Dân Việt

Chuyên gia tổ chức Lao động Quốc tế nói về việc tăng tuổi nghỉ hưu

P.V 08/05/2017 14:20 GMT+7
Với đề xuất lộ trình và thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo 2 của Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ LDDTB&XH lấy ý kiến, ông Nuno Meira Simoes Cunha - Chuyên gia về an sinh xã hội của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khẳng định, tăng tuổi nghỉ hưu không liên quan đến việc một số người “tham quyền cố vị” và không làm mất cơ hội của các lao động trẻ muốn gia nhập thị trường LĐ.

Làm việc dài để có lương hưu cao

Ông có thể cho biết đánh giá về tác dụng xã hội của việc tăng tuổi nghỉ hưu như Bộ LĐTB&XH đề xuất trong Dự thảo của Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến?

- Theo tôi, tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một giải pháp về lực lượng lao động (LĐ) trong điều kiện tốc độ già hóa cao để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ đem lại lợi ích trước hết cho sự bền vững của Quỹ hưu trí.

Thứ hai, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cho phép có thêm thời gian đóng góp bảo hiểm xã hội bảo hiểm xã hội, nghĩa là người LĐ có thể được nhận lương hưu cao hơn và do vậy cuộc sống khi về già sẽ tốt hơn.

Hơn nữa, tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng lên đáng kể và sẽ tiếp tục tăng lên nữa, nghĩa là thời gian hưởng lương hưu sẽ tăng lên. Vì vậy, người LĐ nên hiểu rằng, nếu họ không muốn lợi ích (lương hưu) giảm đi thì họ cần phải làm việc lâu hơn.

Nhưng nhiều người lo ngại tăng tuổi nghỉ hưu sẽ hạn chế cơ hội của những LĐ trẻ năng động. Vậy ông nghĩ gì về điều này?

- Bạn không thể giải quyết vấn đề thị trường LĐ bằng một hệ thống hưu trí vốn chỉ áp dụng cho giai đoạn sau khi nghỉ hưu và cũng không thể sử dụng hệ thống hưu trí để giải quyết thặng dư LĐ tạm thời hoặc một cái gì đó tương tự vì điều đó trước sau sẽ giết chết cả hệ thống.

Vì nếu bạn cố gắng giải quyết các vấn đề thị trường LĐ bằng cách cho phép mọi người nghỉ hưu sớm thì chắc chắn bạn sẽ phải trả tiền cho điều đó. Bạn cũng không thể chắc chắn rằng nếu một LĐ nghỉ hưu thì những LĐ sẽ có thể thay thế được họ.

Ngoài ra, có nhiều khả năng xảy ra tình trạng khi người ta có thu nhập cao hơn, họ có xu thế chi tiêu nhiều hơn, con cái của họ cũng có thể chi tiêu nhiều hơn, và điều đó có thể tạo ra nhiều việc làm hơn.

Tỷ lệ thất nghiệp và việc làm cho LĐ trẻ cần được giải quyết bằng các chương trình giáo dục và chuyển giao kỹ năng cho thanh niên chứ không thể cố giải quyết nó bằng hệ thống hưu trí vì cách giải quyết đó quá gián tiếp và tốn rất nhiều tiền.

Mặt khác, nền kinh tế cần một số lượng LĐ nhất định. Khi toàn bộ hệ thống phát triển thì cả quốc gia sẽ phát triển và khi đó sẽ có nhiều cơ hội hơn cho mọi người LĐ. Nghĩa là không phải những người cao tuổi cứ tiếp tục làm việc thì những người trẻ tuổi sẽ không thể gia nhập lực lượng LĐ.

Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về thái độ của người hưởng hưu trí cho thấy rằng tất cả mọi người đều hào hứng đối với chế độ nghỉ hưu trong hai năm đầu.

Sau đó, sự hào hứng của họ giảm đi bởi vì sau khi họ đã làm tất cả mọi thứ họ muốn (du lịch, hưởng thụ, v.v…) thì quỹ tài chính của họ sẽ thu hẹp lại và họ bắt đầu cảm thấy buồn chán.

