lợn nái, tổ chức liên kết chuỗi và lâu dài sẽ đề xuất với Chính phủ không hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi mà sẽ hỗ trợ qua chuỗi. Thứ ba, mở rộng thị trường để tăng xuất khẩu thịt lợn.
Liên quan đến vấn đề giá thịt lợn, theo ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc nhập khẩu thịt lợn không ảnh hưởng tới tiêu thụ trong nước. Ông Hải dẫn chứng, số liệu nhập khẩu mặt hàng này năm 2016, khi chỉ nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan, với kim ngạch 44 triệu USD, chiếm 0,1% sản lượng tiêu thụ mặt hàng này trong nước.
Về tạm nhập tái xuất, năm 2016 nhập 20 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm liên quan thịt lợn. Tuy nhiên, để tránh thẩm lậu mặt hàng này, Ban chỉ đạo 389 đã đề xuất tạm ngừng hoạt động này và đã được Chính phủ đồng ý.
Lý giải chuyện Việt Nam vẫn khó khăn trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trong khi nhập về nhiều, ông Hải cho hay, trong khu vực ASEAN Việt Nam chỉ ký được hiệp định thú y, chứng nhận kiểm dịch với 2 thị trường là Hồng Kông, Malaysia. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ xuất được sản phẩm lợn sữa (20 – 30kg một con), sản lượng rất ít. Vì thế, xuất khẩu thịt lợn chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch.
"Năm 2016 đã có 600.000 tấn thịt lợn được xuất qua tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc, nhưng từ đầu năm 2017 thị trường này kiểm soát khắt khe chất lượng nên đã ảnh hưởng tới việc xuất khẩu mặt hàng này. Để tăng xuất khẩu bằng chính ngạch, việc đầu tiên ngành nông nghiệp cần tăng chất lượng sản phẩm, ký kết kiểm dịch thú y với các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc” - Thứ trưởng Hải cho biết.