Dân Việt

Vụ Mỹ ném bom khiến con trai Mao Trạch Đông thiệt mạng

Đăng Nguyễn - NI 08/05/2017 21:10 GMT+7
Chiến tranh nổ ra đã cướp đi sinh mạng của nhiều thế hệ thanh niên trẻ tuổi và cái chết của một chàng trai trong Chiến tranh Triều Tiên đã khiến cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông hết sức đau lòng.

img

Mao Ngạn Anh (giữa) trong bức ảnh chụp cùng người cha Mao Trạch Đông.

Theo National Interest, câu chuyện của con trai Mao Trạch Đông, Mao Ngạn Anh bắt đầu với người mẹ Dương Khai Tuệ. Cha của bà Dương từng giúp Cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông làm trợ lý tại một thư viện ở Bắc Kinh.

Mao Trạch Đông và Dương Khai Tuệ năm 1920. Một trong 3 người con bà Dương sinh hạ có Mao Ngạn Anh.

Năm 1930, trong giai đoạn cách mạng Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn, bà Dương bị địch bắt giữ và sát hại. Mao Ngạn Anh được gửi đến Liên Xô năm 1936.

Trong quá trình theo học ở Nga, Mao Ngạn Anh lấy tên là Sergei Yun Fu và trở nên thông thạo tiếng Nga.

Tốt nghiệp học viện quân sự Frunze ở Moscow, Mao Ngạn Anh viết thư cho lãnh tụ Liên Xô Stalin, bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia chiến đấu cho Hồng quân trong Thế chiến 2. Mao Ngạn Anh nhập ngũ và phục vụ trong một trung đoàn pháo binh Liên Xô.

Năm 1946, Mao Trạch Đông đưa Mao Ngạn Anh về Trung Quốc, vì lo lắng con mình sẽ quen với cuộc sống ở Liên Xô hơn quê hương. Mao Ngạn Anh có xu hướng suy nghĩ trái ngược cha và được đưa đi làm việc trong dự án nông nghiệp và sau đó là ở nhà máy.

Cái chết trong bữa ăn sáng

img

Máy bay ném bom hai động cơ B-26 của Mỹ.

Cố lãnh đạo Mao Trạch Đông củng cố quyền lực ở Trung Quốc năm 1949 và chuyển hướng sang Triều Tiên đang bị chia cắt hai miền.

Được Trung Quốc và Nga ủng hộ, Triều Tiên mở cuộc tiến công ồ ạt xuống miền nam vào tháng 6.1950, khiến cho quân đội Mỹ buộc phải can thiệp. Đến tháng 10.1950, lo ngại quân Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu chiếm ưu thế, quân đội Trung Quốc đã bí mật được đưa đến tham chiến ở Triều Tiên.

Mao Ngạn Anh là một trong những người tham gia vào đơn vị tình nguyện sang Triều Tiên. Lo ngại sự an toàn của con trai Mao Trạch Đông, Tư lệnh Bành Đức Hoài chỉ định Mao Ngạn Anh làm phiên dịch viên tiếng Nga tại trung tâm chỉ huy.

Căn cứ được đặt ở khu vực giáp biên giới phía đông bắc Triều Tiên-Trung Quốc. Trung tâm chỉ huy đặt trong mỏ vàng để tránh việc bị máy bay Mỹ không kích.

Máy bay trinh sát hai động cơ RF-61C Reporter của Mỹ đã xuất hiện khu vực căn cứ của Chí nguyện quân trong nhiều giờ vào ngày 24.11.1950.

Lo ngại vị trí bại lộ, tướng Bành yêu cầu các binh sĩ trú ẩn dưới lòng đất và chỉ nấu ăn vào ban đêm. Các binh sĩ được lệnh phải báo cáo vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau. Nhưng Mao Ngạn Anh ngủ quên và thức dậy lúc 9 giờ sáng.

Con trai Mao Trạch Đông muốn làm bữa sáng và rủ hai người bạn nấu cơm với trứng ngay tại phòng làm việc của tướng Bành ở trên mặt đất.