Tuy nhiên, với những người làm việc trong môi trường nguy hại và khó khăn thì mong muốn nghỉ hưu của họ thực sự là rất dễ hiểu.

img

Ông Nuno Meira Simoes Cunha - Chuyên gia về an sinh xã hội của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) 

Có những ngành nghề cần nghỉ hưu sớm nhưng đó là những trường hợp ngoại lệ. Còn đa số người LĐ đều muốn làm việc khi còn khả năng để thấy mình có ích và vẫn là một phần của xã hội, nhất là khi cấu trúc gia đình ngày càng có xu hướng co lại, rất nhiều người cao tuổi phải sống một mình.

Xin ông cho biết các quốc gia khác đã làm gì để tránh những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế từ việc tăng tuổi nghỉ hưu?

- Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ bằng chứng nào cho giả định rằng tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng thì sẽ càng có những tác động xấu đến nền kinh tế. Tôi cũng không nghĩ rằng người LĐ cao tuổi hơn thì sẽ có năng suất LĐ thấp hơn.

Bạn có thể chuyển họ sang các vị trí khác nhau nhưng hãy nhìn vào vấn đề theo cách này - Làm thế nào để những người trẻ tuổi được đào tạo nếu không có những người có kinh nghiệm và nếu những người có kinh nghiệm không chia sẻ kinh nghiệm với những người trẻ tuổi?

Bạn nên chuyển những người LĐ lớn tuổi đến những nơi họ có thể chia sẻ kiến thức của họ, những nơi mà kinh nghiệm của họ có thể mang lại lợi ích cho người khác.

Việt Nam nên học hỏi gì từ các nước khác nếu muốn tăng tuổi nghỉ hưu?

- Không nước nào thích phương án tăng tuổi nghỉ hưu cả. Hầu hết các quốc gia đều có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu trong nhiều năm, và phải thống nhất về nhóm tuổi được áp dụng, ví dụ chỉ áp dụng cho những người sinh từ một năm nhất định, hoặc áp dụng với những người mới tham gia lực lượng LĐ.

Bạn đừng đợi đến khi họ sắp về hưu mới thông báo rằng họ cần làm thêm 01 năm nữa. Vì vậy Việt Nam phải thực hiện việc này một cách từ từ.

Cần biện pháp mạnh nếu trốn đóng góp bảo hiểm xã hội

Xin ông chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc cân đối quỹ bảo hiểm xã hội?

- Mỗi quốc gia có các biện pháp riêng của mình, và nâng cao tuổi nghỉ hưu là một trong những biện pháp phổ biến. Chúng tôi nghĩ rằng giảm mức độ lợi ích cũng là một cách để ổn định hệ thống trong việc giải quyết các thách thức già hóa dân số.

Nhưng thông thường, già hóa dân số chỉ là cái cớ để giảm các lợi ích. Mọi người không có khả năng chi nhiều hơn và bằng cách nào đó họ phải quyết định rằng họ không thể chi tiêu nhiều hơn.

Có ba cách để cân bằng quỹ: (i) tăng tỷ lệ đóng góp hoặc thuế, (ii) giảm lợi ích, và (iii) tăng tuổi nghỉ hưu. Nói chung, tăng tuổi nghỉ hưu không phải là một giải pháp dễ thực hiện.

Nhưng giải pháp này vẫn dễ hơn việc giảm các mức trợ cấp, bởi vì mọi người không nhất thiết nhìn thấy thu nhập của họ giảm đáng kể và những gì họ biết là họ phải làm việc thêm một hoặc hai năm nữa. Và nếu bạn được thông báo trước 10 năm thì bạn sẽ luôn sẵn sàng cho việc đó. Tôi nghĩ rằng đó là biện pháp tốt hơn.

Để ổn định quỹ bảo hiểm xã hội, Việt Nam nên làm gì ngoài việc gia tăng tuổi nghỉ hưu, thưa ông?

