Năm 2016, tổng giá trị sản xuất thuỷ sản toàn tỉnh Quảng Ninh đạt 4.080 tỷ đồng, đóng góp gần 50% GDP trong khối nông, lâm, ngư nghiệp; tạo việc làm và thu nhập cho trên 59.000 lao động. Để nông nghiệp Quảng Ninh và thủy sản nói riêng có bước phát triển bền vững, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức trực tuyến: “Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững”. Trực tuyến đang diễn ra với 2 vị khách mời: PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển; Ông Nguyễn Văn Công - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh. |
Ông Phan Huy Hà - Phó TBT Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt (ngoài cùng bên phải) và ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng VP Đại diện khu vực Đông Bắc (ngoài cùng bên trái) của Báo NTNN tặng hoa cho các khách mời
Bạn đọc Minh Quân (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) hỏi: Xin hỏi ông Nguyễn Chu Hồi, kinh tế thủy sản đóng vai trò như thế nào đối với nước ta cũng như các tỉnh Đông Bắc Bộ trong đó có Quảng Ninh chúng tôi?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Tổng cục phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển trả lời bạn đọc: Nằm trong khu vực Biển Đông - một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển quan trọng nhất, một trong 16 ngư trường đánh bắt hải sản tự nhiên lớn nhất và một trong 20 vùng biển có khả năng nuôi trồng thủy sản mặn lợ tiềm năng nhất của thế giới, biển Việt Nam cũng được xem là có tiềm năng lớn đối với phát triển kinh tế thủy sản. Trong suốt 30 năm đổi mới vừa qua, đồng hành cùng đất nước, kinh tế thủy sản liên tục tăng trưởng với tốc độ khá ổn định, và đóng góp đáng kể cho thị phần xuất khẩu (gần 8 tỷ USD năm 2016) và kinh tế đất nước.
Tính đến năm 2015, trữ lượng thủy sản biển nước ta đạt chừng 4,6 triệu tấn, giảm so với trước năm 2010 (5,3 triệu tấn), với ngưỡng khai thác bền vững tối đa chừng 2-2,3 triệu tấn. Lợi thế là quanh năm đều có cá đẻ, nhưng ‘yếu thế’ là các quần đàn cá kích thước nhỏ (chiếm 80%) và trung bình (20%), không có quần đàn lớn. Cho nên, nghề cá nước ta thuộc nghề cá đa loài, nguồn lợi thủy sản dễ suy giảm. Trong trường hợp này, để chuyển “yếu thế” thành “lợi thế” và chuyển “lợi thế” thành “lợi ích” cho nghề cá, đòi hỏi phải bảo vệ được nguồn lợi thủy sản; bảo toàn được các giá trị và chức năng của các hệ sinh thái biển - ven biển.
Vùng biển Quảng Ninh và TP.Hải Phòng thuộc phần phía Tây Vịnh Bắc Bộ - một vịnh nửa kín, giàu dinh dưỡng từ sông mang ra, hệ thống dòng chảy bề mặt thay đổi theo mùa gió, có các hệ sinh thái biển - ven biển đặc thù trong một vùng biển có mật độ đảo rất cao... Đây là các nhân tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho thủy sản phát triển và là tiền đề để phát triển kinh tế thủy sản bền vững - một trong 4 trụ cột của kinh tế biển nước ta và ở 2 địa phương.
Trữ lượng thủy sản đang giảm Tính đến năm 2015, trữ lượng thủy sản biển nước ta đạt chừng 4,6 triệu tấn, giảm so với trước năm 2010 (5,3 triệu tấn), với ngưỡng khai thác bền vững tối đa chừng 2-2,3 triệu tấn. |
Bạn đọc có email hoangminhvthkv1@gmail.com hỏi: Thưa ông Nguyễn Văn Công, ông có thể cho biết kết quả do kinh tế thủy sản đem lại trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 với tỉnh Quảng Ninh?
