Dân Việt

Phụ nữ tham gia chính trị: Hội chứng cấp phó

16/09/2011 19:40 GMT+7
(Dân Việt) - “Cho dù tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo ngày càng cao nhưng đại đa số chỉ giữ chức “phó”, với vai trò “nội trợ” trong cơ quan” - bà Nguyễn Thu Hiền - chuyên viên về Giới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định về việc phụ nữ tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị hiện nay.

Theo số liệu của Hội Phụ nữ, tỷ lệ nữ trong các tổ chức Đảng nhiệm kỳ 2010-2015 cấp T.Ư là 8,57%, tỉnh/thành là 11,37%, quận/huyện 15,01%, xã/phường 18,01%, tăng không đáng kể so với nhiệm kỳ trước và không đạt tiêu chuẩn 15% ở cấp T.Ư và tỉnh/thành. Còn trong Quốc hội, nhiệm kỳ 2011-2016 chỉ đạt 24,4%. Đây là nhiệm kỳ thứ 2 tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội bị tụt giảm. Nhiệm kỳ 2002-2007 là 27,3%, nhiệm kỳ 2007-2011 là 25,76%.

Như vậy có một nghịch lý, bất chấp sự nỗ lực tuyên truyền của Hội LHPN Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới – Bộ LĐTBXH, càng hô hào bầu cử cho đại biểu nữ, tỷ lệ càng tụt giảm.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị còn quá nhỏ so với tổng số “một nửa thế giới”. Tuy nhiên, phụ nữ giữ vị trí chủ chốt trong cơ quan Đảng, dân cử và chính quyền còn ít ỏi, hiếm hoi hơn nữa. Ở cấp T.Ư nhiệm kỳ 2011-2016 chỉ có 1 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và 2 nữ Bí thư. Cấp địa phương, phụ nữ là Bí thư Tỉnh ủy, Huyện ủy và Đảng ủy xã chỉ đạt 0,25%; 5,5% và 7,25%. Thậm chí, 9/35 tỉnh thành không có nữ lãnh đạo chủ chốt.

“Không chỉ là tỷ lệ thấp, chủ yếu giữ chức “phó”, mà phụ nữ còn được giao cho các mảng “chung chung” ở lĩnh vực xã hội nên tiếng nói của phụ nữ trong quá trình lập pháp và quyết định những vấn đề thiết yếu như kinh tế, ngân sách, đối ngoại, an ninh quốc gia càng hạn chế” – bà Ngô Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ nói.

Bà Hà chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ ít được đề bạt lên vị trí cao hơn là vì Luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sớm hơn nam giới (55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam). Điều này trái với khoản 4, điều 11, Luật Bình đẳng giới: “Nam nữ bình đẳng về chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí, quản lý, lãnh đạo của cơ quan tổ chức”. Đồng thời cũng mâu thuẫn với Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị: “Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm”.