Dân Việt

Những căn bệnh làm thay đổi lịch sử thế giới

Huyền Anh (Theo Listverse) 08/05/2017 09:55 GMT+7
Nếu không có sự xuất hiện của những căn bệnh này, lịch sử nhân loại có thể đã thay đổi và thế giới của chúng ta ngày nay có lẽ đã rất khác.

1. Đại dịch cúm năm 1918 và Hiệp ước Versailles

img

Đại dịch cúm vào năm 1918 đã tàn phá thế giới và gây nhiễm cho 1/3 dân số địa cầu. Số người chết nhiều hơn gấp đôi nạn nhân chết trong Thế chiến I. Căn bệnh này làm tổn hại các tế bào não, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của não và thậm chí dẫn đến chứng tâm thần. Tháng 4/1919, Tổng thống Mỹ là Woodrow Wilson bị nhiễm cúm. Wilson lúc đó là chủ tịch và đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc đàm phán của Hiệp ước Versailles, đặc biệt là không đồng tình với Georges Clemenceau, người muốn gây sức ép cho nước Đức.

Khi Wilson hồi phục sau căn bệnh cúm, các quan chức Nhà Trắng đã nhận thấy sự thay đổi của ông. Wilson có vẻ chậm chạp, mệt mỏi và hay đề cập đến những vấn đề kỳ lạ. Sau đó, Wilson đã từ bỏ nhiều ý tưởng của ông về Hiệp ước, trao quyền lực cho Clemenceau. Nhiều người cho rằng chính sự khắc nghiệt của Hiệp ước Versailles đã gây ra thảm họa cho Đức, tàn phá nền kinh tế Đức và đóng vai trò trong khả năng giành quyền lực của Hitler. Tất cả những điều này có thể là kết quả sau khi Woodrow Wilson mắc cúm.

2. Lao và sự mở rộng ranh giới về phía Tây

img

Trong bối cảnh bùng phát bệnh lao vào những năm 1900, nhiều người tin rằng nguyên nhân của lao là do không khí ô nhiễm. Ý tưởng này được thúc đẩy bởi bác sĩ Edward Trudeau ở New York (Mỹ). Ông cũng bị nhiễm lao và sau khi chuyển đến vùng Adirondacks, nhận thấy sự cải thiện đáng kể tình trạng bệnh tật của mình, ông bắt đầu truyền bá thông tin rằng cuộc sống gần gũi thiên nhiên với không khí trong lành chính là một phương thuốc hiệu quả.

Khi biết điều này, hàng ngàn người Mỹ ồ ạt di chuyển về phía tây để sức khoẻ tốt hơn, bắt đầu cho sự di cư và mở rộng về phía tây.

3. Giun móc và sự phát triển kinh tế ở Nam Mỹ

img

Trong hơn 3 thế kỷ, có một căn bệnh đã làm trì trệ cuộc sống ở Nam Mỹ. Nó bắt đầu với sự ngứa ngáy giữa các ngón chân, ngay sau đó là ho khan. Vài tuần sau, người bệnh bắt đầu kiệt sức và mệt mỏi. Người lớn bỏ bê việc đồng áng, trẻ em trở nên lơ đãng và thiếu sức sống.

Thủ phạm chính là 1 loại ký sinh trùng sống trong ruột người, ăn các chất dinh dưỡng trong cơ thể và có thể lây truyền qua phân - giun móc. Ở Nam Mỹ vào đầu những năm 1900, hàng triệu ký sinh trùng xuất hiện trong cơ thể 40% dân số kéo dài từ đông nam Texas đến phía tây Virginia. Giun móc đã làm trì trệ sự phát triển trong khu vực và tạo ra những khuôn mẫu về “người miền Nam lười biếng”.

Sau khi căn bệnh đã được xác định và nỗ lực phòng chữa, người ta thấy ở Nam Mỹ, nhiều trẻ em được đi học, trồng trọt tốt hơn, thu nhập người dân tăng lên, kinh tế cũng từ đó mà phát triển

4. Ảnh hưởng của bệnh lao với thời trang

img

Vào cuối những năm 1800, bệnh lao đã trở thành một bệnh dịch ở Mỹ và châu Âu. Kể từ khi căn bệnh này xuất hiện, nó đã có tác động tới ngành thời trang thời đại Victoria. Hình mẫu thời trang giai đoạn này hướng tới những con người mảnh khảnh, yếu ớt.

