Các đại biểu tham quan vườn mắc ca ở Lâm Hà, Lâm Đồng. Ảnh: NNVN
Theo Ông Dương Công Minh – Chủ tịch hiệp hội mắc ca Việt Nam, đến nay Công ty Cổ phần Him Lam đã cam kết đầu tư 1.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng. Về phía LienVietPostBank, ngân hàng đã triển khai 2 gói tín dụng ưu đãi với tổng vốn cam kết là 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân trồng mắc ca, các tổ chức – doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm mắc ca khu vực Tây Nguyên, trong đó 10.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để phát triển mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng và 3.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để phát triển mắc ca và cây công nghiệp tại tỉnh Đắk Nông. “Tôi tin tưởng rằng, sự sáng suốt của toàn thể Hội nghị ngày hôm nay cùng sự đồng lòng, quyết tâm của mỗi thành viên Hiệp hội là điều vô cùng cần thiết để đưa ngành công nghiệp mắc ca tiến thêm những bước dài và vững chắc trong thời gian tới”, Ông Dương Công Minh khẳng định.
Trong 10 năm tới, Hiệp hội mắc ca Việt Nam sẽ nỗ lực phấn đấu để hoạt động hiệu quả, đạt được các mục tiêu: hỗ trợ và phát triển hệ thống các doanh nghiệp làm giống mắc ca; trong 10 năm tới trồng mới 30 triệu cây mắc ca (trồng xen 20 triệu cây, trồng thuần 10 triệu cây…); sản lượng hạt mắc ca đạt từ 350.000 – 400.000 tấn, tổng giá trị sản phẩm đạt trên 1 tỷ USD; xây dựng 30 nhà máy sơ chế hạt mắc ca và 8 nhà máy chế biến mắc ca quy mô lớn; hợp tác với các Hiệp hội Mắc ca trên thế giới để hỗ trợ phát triển ngành mắc ca Việt Nam.
Thành phần tham dự Hiệp hội mắc ca hiện nay chủ yếu là đại diện của các doanh nghiệp như Him Lam, Ngân hàng Liên Việt và một số chuyên gia lớn tuổi đã nghỉ hưu từ lâu. Ảnh: LienVietPostBank.
Trong khi đó, theo thông tin từ Báo Nông nghiệp Việt Nam: Trả lời về một số băn khoăn của dư luận và người dân về thị trường tiêu thụ sản phẩm, phía Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã trực tiếp tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, hợp tác tại các quốc gia như Úc, Trung Quốc… Tham gia các đoàn đều có lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương, lãnh đạo một số doanh nghiệp, người nông dân và các tổ tư vấn giúp việc cho một số cơ quan Nhà nước.
Thông qua các chuyến đi thực tế đó, Hiệp hội mắc ca mong muốn tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Được biết sản lượng mắc ca Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 600 tấn; nhu cầu thị trường thế giới cũng chỉ mới đáp ứng được 25%. Tại thị trường Trung Quốc nhu cầu sử dụng hạt khô của người dân ở đây rất lớn. Mặc dù vậy, sản lượng mắc ca ở đất nước Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân nên họ vẫn nhập khẩu ở 20 quốc gia trên thế giới.
Tại buổi làm việc của Hiệp hội mắc ca Việt Nam với lãnh đạo chính quyền các tỉnh An Huy, Chiết Giang và Hiệp hội quả khô Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp ở tỉnh An Huy trung tuần tháng 4 vừa qua cho thấy nhu cầu nhập khẩu hạt khô, đặc biệt là mắc ca ở Trung Quốc là rất lớn.
Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc khẳng định rằng, với diện tích và sản lượng trong lộ trình phát triển mắc ca của Việt Nam 10 năm tới thì chỉ cần 2 nhà máy ở TP Lâm An tỉnh An Huy là tiêu thụ hết. Họ cho rằng, chi phí cho vận chuyển ở các nước Nam Phi sẽ tốn kém hơn so với một đất nước láng giềng như Việt Nam. Do đó, đầu ra cho sản phẩm mắc ca về lâu dài là không mấy lo lắng.
Tại hội nghị thường niên lần này, nhiều ý kiến phát biểu một lần nữa khẳng định tính ưu việt và tiềm năng thế mạnh phát triển mắc ca ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Nghĩa Biên, Viện trưởng Viện Quy hoạch điều tra rừng, Bộ NNPTNT cam kết rằng sẽ sát cánh cùng Hiệp hội mắc ca Việt Nam. Cùng phối hợp với Hiệp hội để xây dựng dữ liệu về mắc ca, về điều kiện tự nhiên, khí hậu, kỹ thuật, sản phẩm, thị trường để chủ động trong vấn đề phát triển mắc ca ở các địa phương. Cơ sở dữ liệu này sẽ được cập nhật thường xuyên.
“Tôi cho rằng, tâm thế của hội nghị hôm nay nó khác hơn hẳn so với những gì đã diễn ra cách đây 3 năm”, ông Biên chia sẻ.