Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định 48/CP về “Tổ chức và hoạt động điện ảnh”, cùng với Chương trình “Mục tiêu về điện ảnh” đã được rót kinh phí 265 tỷ đồng để điện ảnh Việt cất cánh. Thế nhưng 10 năm sau, điện ảnh nước nhà vẫn đang trong tình trạng kém phát triển, tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Được sở hữu những cụm rạp chiếu hiện đại là giấc mơ của các hãng phim Nhà nước. |
Có hàng mà không có chợ
Năm 2007, ông Tom Pollock - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ, người từng 10 năm (1986-1995) làm chủ tịch hãng phim khổng lồ Universal khi sang VN đã rất ngạc nhiên, khi thấy một đất nước hơn 80 triệu dân vẫn sở hữu một nền điện ảnh nhỏ và kém phát triển. Ông rất khó hiểu khi thấy các nhà làm phim VN không sản xuất đủ hàng để bán cho hơn 80 triệu người dân trong chính nước mình.
Nghệ sĩ Phước Sang - Giám đốc Hãng phim Phước Sang cho biết: “Khi có thị trường điện ảnh nói một cách nôm na là phải có chợ. Nghĩa là phải có các rạp phim, khi có chợ thì mới có chỗ mà bán phim…”.
Đạo diễn, NSƯT Vương Đức - Giám đốc Hãng phim Truyện VN cũng rất tha thiết với vấn đề này, ông nói: “Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập “Ngành chiếu bóng VN” chứ không phải là ngành điện ảnh VN. Bởi vì trong điện ảnh, vấn đề phổ biến phim hết sức quan trọng, không có rạp chiếu thì phim sẽ được giới thiệu ở đâu?”.
So sánh với một số nước châu Á khác mà chạnh lòng. Hàn Quốc đang sở hữu 900 rạp chiếu hiện đại trên toàn quốc, trong khi Ấn Độ cũng có 450 cụm rạp. Còn ở VN, tính đến đầu năm 2011, số rạp chiếu trong cả nước chỉ là hơn 70, trong đó 2/3 là những rạp chiếu còn lại từ thời bao cấp với trang thiết bị lạc hậu, xập xệ chẳng ai muốn vào. Tại TP.Hồ Chí Minh- trung tâm văn hoá sôi động nhất nước nhưng ở 3 cụm dân cư lớn là quận 2, quận 9 và quận 12 tới nay vẫn chưa có một rạp chiếu phim nào.
Có tiền nhưng chưa có cách
Không có đủ rạp chiếu đồng nghĩa với việc không thể hình thành một thị trường điện ảnh đúng nghĩa để kích thích sản xuất. Đạo diễn Vương Đức ước mong: “Giá như Nhà nước đổ tiền đầu tư xây khoảng 200 rạp chiếu hiện đại trên toàn quốc, tôi cam đoan bộ mặt của điện ảnh sẽ khác”.
Nhưng cho tới nay, giấc mơ ấy vẫn chỉ là giấc mơ. Một điều khó hiểu là trong giai đoạn 1 (1995 -2000) của Chương trình “Mục tiêu về điện ảnh” do Bộ Văn hoá - Thông tin (cũ) thực hiện đã dành tới 44,27 tỷ đồng để xây mới và nâng cấp 43 rạp chiếu bóng nhưng vẫn xảy ra tình trạng “giậm chân tại chỗ”.
Giai đoạn 2001-2005, chương trình chấn hưng điện ảnh tập trung đầu tư tiếp 45,14 tỷ đồng về thiết bị máy móc cho các hãng phim truyện như Hãng phim Truyện VN, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim Truyện I... Nhưng đến nay, kết quả của sự đầu tư ấy là 2 hãng phim lớn nhất nước- đại diện cho bộ mặt của ngành là Hãng phim Truyện VN tại Hà Nội và Hãng phim Giải Phóng tại TP.HCM đang rơi vào tình cảnh thê thảm, nhà xưởng xuống cấp, nghệ sĩ không có phim để làm, phải đi làm thuê đủ nghề để sống.
(Còn nữa)
Lê Tâm