Theo như lời kể của tướng Yang Di, ông nhìn thấy cột khói bốc lên từ căn nhà. Người này chạy đến và cảnh báo Mao Ngạn Anh dập lửa trước khi máy bay địch phát hiện. Tuy nhiên, Mao Ngạn Anh nói sẽ dập lửa khi nấu ăn xong.

img

Binh sĩ Trung Quốc tham chiến ở Triều Tiên.

Vào lúc 10 giờ sáng, 4 chiếc máy bay ném bom B-26 của không quân Mỹ. Một người bạn của Mao Ngạn Anh kịp nhảy ra ngoài đến trú ẩn dưới mỏ vàng. Hai người còn lại trốn dưới ngầm bàn.

Nhưng máy bay Mỹ khi đó mang theo bom napalm đánh trúng mục tiêu tòa nhà. Tướng lĩnh Trung Quốc chỉ nhận ra thi thể Mao Ngạn Anh nhờ dấu vết của chiếc đồng hồ Liên Xô mà con trai Mao Trạch Đông đeo trên tay.

Mao Ngạn Anh được an táng cùng các binh sĩ Trung Quốc khác tại nghĩa trang ở Triều Tiên.

Tướng Bành né tránh nhắc đến cái chết của Mao Ngạn Anh trong 2 tháng, cho đến khi gửi bức điện vào tháng 1.1951.

Khi nhận được thông tin, Mao Trạch Đông được cho là đã ngồi cả ngày trầm ngâm và hút thuốc. Có thông tin nói, Mao Ngạn Anh chính là người con trai mà Mao Trạch Đông muốn trao lại toàn bộ di sản, nhưng điều này đã “tan thành mây khói”.

Tuy vậy, khi tướng Bành trực tiếp đến xin lỗi, Mao Trạch Đông bình thản nói: “Một binh sĩ chết trên chiến trường. Không cần làm nghi lễ trang trọng chỉ vì đó là con tôi”.

Những giả thuyết khác

Những nội dung trên là lời kể của tướng Yang Di, được quân đội Trung Quốc công bố sau khi Mao Ngạn Anh qua đời. Thông tin này được các sĩ quan Trung Quốc khác có mặt ở trung tâm chỉ huy xác nhận.

Một giả thuyết nói máy bay ném bom sát hại Mao Ngạn Anh là loại P-51 của không quân Nam Phi, do hai phi công người Ba Lan điều khiển. Tuy vậy, rất khó để nhầm lẫn loại máy bay này với máy bay ném bom hai động cơ B-26 của Mỹ.

img

Cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông từng rất buồn khi biết tin con trai qua đời.  Ảnh: Nikkei Asian Review.

Cheng Pu, người duy nhất sống sót trong buổi sáng hôm đó trả lời trong cuộc phỏng vấn rằng, câu chuyện nấu cơm với trứng là không chính xác vì không có sẵn trứng gà trên chiến trường.

Năm 2013, người Trung Quốc truyền tai nhau câu chuyện về việc Mao Ngạn Anh bị sát hại khi đang đi lấy tài liệu ở văn phòng. Mao Ngạn Anh ngủ dậy muộn vì làm việc nhiều giờ trong đêm, trái ngược với lời nói của tướng Yang Di.

Có thể, cái chết của Mao Ngạn Anh đã chấm dứt những hoài bão mà Mao Trạch Đông xây dựng. Người anh trai Mao Ngạn Thanh không được cố lãnh đạo Mao Trạch Đông ưu ái vì lý do sức khỏe và đã qua đời năm 2007.

Con trai Mao Ngạn Thanh là Mao Tân Vũ hiện đã được thăng hàm thiếu tướng trong quân đội Trung Quốc nhưng rất ít khi xuất hiện trước truyền thông.

Theo National Interest, nếu Mao Trạch Đông lựa chọn Mao Ngạn Anh là người kế tục, điều này rất có thể sẽ dẫn đến những đường lối lãnh đạo khác biệt so với cha.

Ngày nay, tên Mao Ngạn Anh hiện vẫn được ghi nhớ ở Triều Tiên, với những cống hiến trọn đời vì sự xả thân, hy sinh trên chiến trường.

Ngày 15.4, Triều Tiên từng khiến Mỹ định dội bom hạt nhân

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang lên đến mức cao nhất, khiến người ta nhớ lại sự kiện cách đây đúng 28 năm,...