Ông Nguyễn Văn Công - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh: Năm 2016, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp (rét hại đầu năm, mưa lớn), kinh tế thủy sản đã có những bước phát triển rõ nét, đóng góp sự phát triển chung ngành nông nghiệp: Giá trị sản xuất đạt 4.082 tỷ đồng tăng 3.9%, nâng cơ cấu lĩnh vực thủy sản chuyển dịch từ 47% (năm 2015) lên 48,6% toàn ngành nông lâm ngư nghiệp; Tổng sản lượng thủy sản năm 2016 ước đạt 108.600 tấn, đạt 100,6% so với kế hoạch, tăng 4,9% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt 50.000 tấn, tăng 8% so với năm 2015, nâng tỷ trọng sản lượng thủy sản từ NTTS từ 45% năm 2015 lên 46% năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Công - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh: Tôi muốn thông tin thêm: Quảng Ninh đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung các đối tượng chủ lực như: Vùng nuôi tôm tập trung theo quy mô công nghiệp (3.200 ha), vùng nuôi nhuyễn thể tập trung (3.300 ha), vùng nuôi cá song tập trung (600 ha), cá rô phi tập trung (800 ha).
Trong khai thác thủy sản, tổng số tàu khai thác đạt 7.402 chiếc; chuyển dịch giảm lượng tàu khai thác gần bờ (gần 3.000 chiếc so với năm 2014), tăng nhanh lượng tàu xa bờ (từ 199 chiếc đầu năm 2014, đến năm 2016 đạt 438 chiếc). Người dân yên tâm đầu tư áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, yên tâm bám biển. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chuyển dịch từ tập trung ở cấp tỉnh sang phân cấp cho chính quyền cơ sở (cấp huyện, xã). Chúng tôi khuyến khích sự vào cuộc của nhân dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển vùng nuôi trồng tập trung, hỗ trợ lãi suất đóng tàu xa bờ (theo Nghị định 67 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ 6% của tỉnh) đi vào cuộc sống; kết cấu hạ tầng kinh tế thủy sản được quan tâm đầu tư (hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá...). Nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực thủy sản Quảng Ninh: Việt - Úc, BIM... đã hình thành nhiều doanh nghiệp, tổ chức sản xuất địa phương trong phát triển kinh tế thủy sản.
Trong 4 tháng đầu năm 2017 thời tiết thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng; Bà con ngư dân tích cực vươn khơi bám biển; việc thả giống đã cơ bản hoàn thành; Sở chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai quy hoạch thủy sản đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tổng sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Quảng Ninh đạt 33.124,6 tấn, đạt 30% so với kế hoạch, bằng 108% so với cùng kỳ (khai thác 19.020,6 tấn; 14.104 tấn), toàn tỉnh đã thả được gần 4 tỷ con giống các loại trên diện tích 15.160 ha. |
Bạn đọc tên Vân hỏi: Là chuyên gia có nhiều năm công tác, gắn bó, nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế biển đảo, tài nguyên biển, thủy sản. Theo ông, đâu là lợi thế của Quảng Ninh khi là tỉnh giáp biển?
Ông Nguyễn Chu Hồi trả lời bạn đọc: Quảng Ninh vừa có núi, có rừng, vừa có biển, có đảo phân bố tập trung tạo thành các cảnh quan đa dạng. Vùng biển Quảng Ninh rất độc đáo, có một không hai trên thế giới với khoảng gần 2.400 hòn, đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi với địa hình khá đặc trưng và "hiểm trở". Ven bờ có nhiều eo vụng, vũng vịnh đẹp huyền ảo, nước trong, ít sa bồi và là tiềm năng phát triển cảng biển, trong đó có cảng nước sâu. Đây còn là vùng biển chứa đựng nhiều ‘giá trị để đời’ (di sản) cấp toàn cầu và quốc gia. Phần biển thuộc vịnh Bắc Bộ giàu nguồn lợi thủy sản, dầu khí và có thể là băng cháy.
Sự phân hóa lãnh thổ như vậy đã tạo cho Quảng Ninh một vùng biển thực sự “giàu và đẹp”, cung cấp tiềm năng cho phát triển đa ngành, đa mục tiêu (multi-use). Vì thế, biển vừa là động lực cho Quảng Ninh phát triển kinh tế, vừa là không gian “phiên dậu” bảo vệ các thành tựu của người dân vùng mỏ nói riêng, là cửa ngõ ở phần biển tây bắc của tổ quốc.
