Dân Việt

Các ông bầu bàn mưu vần 3 "hòn đá tảng" của bóng đá Việt

15/09/2011 19:21 GMT+7
Dân Việt - Chiều 15.9, ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch VFF, cùng bầu Kiên (Hà Nội ACB), bầu Đức (HAGL), bầu Thắng (ĐT.LA), và bầu Tiến Anh (K.Khánh Hòa) đã tọa đàm vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
img
Quang cảnh buổi đối thoại của các ông bầu bóng đá Việt

Trong khoảng gần 3 tiếng đồng hồ chiều 15.9, ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch VFF cùng với các ông bầu: Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB), Đoàn Nguyên Đức (HAGL), Võ Quốc Thắng (ĐT.LA), Lê Tiến Anh (K.Khánh Hòa) đã đóng góp những ý kiến tâm huyết vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong cuộc đối thoại do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức.

Một lần nữa, “điểm nóng” trọng tài lại được đề cập tới như “hòn đá tảng đầu tiên” cản trở, kìm hãm sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Trong khi Đoàn Nguyên Đức bày tỏ: “Một ông chủ tịch bỏ ra 60, 70 tỷ đồng làm bóng đá mà vẫn rất sợ trọng tài” thì bầu Thắng cũng “nhiệt tình” chia sẻ: “Có những trọng tài tốt, có tâm với nghề nhưng cũng có những trọng tài không thể dung dưỡng. Vấn đề ở đây là những người tổ chức thì phải làm gương.

Tại vòng 16 V.League 2008, ĐT.LA thi đấu với SHB.Đà Nẵng, trọng tài Nguyễn Xuân Hòa đã bị “ép” không công nhận bàn thắng. Sau này, anh Hòa phải bỏ nghề. Tại sao lại xảy ra những tình huống như vậy? Chúng tôi làm bóng đá, nếu cần mỗi CLB hàng năm bỏ chừng 500 triệu đồng vào trả cho trọng tài, không có vấn đề gì cả. Thậm chí mỗi trận 50 triệu đồng cũng được nhưng trọng tài phải bắt công tâm, bắt thật tốt”.

Chia sẻ với quan điểm của bầu Đức, bầu Thắng, bầu Tiến Anh cho rằng: “Tôi ủng hộ việc phê phán trọng tài, BTC giải. Nhưng mấu chốt là lỗi của cả hệ thống. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào cái sai từng bộ phận thì không ổn. Tại sao có cầu thủ xuất sắc mà không có còi vàng xuất sắc, cờ vàng xuất sắc trong tháng? Tại sao không công khai sự giám sát đối với các trọng tài và trận đấu. Mỗi lần đặt ra vấn đề, nếu nói kiện thì chúng tôi có thể kiện rất nhiều. Nhưng kiện thì được gì? Khi không công bố thì chúng tôi biết làm sao được?”.

Đại diện VFF, ông Lê Hùng Dũng đưa ra giải pháp: “Những hạn chế của trọng tài đã quá rõ ràng. Việc đầu tiên là phải nghiêm khắc xử lý những sai phạm nặng như trường hợp trọng tài Nguyễn Văn Quyết, Trần Công Trọng để răn đe. Tiếp đến, phải xem lại chế độ cho trọng tài.

img
Ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch VFF. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Tôi cũng quan liêu, duyệt kinh phí nhưng không theo dõi được phân bổ. Ví dụ duyệt taxi từ sân bay về Hà Nội 90.000 đồng, trong khi năm nay chi phí đã lên tới 250.000 đồng. Vậy thì trọng tài biết ăn vào đâu? Chỉ có ăn vào đội bóng thôi. Tôi xin đề nghị phải xem lại chế độ cho các trọng tài để họ yên tâm sống. Khi họ đã được đãi ngộ thì họ phải làm việc đàng hoàng. Nếu có sai sót bất cập sẽ bị trừng phạt đích đáng.

Giải pháp thứ ba là mỗi sân đấu có bốn camera, hai ở đầu sân và hai ở trung tâm. Tôi nghĩ với biện pháp như vậy và sự quyết liệt của ban điều hành, các bất cập có thể được hạn chế. Tôi xin đảm bảo VFF sẽ hết sức để bảo vệ sự bình đẳng cho các mùa giải”.

“Hòn đá tảng” thứ hai chính là sự nhiễu loạn của thị trường chuyển nhượng.

“Cầu thủ yêu sách đủ trò. Không treo thưởng cao không đá. Tại sao chúng ta không thể chế tài?”, bầu Đức nói.

Với tư cách một trong những doanh nghiệp làm bóng đá đầu tiên, bầu Thắng cho biết: “Tôi có anh bạn cũng làm bóng đá ở Thái Lan, mỗi năm họ chỉ cần bỏ ra 1 triệu USD là đủ nuôi một đội bóng. Trong khi chúng tôi phải bỏ ra từ 3,4 triệu USD/năm. Vậy mà bóng đá VN lại thua Thái Lan. Tại vì sao? Đi công tác Nhật, Trung Quốc, ngồi vào bàn là tôi dành chút phút hỏi thăm về bóng đá. Vậy nên, nhiều người nói tôi keo không chi tiền này nọ là không đúng. Tôi có cách làm bóng đá riêng của mình. Tôi nuôi bóng đá chứ bóng đá chưa nuôi chúng tôi mà”.

