Dân Việt

Khởi điểm của “trận đánh lớn”

Đào Tuấn 26/03/2014 11:29 GMT+7
Hãy bắt đầu từ vụ nữ sinh lớp 11 phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Hình ảnh Nguyễn Thị Cẩm T, nữ sinh lớp 11 một trường THPT ở Hạ Long (Quảng Ninh) ngây thơ và xinh đẹp tràn ngập các báo khi vụ “Hiếp dâm trẻ em” được công khai trên báo.
Cô bé, và 2 người bạn, cũng lớp 11, đã bị Công an Quảng Ninh bắt về hành vi đồng phạm tội “hiếp dâm trẻ em” sau khi rủ một nữ sinh cùng lớp uống thuốc kích dục để bán trinh bạn với giá 4 triệu đồng.

Xin đừng vội trách 3 nữ sinh “ăn chơi đua đòi”, ngay cả khi nhìn thấy mái tóc nhuộm vàng của T. Nào đã có ai dạy bảo các em đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng đâu.

Nhớ mấy hôm trước, trong buổi “đối thoại” với Sở GDĐT TP.HCM, một nữ sinh, có lẽ cùng lớp 11, đã đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Mong các thầy giải đáp giúp tại sao môn học đạo đức (giáo dục công dân) nhằm giáo dục đạo đức con người phải quy ra điểm số. Có nhất thiết đạo đức được đo bằng điểm số không?

Một nữ sinh khác thì hoàn toàn không màu mè cho rằng việc dạy “mang tính hàn lâm, máy móc”, trong khi việc học thì “đối phó để lấy điểm”: “Trong khi bọn em ngồi học thuộc lòng (môn giáo dục công dân) thì có rất nhiều học sinh nữ chỉ mới lớp 10 đã phải nghỉ học giữa chừng vì mang thai; học sinh thóa mạ thầy cô…”.

Và đến hôm nay, phải thêm vào rằng: Còn có những bạn đạt chuẩn môn giáo dục công dân nhưng không hoàn toàn hay biết “trò chơi” của mình là một hành vi vi phạm pháp luật.

Hôm nay, sau vụ 3 nữ sinh ở Hạ Long, xin hỏi rằng có bao giờ trong các tiết học giáo dục công dân, các thầy cô mang những câu chuyện ngoài đời sống như ở Hạ Long để kể cho học sinh nghe và bảo chúng rằng: “Này, làm như thế là đã phạm tội “hiếp dâm trẻ em”, là sẽ đi tù”, thay vì những u u minh minh “thế giới vật chất tồn tại khách quan”, “sự vận động của thế giới”.

“Thế giới vật chất”, “sự vận động”, “tồn tại khách quan” hay “duy vật” và “phương pháp luận biện chứng” là những từ ngữ triết học xuất hiện trong sách giáo khoa giáo dục công dân lớp 10. Và liệu chúng sẽ hiểu gì về những điều trừu tượng, khó hiểu, khô khan mà ngay cả giáo sư lẫy lừng Văn Như Cương có lần cũng ngỡ ngàng: “Thú thật, tôi cũng chẳng hiểu gì cả” và “muốn có điểm cao thì chắc phải học thuộc lòng chứ không có cách gì khác”.

Dường như chỉ có những con vẹt mới nói như cháo chảy những từ ngữ mà chúng không hiểu là cái gì.

“Cách mạng giáo dục”, vì thế, nên bắt đầu từ chính môn giáo dục công dân, môn học mà về lý thuyết, dạy “những trang giấy trắng tâm hồn” làm người tử tế, lương thiện.

“Trận đánh lớn”, vì thế, nên bắt đầu từ Hạ Long, để ít nhất từ hôm nay, sẽ không còn bất cứ cô trò nhỏ nào phải dính vòng lao lý mà không biết trước hậu quả việc mình làm.