Với lợi thế về mặt địa lý, vùng biển Quảng Ninh có vị trí địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa rất quan trọng trên bình diện chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ đất nước. Quảng Ninh đang đứng trước nhiều sự lựa chọn cho phương án phát triển trong dài hạn và điều này đòi hỏi "một cái nhìn có tầm".
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Tổng cục phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển đang trả lời bạn đọc Dân Việt/ NTNN
Bạn đọc Đình Tú hỏi ông Nguyễn Văn Công: Quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có những điểm mới gì thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Công trả lời: Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam. Tỉnh Quảng Ninh đã lập và phê duyệt Quy hoạch tổng thể ngành Thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những điểm chính: (1) Phù hợp với Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh; đảm bảo bền vững, hiệu quả, theo hướng hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh; (2) Phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp, hỗ trợ kết hợp hài hòa lợi ích với các ngành kinh tế khác; góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới; bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đảo; (3) Chủ động hợp tác trong nước và quốc tế nhằm thu hút vốn đầu tư, kỹ thuật, công nghệ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chủ động quản lý rủi ro, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Công trả lời bạn đọc
Toàn cảnh buổi trực tuyến
Bạn đọc email hoangt***1980@yahoo.com hỏi: Thưa ông, để phát triển hài hòa, bền vững giữa các ngành kinh tế khác gắn với biển và ngành thủy sản thì đòi hỏi yêu cầu gì?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Về bản chất, kinh tế biển là ngành kinh tế tổng hợp, các lĩnh vực của kinh tế biển Quảng Ninh như kinh tế thủy sản, du lịch, giao thông-cảng-hàng hải, các dịch vụ của kinh tế biển, an ninh, quốc phòng, tài nguyên-môi trường,...đều tác động qua lại với nhau trong quá trình phát triển. Vì vậy, vấn đề mấu chốt là phải tạo ra được mối liên kết chặt giữa các ngành, lĩnh vực và phải ưu tiên hóa theo lộ trình phát triển trong mối quan hệ hài hòa lợi ích của các ngành, lĩnh vực.
Không nên để tình trạng ngành này khai thác triệt tiêu tiềm năng của ngành khác, đến mức chẳng còn ngành nào phát triển được. Tức là để phát triển bền vững, theo tôi, cần chú ý 3 thuộc tính quan trọng của một hệ thống tài nguyên biển: tính trội, tính đa dụng và tính liên kết. Xác định đúng tính trội ta sẽ tìm được vấn đề ưu tiên, tạo ra tính vùng miền, tránh được bệnh “hội chứng” trong phát triển; hiểu được tính đa dụng ta sẽ hài hòa lợi ích đa ngành, tối ưu hóa lợi ích kinh tế của một đơn vị biển và duy trì được tính liên kết trong phát triển sẽ tạo ra động lực lan tỏa lớn hơn, rộng hơn.
Trong các trụ cột phát triển, Quảng Ninh nên ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa; hình thành các khu công nghiệp vừa và nhỏ; và phát triển nghề cá có trách nhiệm. Xây dựng giá trị thương hiệu biển Quảng Ninh.
Bạn đọc qua đường dây nóng của Báo NTNN/ Dân Việt có hỏi ông Nguyễn Văn Công: Đâu là thuận lợi và thách thức của ngành thủy sản Quảng Ninh?
Ông Nguyễn Văn Công trả lời: Nhìn chung, Quảng Ninh có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển thủy sản: có diện tích bãi triều rộng lớn rất thuận lợi cho phát triển các loài thủy sản; Ngư trường rộng lớn, có nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú thuận lợi cho nghề khai thác hải sản. Tỉnh có vị trí chiến lược, có kết nối với 2 thành phố lớn của Việt Nam (Hải Phòng và Hà Nội) và với Trung Quốc. Dọc đường bờ biển dài 250 km của tỉnh có nhiều địa điểm phù hợp để xây dựng cảng biển.
