Một chủ trang trại lợn buồn bã nhìn đàn lợn tồn đọng, trong khi giá lợn hơi "rẻ như cho" (Ảnh: Phú Lãm).
Giải pháp cấp bách cứu người chăn nuôi
Ông Phong cho biết, trong những năm qua, sản xuất chăn nuôi lợn của tỉnh Vĩnh Phúc phát triển mạnh. Năm 2016, tổng đàn lợn có 688,32 nghìn con, tăng 25,7%. Trong đó, lợn thịt 537,5 nghìn con (tăng 18,3%), lợn nái sinh sản 149,5 nghìn con (tăng 62,3%). Những con số này đồng nghĩa với việc Vĩnh Phúc có hàng chục nghìn hộ chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn giảm sâu, gây thua lỗ lớn cho người chăn nuôi lợn, nhiều gia đình nguy cơ “trắng tay”…
Giá lợn rẻ mạt, nuôi thêm đàn lợn người chăn nuôi thêm lỗ tiền triệu mỗi ngày (Ảnh: Phú Lãm).
Thực hiện chỉ đạo cuả Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai rốt ráo các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm “giải cứu”, bình ổn ngành chăn nuôi lợn.Trước mắt, Sở NNPTNT phối hợp UBND các huyện, thành thị hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất; tiến hành loại thải ngay những con lợn nái kém chất lượng để chọn lọc đàn giống chất lượng tốt phục vụ sản xuất; hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền khuyến cáo các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và đại lý trên địa bàn tỉnh điều chỉnh giá, chia sẻ với người chăn nuôi vượt qua khó khăn trước mắt.
Để giảm bớt chi phí, người chăn nuôi "giảm cám" mua bã bia (500 đồng/ kg) pha trộn cho lợn ăn (Ảnh: Phú Lãm).
Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp Sở NNPTNT kết nối các doanh nghiệp và vùng sản xuất; tăng cường thu mua; ký kết các hợp đồng tiêu thụ thịt lợn với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn, bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý.
Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường, rà soát giảm chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; phối hợp Sở Tài chính kiểm soát giá nhất là chênh lệch giá lợn hơi với giá bán lẻ thịt lợn để đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng đã giao chỉ tiêu cho từng đơn vị có kế hoạch tiêu thụ thịt lợn để chia sẻ, giải quyết khó khăn với người chăn nuôi.
“Cần khoanh, giãn nợ khẩn cấp”
Một giải pháp cấp bách nữa, đó là khoanh, giãn nợ cho những hộ nuôi lợn vay vốn đã đến kỳ hạn trả nợ. Tuy nhiên, Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc Nguyễn Tiến Phong cho biết, việc này chưa thể thực hiện trên địa bàn tỉnh bởi các ngân hàng thương mại vẫn đang chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo.
Ông nhấn mạnh: “Giá lợn giảm sâu nhiều ngày, người chăn nuôi lợn đang vô cùng khó khăn. Trong khi đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có động thái khoanh, giãn nợ cho những hộ nuôi lợn có vay vốn đến kỳ trả nợ. Lý do họ vẫn đang chờ chỉ đạo của NHNN. Ngay lúc này, NHNN cần chỉ đạo khẩn cấp khoanh, giãn nợ, xem xét miễn giảm lãi suất đối với những hộ nuôi lợn. Chậm trễ là hỏng, vì đến kỳ phải trả nợ lợn rẻ mấy người dân cũng phải bán”.
Sở NNPTNT Vĩnh Phúc mở các điểm bán thịt lợn bình ổn giá nhằm kích cầu tiêu dùng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi (Ảnh: Phú Lãm).
Song song giải pháp cấp bách, theo ông Phong, các ban ngành liên quan cần triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn, phát triển lâu dài gồm: Rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng, tính toán kỹ khâu chọn giống và bám sát định hướng quy hoạch chăn nuôi của tỉnh; xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho tiêu dùng.
Giá lợn giảm sâu kỷ lục trong hàng chục năm trở lại đây, người chăn nuôi lợn đối mặt nguy cơ trắng tay, nợ nần chồng chất (Ảnh: Phú Lãm).
Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cần phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, trọng điểm quy hoạch; hạn chế mở rộng đàn lợn; sử dụng giống lợn chất lượng cao sản xuất; xây dựng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ với sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất các tổ hợp tác, HTX chủ động được đầu ra cho sản phẩm…
Người dân khắp nơi hưởng ứng phong trào "giải cứu thịt lợn", tuy nhiên, giá lợn hơi ở các địa phương vẫn rất thấp, có nơi chỉ có 18.000 đồng/ kg. Những hộ nuôi lợn đang trong tình cảnh vô cùng bi đát (Trong ảnh một điểm bán "giải cứu thịt lợn". Ảnh: Phú Lãm).
Mặt khác, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần tăng cường chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. Khích lệ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nâng cao năng lực chế biến hướng tới xuất khẩu…
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chặt chẽ khi cấp phép cho nhà đầu tư về phát triển chăn nuôi lợn, phù hợp quy hoạch của tỉnh; Sở Công thương tăng cường xúc tiến thương mại về tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn; Sở Tài chính có vai trò phối hợp các Sở, ngành liên quan để thống nhất đề xuất, bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết để giúp sản xuất chăn nuôi chủ động, ổn định tiêu thụ sản phẩm, hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi…