Siêu tên lửa RS-28 Sarmat sẽ được đưa vào trực chiến năm 2018
Theo Daily Star, Nga vừa đưa ra tuyên bố có thể khiến Mỹ và NATO lạnh gáy về việc sẽ đưa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tối tân RS-28 Sarmat vào trực chiến vào năm 2018.
RS-28 Sarmat được mệnh danh là "quỷ Satan-2" vì nó được chế tạo nhằm thay thế loại tên lửa R-36M Voyevoda (NATO gọi là SS-18 Satan) ra đời vào năm 1986.
Trung tâm thiết kế tên lửa Makeyev được giao thiết kế và phát triển RS-28 Sarmat theo sắc lệnh của chính phủ Nga. Vào tháng 6.2011, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng phát triển Sarmat nhằm giúp nó trở thành công cụ chủ chốt trong hệ thống răn đe hạt nhân thuộc lực lượng tên lửa chiến lược Nga.
Với trọng lượng khoảng 100 tấn, siêu tên lửa RS-28 Sarmat có thể mang đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân nặng tới 10 tấn. Giới chức Nga khẳng định tên lửa mới mang được cùng lúc 10 đầu đạn hạng nặng hoặc 16 đầu đạn loại nhẹ hơn nhờ công nghệ đầu đạn đa phân hướng (MIRV).
Đây là công nghệ dẫn đường độc lập giúp các đầu đạn sau khi được phóng đi sẽ tự tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu. Tầm bắn của Sarmat được xác định vào khoảng 18.000 km cho phép ICBM này có thể bắn theo phương thức vòng qua hai cực của Trái đất
RS-28 Sarmat có sức công phá lớn đến mức san bằng được những khu vực lãnh thổ có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ, theo Zvezda TV, kênh truyền hình của Bộ Quốc phòng Nga.
Theo Zvezda TV, RS-28 Sarmat có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ hiện đại nhất của Mỹ và các đồng minh NATO đặt tại châu Âu cũng như chẳng hệ thống THAAD được Mỹ lắp đặt tại Hàn Quốc.
Đầu đạn của nó được trang bị công nghệ dẫn đường tối tân để có thể né tránh tên lửa đánh chặn, cộng thêm tốc độ được cho là lên đến Mach 20 (tức 24.500 km/giờ) cùng nhiều năng lực phản công khác.
Truyền thông Nga nhấn mạnh, quỷ Satan-2 có sức công phá đến 40 megaton, gấp 2.000 lần các quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki tại Nhật Bản hồi năm 1945.
Siêu tên lửa RS-28 Sarmat của Nga sẽ khiến Mỹ và NATO phải dè chừng
Bình luận RS-28 Sarmat,chuyên gia quân sự Alexei Leonkov nhấn mạnh, các đối thủ của Nga có lý do để run sợ trước loại tên lửa tối tân này.
"Các đặc điểm của nó rất ấn tượng khiến đối thủ của chúng tôi có lý do để phải run sợ trước nó. Tầm bắn lên tới 18.000 km và có khả năng mang theo từ 10 đến 16 đầu đạn, RS-28 Sarmat sẽ bay tới các mục tiêu của nó với tốc độ siêu thanh khiến không hệ thống phòng thủ nào của Mỹ có khả năng chặn chúng", ông Leonkov nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia về kinh tế chính trị Mỹ, tiến sĩ Paul Craig Roberts nhận định, so với siêu tên lửa RS-28 Sarmat thì hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản hồi năm 1945 chỉ là "đồ chơi". Theo ông Roberts, RS-28 Sarmat có sức công phá đủ mạnh để “xóa sạch 3/4 diện tích bang New York của Mỹ” trong chớp mắt.
Theo đó, giới chuyên gia Mỹ đã kêu gọi nước này cần phải có tên lửa mới để đọ với RS-28 Sarmat, kiềm chế Nga.
"Cho dù Mỹ có thực hiện được chương trình Ground Based Strategic Deterrent (chương trình được thực hiện nhằm chế tạo loại tên lửa đạn đạo xuyên châu lục mới bố trí trên mặt đất để có thể thay thế cho tên lửa Minuteman III) thì chưa chắc Mỹ sẽ chế tạo được loại tên lửa lớn như Sarmat”, theo chuyên gia của National Interest.