Ngoài ra với vị trí này, Quảng Ninh có cơ hội hợp tác sâu rộng kinh tế, khoa học kỹ thuật, trong đó có kinh tế thuỷ sản với Trung Quốc. Trong những năm qua hạ tầng thủy sản tiếp tục được nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, các khu neo đậu tránh trú bão bước đầu đã phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn cho tàu và ngư dân vào trú bão, kết hợp với khu dịch vụ hậu cần nghề cá đã phát huy tốt công tác dịch vụ nghề cá, giảm thiểu chi phí cho ngư dân, góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc.
Đang giao lưu trực tuyến "Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững"
Ông Phan Huy Hà - Phó TBT Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt có hỏi: Với ngành thủy sản Quảng Ninh, liệu có tình trạng “được mùa mất giá” không thưa ông Công?
Ông Nguyễn Văn Công trả lời: Quảng Ninh có bờ biển dài 250 km, diện tích mặt biển trên 6 nghìn km2, có diện tích 43.093 ha rừng ngập mặn và bãi triều ở tuyến trung triều có thể nuôi nhiều giống hải sản có giá trị kinh tế cao; Có 5.300 ha nằm ở tuyến cao triều có thể nuôi hải sản theo hướng công nghiệp; Có 21.800 ha diện tích chương bãi và các cồn rạn có thể phát triển để nuôi các loài nhuyễn thể (Tu Hài, Trai Ngọc, Hầu Thái Bình Dương, ốc...), được phân bố dọc theo bờ biển từ thị xã Quảng Yên đến Thành phố Móng Cái; sản phẩm Thủy sản Quảng Ninh ngon, chất lượng cao. Chính bởi vậy, tỉnh xác định kinh tế Thuỷ sản là một thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Do Quảng Ninh tiếp giáp với Trung Quốc (có đường biên giới trên đất liền và trên biển), có cửa khẩu quốc tế. Do vậy, sản phẩm thuỷ sản có điều kiện tiếp cận thị trường rộng lớn từ Trung Quốc. Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp, dịch vụ với 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí), các khu công nghiệp với lượng công nhân lớn, đồng thời với lượng khách du lịch hàng năm trên 8 triệu lượt khách đã tạo ra thị trường rộng lớn tại chỗ cho thuỷ sản Quảng Ninh. Thuỷ sản Quảng Ninh với chất lượng cao, phong phú về chủng loại cũng được các thị trường ngoài tỉnh như Hà Nội tin dùng; đây cũng là thị trường lớn đối với ngành thuỷ sản Quảng Ninh.
Mặt khác, Quảng Ninh có 2 công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu, cũng là điều kiện quan trọng cho thuỷ sản cuả tỉnh xuất khẩu đi các thị trường quốc tế như Nhật, EU.
Do vậy, trong những năm gần đây sản phẩm thuỷ sản Quảng Ninh đáp ứng tốt nhu cầu trong tỉnh, ngoài tỉnh và một phần xuất khẩu. Giá thuỷ sản Quảng Ninh thường cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Bạn đọc có số điện thoại 091344452... có gọi điện tới buổi Giao lưu trực tuyến hỏi PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Thời gian qua, câu chuyện phát triển khá nóng của việc nuôi trồng, khai thác thủy sản quá đà, thậm chí dùng những phương thức phản khoa học, gây hệ lụy cho môi trường. Để phát triển theo hướng bền vững, theo ông cần những giải pháp gì?
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi trả lời: Quá trình phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển thủy sản, cùng với phương thức quản lý theo ngành đã dẫn đến hệ lụy là môi trường biển ven bờ ngày càng bị đầu độc, đa dạng sinh học giảm sút nghiêm trọng, các hệ sinh thái - nền tảng của phát triển bền vững biển, bị thu hẹp diện tích đáng kể; các khu bảo tồn ven biển, biển, trên đảo và các giá trị di sản đang bị xói mòn. Trong đó, các đe dọa từ sự phát triển trên vùng đất ven biển và đô thị hóa đang trầm trọng và ảnh hưởng lâu dài. Tính toán của UNEP năm 2010 cho thấy nguồn gây ô nhiễm vịnh Hạ Long chủ yếu từ đất liền (40-60%), các nguồn trên biển như hoạt động tàu thuyền, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản lồng bè trên các eo vụng, vịnh; cũng như phá rừng trên núi và trên đảo cũng đóng góp phần còn lại.
Để phát triển bền vững biển, cần phải xem môi trường là “chất xúc tác” quyết định, bao gồm vấn đề ô nhiễm, suy thoái, bảo tồn kém hiệu quả, mất đa dạng sinh học...
Cải thiện thể chế, chính sách để tăng cường sàng lọc đầu tư từ ngay giai đoạn sớm của quá trình phát triển là những việc cần thực hiện nghiêm túc. Bảo vệ và tôn tạo cho được các giá trị di sản và các giá trị được quốc tế, quốc gia vinh danh. Tổ chức lại không gian biển tổng thể và toàn diện cho phát triển bền vững.
Bạn đọc tên Mai Trang ở Quảng Ninh hỏi ông Nguyễn Văn Công: Xin ông cho biết, tôi muốn đóng tàu xa bờ thì có được hỗ trợ gì không?
Ông Nguyễn Văn Công trả lời: Về chính sách của Trung ương, thực hiện theo thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Quảng Ninh được phân bổ 39 tàu (34 tàu khai thác, 5 tàu dịch vụ hậu cần). Đến hết tháng 4/2017, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 16/28 chủ tàu hoàn thiện hồ sơ vay vốn gửi cho các ngân hàng thương mại thẩm định. Trong đó, các ngân hàng đã từ chối cấp tín dụng 03 hồ sơ, thực hiện ký hợp đồng tín dụng với 13 chủ tàu, hoàn toàn là tàu khai thác thủy sản. Trong đó có 12 tàu đóng mới (số tàu vỏ sắt: 08 tàu, số tàu vỏ gỗ: 04 tàu) và 01 tàu nâng cấp. Tổng số tiền cam kết cho vay là 163,6 tỷ đồng và thực hiện giải ngân được 139,75 tỷ đồng; đến nay đã có 11 tàu được hạ thủy, trong đó có 08 tàu hoàn thiện đi hoạt động (04 tàu vỏ sắt, 04 tàu vỏ gỗ), còn 03 tàu đang hoàn thiện trang thiết bị khai thác. Còn 12/28 chủ tàu chưa gửi hồ sơ cho ngân hàng thương mại.
Muốn thực hiện chính sách này bạn cần gửi đơn đến UBND cấp xã để UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện rà soát, thẩm định điều kiện tham gia chính sách; Trên cơ sở đó sẽ báo cáo Hội đồng cấp tỉnh kiểm tra và báo cáo tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia chính sách. Trên cơ sở kết quả phê duyệt, bạn liên hệ với các Ngân hàng để được hướng dẫn thủ tục cho vay. Các nội dung trên thực hiện trong năm 2017.
- Về chính sách của tỉnh, thực hiện theo Quyết định số 4204/2015/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 về việc ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 6%/năm cho việc đóng tàu xa bờ (công suất trên 90CV); để được hỗ trợ lãi suất, bạn vay vốn tại ngân hàng rồi liên hệ với UBND cấp xã để được hướng dẫn về hồ sơ và thủ tục đề nghị hỗ trợ.
Đã có rất nhiều câu hỏi được gửi về cho Giao lưu trực tuyến "Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững"
Bạn đọc email: nguyenh***qn22@gmail.com hỏi: Một câu chuyện khác là quy hoạch không gian biển, thưa ông Hồi, quy hoạch không gian biển ở ta đã được thực hiện ra sao, nó có vai trò sống còn ra sao với kinh tế biển bền vững?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Quy hoạch không gian biển (QHKGB) là một công cụ hữu hiệu giúp thế giới và các quốc gia 20 năm qua thoát khỏi cách tiếp cận quản lý biển theo ngành riêng rẽ và chuyển sang quản lý biển tổng hợp theo không gian, tiến tới thống nhất quản lý nhà nước về biển, đảo. Đây cũng là yêu cầu đặt ra trong Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 để tiến tới đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Vì thế, QHKGB cũng trở thành một công cụ “kiểm soát phát triển”, cân bằng cả 3 mảng phúc lợi (kinh tế, xã hội, môi trường) phục vụ quản trị biển bền vững. QHKGB giúp giảm thiểu mâu thuẫn và chồng chéo trong quy hoạch và hoạt động khai thác, sử dụng cùng một vùng biển. Đồng thời cung cấp cơ sở cho việc phân bổ không gian để cấp và thu hồi giấy phép đối với các cơ quan và cá nhân trong khai thác, sử dụng biển đảo.