Vào những năm 1900, khi các nhà khoa học thực hiện một số chiến dịch sức khoẻ cộng đồng đầu tiên ở Mỹ, váy của phụ nữ đã trở nên ngắn hơn, gọn gàng hơn, râu và ria mép được cạo sạch để hạn chế nơi trú ngụ của vi khuẩn lao.

5. Bệnh dịch hạch và Giáo hội Công giáo

img

Bệnh dịch hạch đã tàn phá châu Âu vào thế kỷ 14. Tuy nhiên, 1 trong những ảnh hưởng lâu dài nhất của bệnh dịch hạch với xã hội là Giáo hội Công giáo đã mất đi sự ủng hộ đáng kể vì số người chết quá nhiều.

Nhiều người dân đã nhìn vào Giáo hội để tìm ra câu trả lời về lý do tại sao dịch hạch lại nguy hiểm đến vậy và có thể làm gì để ngăn chặn nó. Khi Giáo hội không thể giải thích hay giúp đỡ, họ lại đặt câu hỏi về đức tin và trở nên mất lòng tin vào Thiên Chúa. Điều này dẫn đến 1 kỷ nguyên mà tôn giáo ít gắn bó hơn với cuộc sống của người dân.

6. Bệnh đậu mùa và Giai đoạn Trao đổi Columbus (Columbian Exchange)

img

Bệnh đậu mùa có thể lây lan bằng chất lỏng hoặc vật thể bị nhiễm bẩn. Cho đến nay, đây là căn bệnh duy nhất đã được loại bỏ.

Vào những năm 1500, trong Giai đoạn Trao đổi Columbus giữa Châu Âu và Tân thế giới (Bắc Mỹ và Nam Mỹ theo cách gọi của Châu Âu sau khi Columbus tìm ra Châu Mỹ), bệnh đậu mùa đã tàn phá người bản địa, giết chết 90% dân số. Căn bệnh này cũng được sử dụng như 1 phương pháp chiến tranh sinh học của các nhà thám hiểm người châu Âu khi muốn biến châu Mỹ thành thuộc địa. Những người dân bản địa không có khả năng miễn dịch đối với những căn bệnh do người châu Âu mang tới. Kết quả là toàn bộ nền văn minh bị xóa sạch, mang theo hệ thống văn hoá, nghệ thuật và ngôn ngữ mà ngày nay đã mất mãi mãi.

7. Sốt vàng da và việc thâu tóm Louisiana

img

Sốt vàng da được truyền qua muỗi sống trong khí hậu nhiệt đới. Vào đầu những năm 1800, nó đóng 1 vai trò trong “thương vụ” Louisiana Purchase bằng cách làm suy yếu quân đội Pháp.

Napoleon, nhà lãnh đạo vào thời điểm đó, đã lên kế hoạch chiếm phương Tây và mở rộng ảnh hưởng của Pháp trên khắp thế giới. Khi quân Pháp đóng tại Haiti, những nô lệ Haiti đã nổi dậy thành công và đánh bại đội quân “bách chiến bách thắng” này. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ cao của dịch sốt vàng da trong binh lính Pháp, làm suy yếu sức mạnh của họ. Cuối cùng, Napoleon đã chấp nhận lời đề nghị toàn bộ lãnh thổ Louisiana (miền tây Hoa Kỳ).

Cuối cùng, việc mua bán được giải quyết như 1 hiệp định, không hề tốn kém và mất nhiều công sức. Nếu không có sốt vàng da và cuộc nổi dậy của nô lệ Haiti, nước Mỹ ngày nay có thể đã rất khác.

8. Đại dịch ở Athens

img

Đại dịch ở Athens là một căn bệnh không xác định được xảy ra vào năm 400 TCN, giết chết 25% dân số của Athens. Mặc dù không xác định được chính xác căn bệnh này, người ta vẫn cho rằng đó là sự kết hợp của bệnh đậu mùa và sốt thương hàn.

Dịch bệnh đã lấy cuộc đời của Pericles, lãnh đạo chính của người Athens, làm tổn hại đến khả năng chiến đấu trong cuộc chiến Peloponnes. Một yếu tố gây tổn hại khác là sự sụt giảm đáng kể về dân số, ảnh hưởng đến khả năng huy động quân sự của họ. Điều này đã đóng góp thêm cho sự thất bại của cuộc chiến Peloponnes, ảnh hưởng đến lịch sử bằng cách xác lập những nhóm quyền lực ở Hy Lạp cổ đại.

Những việc làm đơn giản giúp ngăn ngừa đại dịch

Theo thống kê, các dịch bệnh nguy hiểm đang có chiều hướng tăng cao và phức tạp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rằng...