Cụ thể, trong năm 2013 tỉnh đã thực hiện sắp xếp cho 111 hộ dân vùng biên giới, trong đó có 6 hộ sắp xếp xen ghép, với tổng vốn phê duyệt hơn 55,3 tỷ đồng. Các dự án còn lại đang đợi Bộ Kế hoạch- Đầu tư thẩm định nguồn vốn, với hơn 400 hộ dân phải sắp xếp. Trong khi đó, toàn vùng biên giới của tỉnh có khoảng 22.330 hộ, tập trung ở 26 xã, phường, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34,6% (bình quân toàn tỉnh là 12,4%), với nhiều khu vực có nguy cơ cao về thiên tai.
Bố trí chỗ ở, đất sản xuất ổn định cho dân di cư sẽ giúp bà con yên tâm gắn bó với nơi ở mới.
Theo khảo sát, từ năm 2000 đến nay, khu vực biên giới của Lào Cai đã xảy ra 156 vụ thiên tai nghiêm trọng, làm chết 198 người và thiệt hại lớn về vật chất. Nếu không có phương án hữu hiệu để bố trí chỗ ở, nơi sản xuất ổn định cho người dân thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Chi cục trưởng Chi cục PTNT Lào Cai cho biết: Theo rà soát, nhu cầu sắp xếp dân cư xen ghép cho những đối tượng trong vùng thiên tai nguy hiểm là rất lớn, nhưng hiện nay nguồn vốn mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu. Công tác theo dõi, nắm bắt biến động dân di cư tự do cũng đang gặp nhiều khó khăn do không có cán bộ chuyên trách. Về cơ bản, các dự án sắp xếp dân cư đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình trở lại định cư tại khu vực biên giới; dần ổn định sinh hoạt, phát triển sản xuất...
Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế, dàn trải nên tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng còn chậm và kéo dài, không đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Chính những điều này đã cản bước người dân về với nơi ở mới. “Vì vậy, thời gian tới Chính phủ cần xem xét tăng vốn đầu tư để các địa phương bố trí sắp xếp dân cư các vùng thiên tai, vùng rừng đặc dụng, dân cư tự do hiệu quả hơn, cũng như giúp bà con yên tâm sinh sống và sản xuất” – ông Nhẫn kiến nghị.