- Có lẽ Việt Nam nên cân nhắc việc thực hiện các can thiệp về phía đóng góp và về mức độ hưởng lợi từ quỹ. Hầu hết các chương trình an sinh xã hội non trẻ trên thế giới đều bắt đầu bằng các cách thức thông thoáng (“công thức hào phóng”).

Điều này là tốt bởi vì những người nghỉ hưu đầu tiên là những người có thời gian làm việc rất ngắn. Vì vậy, họ cần một tỷ lệ thay thế cao hơn. Nếu thời gian làm việc dài hơn, bạn có mức lương trung bình cao hơn, và dự kiến bạn làm việc lâu dài hơn. Và bạn được hưởng một tỷ lệ thay thế thấp hơn để sau đó bạn có thể làm giảm nó từ từ.

Tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội của người sử dụng LĐ hiện tại 22% được các doanh nghiệp phàn nàn là quá cao. Ông bình luận gì về điều này?

- Về cơ bản, tỷ lệ đóng góp của bạn đang ở mức của một nước công nghiệp hoá, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì nhiều đối với những người sử dụng LĐ.

Về nguyên tắc, chi phí LĐ là cố định ở tất cả các quốc gia. Vì vậy, những gì nên đàm phán chính là chi phí của NLĐ đối với người sử dụng LĐ. Một phần của tổng chi phí chính là đóng góp an sinh xã hội. Nếu đóng góp bảo hiểm xã hội thấp, tiền lương sẽ cao hơn.

Trái lại, nếu mức lương thấp thì mức đóng góp có thể cao hơn. Vì vậy, thông thường chính người LĐ phải trả tiền ngay cả khi điều đó không phải là sự chia tách chính thức.

Nếu người sử dụng LĐ đóng góp nhiều thì mức lương của người LĐ sẽ giảm. Vì vậy, không chỉ tôi mà nhiều người nghĩ rằng: về lâu về dài, sự đóng góp của người sử dụng LĐ về cơ bản là do người LĐ.

Dựa trên các kinh nghiệm quốc tế, ông có lời khuyên gì cho Việt Nam trong việc đảm bảo hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội?

- Bạn không thể kỳ vọng rằng mọi người sẽ đóng góp tự nguyện. Đối với người sử dụng LĐ, việc đóng góp có vẻ như là một khoản chi phí kinh doanh.

Và đối với người LĐ, đóng góp là cái gì đó làm giảm số tiền thu nhập mà họ có thể mang về nhà. Nhiều người không thấy sự cần thiết và cấp bách của hệ thống hưu trí cho đến khi họ già yếu hoặc ốm đau.

Có rất nhiều cách “thông đồng” giữa người sử dụng LĐ và người LĐ để hạn chế khả năng phải đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, những gì cần làm là thực thi pháp luật về vấn đề này một cách nghiêm túc thông qua việc tăng số lượng thanh tra an sinh xã hội, thanh tra bảo hiểm xã hội có thực quyền.

Trong luật của Việt Nam, người sử dụng LĐ có thể trì hoãn thanh toán trong 01 tháng. Sau đó từ 2 đến 3 tháng, nếu họ vẫn không đóng góp, hệ thống bảo hiểm xã hội có thể quyết định đưa họ ra tòa án. Tòa án sẽ yêu cầu họ hoàn thành việc đóng góp.

Nếu không đóng góp, họ sẽ phải đóng cửa công ty. Nếu luật pháp không nghiêm thì sẽ không có tác dụng. Tôi biết điều này nghe có vẻ nặng nề. Nhưng luật đã ban hành thì luật phải được thực thi.

Nhóm đối tượng mục tiêu đầu tiên cho việc mở rộng này là ai?

- Nhóm mục tiêu đầu tiên là tất cả những người đã ký hợp đồng LĐ trong khu vực LĐ chính thức nhưng chưa đăng ký với hệ thống bảo hiểm xã hội.

Hiện tại, họ chiếm 40%. Còn đối với khu vực phi chính thức, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ gặp một số hạn chế trong việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội nhưng vẫn làm được như hệ thống bảo hiểm y tế ở Việt Nam cho thấy điều đó.

Trân trọng cảm ơn ông!