Chủ trang trại U70
Dù đã gần 70 tuổi nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Luận, thôn Hoàng Tân 2, xã Ninh Lai (Sơn Dương) luôn năng nổ và là ông chủ của một trong những mô hình kinh tế trang trại lớn nhất xã. Nhìn người đàn ông lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt huyết ấy không ai nghĩ rằng ông là một thương binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Cựu chiến binhNguyễn Văn Luận
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Luận sinh năm 1950. Năm 1972 ông nhập ngũ và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam. Năm 1977, ông phục viên trở về địa phương phát triển kinh tế. Ông Luận chia sẻ, từ năm 2011 ông bắt đầu phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay gia đình ông có 40 con lợn nái, 200 con lợn thịt. Gia đình ông còn trồng 3 ha rừng. Trung bình mỗi năm, từ chăn nuôi, trồng trọt, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 300 triệu đồng.
Hiện tại ông Luận là Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Ánh Nguyệt; Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi xã Ninh Lai. Ông bảo, mục tiêu chung của các tổ chức hội là khơi nguồn sáng tạo, mở rộng giao lưu phát triển kinh tế bền vững cho hội viên. Được ông và tổ chức Hội Cựu chiến binh giúp đỡ, nhiều hội viên đã làm giàu như ông Chu Văn Phúc, thôn Cây Đa 2 nuôi 30 con lợn nái, 150 lợn thịt; ông Chu Hoàng Vinh, thôn Ninh Lai nuôi 30 nái, hơn 100 lợn thịt... mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng.
Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, nhưng đến nay vẫn còn đó nỗi đau do di chứng để lại trong ông, đó là cậu con trai út của ông sinh năm 1980, nhưng đến nay chỉ cao hơn 1 mét, sức khỏe yếu và tâm trí không bình thường. Ông Luận chia sẻ: “Buồn đấy! Nhưng mình là Người lính Cụ Hồ không được gục ngã. Chiến tranh bom đạn khốc liệt mình không khuất phục thì những vất vả đời thường sẽ không thể là rào cản. Còn sức khỏe mình còn cống hiến cho xã hội và chăm lo gia đình thật tốt.”
Chất lính giữa đời thường
42 năm đã đi qua, nhưng những năm tháng chiến đấu oanh liệt vẫn không phai nhòa trong ký ức của thương binh Mai Xuân Dần, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đầu Núi, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Ông Dần nhập ngũ năm 1969, từng làm du kích nắm tình hình, vận động quần chúng giác ngộ cách mạng, bảo vệ chính quyền. Sau đó ông tham gia chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên Huế, giải phóng Huế, Quảng Nam rồi sau đó cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba...
Cựu chiến binh Mai Xuân Dần
Trở về cuộc sống đời thường ông Dần được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Chủ nhiệm Hợp tác xã, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận nhiều năm qua. Gần 45 năm tuổi Đảng, ông gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua. Mặc dù là nạn nhân chất độc da cam, thường xuyên đau yếu, song ông luôn nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế với mô hình vườn - ao - chuồng. Từ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, lợn thịt, gia cầm, trồng rau màu các loại, mỗi năm gia đình ông cho thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng.
Trong thôn bất kể xảy ra chuyện lớn, nhỏ, ông đều có mặt để giải thích cặn kẽ, vận động bà con đoàn kết, gắn bó xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhiều năm qua, thôn Đầu Núi không có tệ nạn xã hội, luôn đạt thôn văn hóa.
Cựu chiến binh được dân mến, dân tin
Cựu chiến binh Lê Chiến Thắng, hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm 10, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang). Là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, sức khỏe hạn chế, nhưng ông luôn nỗ lực phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Cựu chiến binh Lê Chiến Thắng
Năm 1974 ông nhập ngũ khi mới 21 tuổi. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông trải qua các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ, Sài Gòn - Gia Định... Bom đạn chiến tranh đã tôi luyện cho ông ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Vì thế khi phục viên trở về địa phương, ông luôn là tấm gương về nghị lực vươn lên phát triển kinh tế và hoạt động cộng đồng.
Với cương vị là Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm 10, ông vận động nhân dân cùng đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, chung sức xây dựng nông thôn mới. Qua sự vận động của ông cùng các đảng viên trong chi bộ, nhân dân trong xóm đồng tình nghe theo.
Đến nay, toàn xóm 10 có 60/60 hộ có nhà xây kiên cố; thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, đây đều là những hộ bệnh tật, ốm đau khó thoát nghèo. Hiện 100% đường liên xóm đã được bê tông sạch đẹp. Xóm đã xây được nhà văn hóa khang trang và sân chơi rộng 400 m2 tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Nhiều năm liền xóm 10 không có tệ nạn xã hội.
Ở xóm 10, ông Thắng được biết đến là một trong những người đi tiên phong trong việc trồng cây ăn quả, nhất là trồng na và hồng. Đến nay gia đình ông Thắng có 80 gốc hồng, 20 gốc ổi, 30 gốc na, 500 m2diện tích ao cá. Trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi 70 triệu đồng.
Dưới sự dẫn dắt của ông, 5 năm liền Chi bộ xóm 10 đều đạt trong sạch vững mạnh; hằng năm có hơn 93% hộ gia đình trong xóm đạt gia đình văn hóa.