Việt Nam đã tham gia sớm trong các diễn đàn quốc tế về QHKGB và Vịnh Hạ Long là điểm được chọn áp dụng thử nghiệm đầu tiên (2010) “Hướng dẫn QHKGB: Tiếp cận từng bước dựa vào hệ sinh thái” do Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ của UNESCO hỗ trợ kỹ thuật. Trong các năm 2011-2016, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ đã giúp việt Nam thực hiện dự án “Phân vùng và lập kế hoạch quản lý không gian vùng bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng”.
Ngân hàng Thế giới đang giúp Việt Nam thực hiện (2014-2017) “Quy hoạch không gian tổng hợp vùng ven bờ vì sự phát triển bền vững” cho 8 tỉnh ven biển của Việt Nam: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng và Cà Mau. Hiện nay, QHKGB đã được đưa vào dự thảo Luật Quy hoạch và đang được Quốc hội xem xét, thông qua trong năm nay 2017.
Đây là cơ hội chín muồi để thông qua Luật Quy hoạch và để tạo ‘đột phá’ trong quản lý biển đảo ở nước ta thời gian tới.
MC: Vậy thưa ông Công, đâu là thách thức?
Ông Nguyễn Văn Công: Mâu thuẫn giữa tiềm năng phát triển ngành thủy sản với năng lực, nguồn lực hạn chế dẫn đến vivệc sử dụng chưa hiệu quả những tiềm năng phát triển như: Nhu cầu phát triển sản xuất rất lớn của người dân, diện tích nuôi vượt ngoài phạm vi quy hoạch trong khi chưa được đầu tư hạ tầng dẫn tới khó kiểm soát môi trường và dịch bệnh; Quảng Ninh có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, việc dàn trải đầu tư dẫn đến khó khăn trong sản xuất quy mô lớn; Việc thiếu năng lực khai thác hợp lý rừng ngập mặn ven biển dẫn đến phá rừng ngặp mặn gây mất cân bằng sinh thái.
Do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao, nhiều diện tích NTTS bị chồng lấn quy hoạch với các lĩnh vực khác.
Ông Nguyễn Văn Công - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh.
Là một tỉnh ven biển, việc biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến ngành thủy sản.Việc triển khai chính sách về phát triển đội tàu khai thác xa bờ còn chậm, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn; người dân còn thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý tàu có quy mô, công suất lớn và vật liệu mới. Hệ thống hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá đã có chính sách triển khai đầu tư; Tuy nhiên nguồn lực bố trí hạn chế chậm phát huy hiệu quả đầu tư.
Các công ty CBTS khó khăn trong thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến; hầu hết các công ty chế biến thủy sản hiện nay đều nằm trong đô thị, cần phải di dời. Tuy nhiên chưa thực hiện được.
Bạn đọc Hoàng Quân hỏi: Thưa ông Công, đâu là giải pháp phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Công: Theo tôi, về chiến lược phát triển ngành, phát triển ngành thủy sản trên cơ sở lợi thế so sánh của tỉnh; Trong nuôi trồng thủy sản tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm, cua, nhuyễn thể, cá biển, cá rô phi) và các đối tượng đặc sản vùng miền địa phương (ngán, sá sùng, bào ngư...); Trong khai thác thủy sản tập trung chuyển dịch từ khai thác gần bờ ra xa bờ, hiện đại hóa nghề cá; Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng phân cấp cho chính quyền cơ sở, coi trọng sự tham gia của người dân; Tập trung hình thành 3 trung tâm nghề cá (Cô Tô, Vân Đồn, Đầm Hà) và 1 trung tâm dịch vụ thương mại nghề cá (tại Hạ Long) với kết cấu hạ tầng đồng bộ. Di dời các nhà máy chế biến thủy sản không phù hợp quy hoạch gắn với hiện đại hóa, đổi mới công nghệ chế biến thủy sản đồng bộ.