Về vấn đề này, ông Lê Hùng Dũng phản biện: “Vấn đề nổi cộm hiện nay là giá trị của cầu thủ đã vượt xa mặt bằng xã hội và vượt xa giá trị sử dụng của các CLB. Theo tôi, đây cũng là điều đáng báo động. Điều này dẫn tới giá trị không thật của các cầu thủ. Kéo theo các vấn đề về việc giáo dục, đào tạo cầu thủ, bạo lực sân cỏ. Trách nhiệm này là do ai? Không thể là VFF. VFF chỉ cố gắng tạo ra sân chơi bình đẳng. VFF cũng có trách nhiệm nhưng quyền và tiền của các ông chủ CLB, chúng tôi không thể quản lý.

Chính thói quen thưởng lớn của các ông chủ đã khiến cầu thủ có tư tưởng không thưởng là không đá. Cầu thủ bây giờ đá ổn định hay không không biết nhưng rất nhạy về điểm và thưởng. Thêm nữa, cầu thủ ngoại hiện nay đã tràn ngập. Các ông bầu có tính đến đầu tư dài hạn cho đội tuyển trẻ không hay đi mua. Nếu đi mua nhiều quá thì sẽ không ổn. Tôi cũng tán đồng việc hạn chế cầu thủ ngoại. Về lâu dài, nếu các ông bầu đồng ý đầu tư lâu dài cho các cầu thủ trẻ và trước các trận đấu chính thức nên có trận đấu cho các cầu thủ trẻ thì sẽ rất tốt”.

Chưa dừng ở đó, bầu Tiến Anh khiến VFF phải đau đầu với câu hỏi: “Không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp. Không thể nói việc phá giá thưởng cao là do các ông chủ. Nếu VFF quy định về hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất v.v… chứ không phải đào tạo trẻ cho có tên thương hiệu rồi khi đá lại đi mượn chỗ nọ chỗ kia thì đâu đến nỗi. Mỗi năm đào tạo được 5 cầu thủ đã là rất thành công rồi. Còn lại toàn nuôi không hoặc bỏ đi. Nhưng 5 cầu thủ đó cũng chỉ đá được khoảng 2 năm tới U21 lại lên chuyên nghiệp. Vậy lãng phí này do đâu?”.

“Hòn đá tảng” thứ ba và cũng là lớn nhất chính là những bất cập trong cơ cấu tổ chức, quy chế của VFF.

“Tôi đã từng đi dự nhiều cuộc họp nhưng đi làm ông “nghị gật” thì đi làm gì? Tôi nói thật nếu góp ý vì bóng đá VN thì cho dù ở Anh, Mỹ tôi sẵn sàng mua vé bay tới dự. Nếu VFF không cải tổ thì chắc chắn không ai chơi nữa. Tôi đề nghị trước tiên nên xử lý BTC giải và trọng tài”, bầu Đức bày tỏ quan điểm.

img
Bầu Đức (ngồi giữa) phát biểu tại cuộc đối thoại. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Còn bầu Thắng cho rằng: “Bóng đá là phải trong sạch. Nhưng tôi thấy CLB nào càng trong sạch càng bị ép… Quy chế, điều lệ chúng ta tạo ra thì chúng ta có thể sửa. 28 CLB ngồi lại cùng VFF. Không thể bức xúc mà bỏ bóng đá. Tâm huyết của chúng tôi vẫn còn nhưng để giải tỏa những bức xúc đó thì chúng ta cần phải thay đổi”.

Tỏ ra đầy trăn trở về vấn đề này, bầu Tiến Anh khẳng định: “Rõ ràng doanh nghiệp đang làm bóng đá, chính vì vậy nên trả lại các quyền quyết định cho các doanh nghiệp vì sự phát triển chung của bóng đá… Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay VFF nên có Đại hội bất thường. Sự điều chỉnh là để phù hợp với thời cuộc và cần phải có sự nhìn nhận trong cả hệ thống chứ không phải chỉ cá nhân”.

Chốt lại buổi đối thoại, ông Lê Hùng Dũng-Phó Chủ tịch VFF kết luận:  “Tôi sẽ báo cáo lại với anh Hỷ (Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ), sớm có cuộc họp với sự tham gia của các CLB V.League, hạng Nhất và các bộ phận quản lý. để tìm ra hướng đi mới cho bóng đá VN.

Mùa sau, Trưởng BTC giải chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Chủ tịch HĐTTQG chắn chắn sẽ có thay đổi. Báo chí và người hâm mộ sẽ là người giám sát xem có thay đổi so với mùa trước không. Làm sao để người hâm mộ và các ông chủ tiếp tục ủng hộ bóng đá.

Quy định mới của FIFA thì Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải là Ủy viên BCH VFF. Đây là vấn đề khó mà hiện BCH VFF phân vân. Thế nên có lẽ sẽ xin AFC, FIFA thư thả lại đến năm 2013 để VFF có thời gian chuẩn bị người.

Chúng ta đã trao đổi với nhau những nội dung hết sức cởi mở, công khai và cấp bách. Tôi xin khẳng định là khi nào tôi còn ngồi ở vị trí này, tôi sẽ làm hết sức mình để nền bóng đá phát triển. Tôi tin bóng đá mùa tới sẽ tốt rất nhiều và khán giả sẽ quay trở lại”.