Theo anh Lê Cường, chủ xe vừa bị lừa bởi một gara tại Hà Nội dịp 30/4 vừa qua, vụ việc mà anh chia sẻ để tất cả mọi người biết, chứng kiến và có thêm thông tin tránh rơi vào tình cảnh bị lừa gạt khi đi lại, làm ăn. Anh Cường cùng nhiều người khác không dựng chuyện bởi đã có nhiều trường hợp bị lừa gạt lan truyền trong giới lái xe mà lâu nay chưa được thông tin.
Thêm nhiều chủ xe lên tiếng vì đã bị chặt chém
Tại nhiều diễn đàn về lái xe, ô tô, sau khi thông tin một gara sửa xe ở Hà Nội bị một số người tố chặt chém thì rất nhiều khách, người từng bị lừa tại chính gara này đã chia sẻ những câu chuyện của mình để những người mới đi xe biết được và phòng tránh.
Trường hợp điển hình nhất là của anh Nguyễn Thanh Tùng (Quảng Ninh) dẫn ví dụ của mình, cuối tháng 10/2016, khi chiếc xe Camry đời 2008 của anh đang lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thì gặp một va quệt giao thông. Cú va chạm khiến két nước, nắp capo và kính trước bị hỏng hóc. Ngay sau đó, anh Tùng được tổng đài cứu hộ giới thiệu đưa về gara M.S để sửa chữa. Tại đây, ông chủ gara đề nghị anh về nghỉ ngơi đến sáng hôm sau đến sẽ tiến hành sửa chữa, thời điểm đó là 22 giờ.
Hoá đơn sửa chữa xe của anh Tùng (ảnh nhân vật cung cấp)
Đến 7h30 sáng hôm sau, anh Tùng đã đến thì bất ngờ trước cách làm của gara ô tô M.S. Chia sẻ với báo giới, anh Tùng cho hay: Khi tôi có mặt thì thấy chiếc xe đã bị bổ máy, đường điện bị tháo dỡ. Tôi thắc mắc vì chưa được sự đồng ý của mình mà nhân viên gara đã tự tiện tháo dỡ, sửa chữa thì không được trả lời thỏa đáng. Khi nhận thông báo hoàn thiện sửa chữa xe và thanh toán thì tôi giật mình khi thấy báo giá lên đến hơn 100 triệu đồng, thương lượng mãi chỉ còn gần 80 triệu đồng.
Sau nửa ngày, khi Dân Trí có bài phản ánh, rất nhiều bạn đọc đã bức xúc, nhiều người lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để đòi lại công bằng cho người bị hại. Với thông tin đa chiều, Dân Trí xin trích đăng một vài ý kiến của độc giả, để rộng đường dư luận.
Độc giả A.Quang cũng phản hồi về báo nêu trường hợp của mình: "Vào cuối tháng 9/2016, mình cũng bị gara này lừa đảo. Hôm đó, khi chạy từ Nam Định về Hà Nội, khoảng 20 giờ trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, xe bị mất đèn pha nên phải gọi cứu hộ. Mặc dù yêu cầu kéo xe về nhà ở đường Bưởi để sáng đưa ra xưởng nhưng cứu hộ cố thuyết phục đưa xe về gara này ở đường Giải Phóng để sửa.
Đến nơi thì cả một đám thanh niên choai choai kéo cửa cuốn xông ra, đưa xe vào thì đèn xe lại sáng. Mình bảo thôi thì họ bảo cứ để kiểm tra thêm xem. Một cậu trẻ đon đả mời uống nước, còn 2 cậu khác thì bật nắp kiểm tra dây điện. Chỉ khoảng 5 phút, uống xong chén nước quay ra thì họ bảo đã xong, đi dây hết 1,4 triệu đồng. Mình bảo có thấy đi dây gì đâu, họ bảo làm nhanh. Mình nói "rắn" thì họ nhượng bộ xuống 1 triệu đồng.
Số tiền không quá lớn nhưng rất ức chế vì kiểu làm ăn chộp giật, lừa lọc. Tuy nhiên, vì đêm hôm, cũng để tránh rắc rối nên cũng đành trả tiền cho xong. Vì vậy, cảnh báo mọi người nên cảnh giác với các gara mà cứu hộ giới thiệu nhé!".
Người bị hại có thể sử dụng luật pháp bảo vệ
Theo độc giả Lê Thống: Qua sự việc của anh Lê Cường, Huyền Thanh và Hồng Sơn, chúng ta cần rút ra bài học cho bản thân! Nếu không biết mà cứ gọi cứu hộ bừa bãi là không nên; không quen biết không nên để xe trong gara qua đêm như những trường hợp trên, vì đó đúng là "hoạ vô đơn chí".
Độc giả Đặng Duy Tuấn cho rằng: "Chặt chém là chuyện thường tình của các gara ô tô đối với người đi ô tô nhưng không hiểu biết (ít nhất là cơ bản) về ô tô, mà thật ra khi học lấy bằng lái xe ô tô, thì cũng đã học, tiếc là chúng ta không chú ý hoặc trung tâm dạy lái dạy sơ sài. Không phải chỉ có gara ô tô ở bên ngoài mà ngay cả hãng cũng vậy, nếu thấy khách hàng không hiểu biết thì cũng chặt chém mà thôi, đôi lúc còn cắt cổ hơn cả gara bên ngoài".
Độc giả Nghĩa Ngọc cho hay: "Thực ra nghề nào chẳng vậy không phải ô tô mà xe máy, rồi cả tivi, tủ lạnh điều hòa nữa. Rút kinh nghiệm. Xe hư và thay cái gì cũng phải mang về hết, không bỏ lại và tốt nhất cứ vào gara chính hãng mà sửa".
Độc giả là Luật sư Nguyễn Phú Thắng viện dẫn nhiều điều khoản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và quyền tài sản đi kèm: Nếu không có thỏa thuận trước về thù lao tháo lắp, kiểm tra, bắt bệnh, thì chủ xe nên thu thập 02 báo phí của 02 gara độc lập làm cơ sở thanh toán. Trường hợp chủ gara kiên quyết bắt trả tiền nhiều hơn một cách vô lý, thì có dấu hiệu của "Tội cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 138 Bộ Luật Hình Sự năm 1999 được chuyển tiếp sang Điều 170 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.
Dấu hiệu cơ bản của tội này là lợi dụng người bị hại lâm vào cảnh lệ thuộc, không thể mang xe đi, nhất là ở nơi xa xôi, hẻo lánh vào ban đêm để đe dọa, uy hiếp bị hại phải giao một khoản tiền vô lý, cao hơn nhiều "báo phí" tham khảo. Việc đe dọa, uy hiếp, tội cưỡng đoạt theo Điều 170 bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.