Ngoài ra, về cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư thì cần tiếp tục thực hiện các chính hỗ trợ về sản xuất nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản. Tạo cơ chế chính sách cải thiện môi trường đầu tư; khuyến khích thu hút đầu tư. Tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi; chuyển hướng việc Ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất thủy sản sang hỗ trợ lãi suất tín dụng.
Về cơ sở hạ tầng và dịch vụ thủy sản, trước tiên tập trung đầu tư, phát triển xây dựng cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá; đầu tư, củng cố, phát triển các cơ sở đóng, sửa tàu cá phục vụ cho đánh bắt xa bờ; hạ tầng cơ sở cho sản xuất giống, vùng nuôi tập trung và xử lý môi trường.
Ông Công cũng cho biết thêm, về phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao năng lực quản lý thủy sản cho cán bộ và ngư dân để phù hợp với tình hình phát triển ngành thủy sản trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế cho đội ngũ cán bộ làm công tác thương mại ở các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu hội nhập Quốc tế.
Về giải pháp hợp tác, mở rộng hợp tác về thủy sản để tiếp nhận công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại. Hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực thủy sản cho tỉnh.
Và cuối cùng, về môi trường và bảo vệ nguồn lợi, Quảng Ninh sẽ tăng cường nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản. Ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực sản xuất thủy sản, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Thực hiện tốt công tác quản lý giám sát, quan trắc môi trường. Tổ chức khoanh vùng hạn chế khai thác, bảo tồn phục hồi, khai thác bền vững các loài hải sản có giá trị kinh tế, các khu bảo tồn biển. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Một bạn đọc đến từ Quảng Ninh có hỏi: Thưa PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, khuyến nghị của ông cho Quảng Ninh để khai thác hết tiềm năng biển và bờ biển của quê hương chúng tôi?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Thiên nhiên biển hùng vĩ và tuyệt đẹp của Quảng Ninh là “của để đời”, là lợi thế tĩnh mà thiên nhiên ban tặng, là “nguồn vốn tự nhiên” để phát triển nền kinh tế biển xanh (Blue Economy) ở Quảng Ninh. Tính độc đáo của quần thể đảo đá vôi và giá trị đích thực của vùng biển đảo này có thể sánh với “Vạn lý Trường thành” của Trung Quốc. Vì thế, lãnh đạo và nhân dân Quảng Ninh hãy cùng nhau nhận thức rằng bảo vệ các giá trị để đời nói trên không chỉ để bảo vệ cho chính Quảng Ninh, mà còn cho đất nước và nhân loại toàn cầu.
Đó là niềm tự hào, vinh dự, kiêu hãnh của cả một dân tộc biết làm chủ các nguồn lực dài hạn cho đất nước, làm sao “có của ăn, của để”, không để “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” như các cụ xưa đã từng nói đơn giản về phát triển bền vững.
Tổng sản lượng thủy sản của Quảng Ninh tăng Tổng sản lượng thủy sản năm 2016 ước đạt 108.600 tấn, đạt 100,6% so với kế hoạch, tăng 4,9% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt 50.000 tấn, tăng 8% so với năm 2015, nâng tỷ trọng sản lượng thủy sản từ NTTS từ 45% năm 2015 lên 46% năm 2016. |
Bạn đọc Dân Việt gửi câu hỏi về cho PGS. TS Nguyễn Chu Hồi (bên phải)
Sau 2 tiếng diễn ra, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững” đã kết thúc với rất nhiều câu hỏi từ bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên vì thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi xin được giải đáp sau tới bạn đọc. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã nhiệt tình tham gia và gửi câu hỏi tới chương trình! |