Chìm tàu, suýt mất mạng
Chiều 7.5, chưa hết bàng hoàng, anh Trần Anh (33 tuổi, trú thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) kể lại với phóng viên Báo NTNN - Dân Việt: Chiều 5.5 vừa qua, sau khi đưa đón 3 đứa con nhỏ đi học về, anh ăn tạm tô cơm nguội với cá biển rồi lên tàu ra khơi đánh bắt. Con tàu nhỏ công suất 10CV của anh Anh neo cách bờ 1,8 hải lý chờ đến đêm thì buông lưới, câu mực. Cứ như mọi hôm, sau một đêm anh thức trắng vật lộn với sóng biển thì sáng ra vợ anh đem mớ cá, rọ mực ra chợ bám kiếm đôi ba trăm ngàn lo cho con cái học hành...
Ngư dân Trần Anh cùng vợ con trước căn nhà cấp 4 của mình. Ảnh: Ngọc Vũ.
Thế nhưng, khoảng 22 giờ đêm hôm ấy, khi đang buông câu thì anh Anh phát hiện 2 tàu giã cào to công suất chừng 90CV chạy song song với tốc độ lớn. Dù tàu anh Anh luôn có tín hiệu cảnh báo nhưng 2 tàu giã cào vẫn lao nhanh tới và trong phút chốc đã kéo chìm tàu con tàu nhỏ cùng 2.000m lưới, câu mực... của anh. Trong lúc chới với, anh Anh vớ được chiếc đèn tín hiệu cấp báo nên tàu câu mực của ngư dân Trần Bình (trú cùng thôn 6) kịp phát hiện, chạy đến cứu mạng anh.
Với giọng đầy lo lắng và phẫn nộ, anh Anh cho biết, tàu giã cào lúc nào cũng đi thành cặp chạy song song để kéo tấm lưới lớn, mắt nhỏ đi sát đáy, lấy đi tất cả những gì dù là nhỏ nhất trên đường chúng đi qua. Con tàu xấu số của anh Anh vì thế cũng bị kéo đi và nhấn chìm không thương tiếc.
Sau khi cứu anh Anh, ngư dân Trần Bình lao vội con tàu nhỏ của mình đuổi theo hai tàu giã cào những mong họ dừng lại để vớt tàu anh Anh. Nhưng đôi tàu giã cào đã tắt đèn, bỏ chạy mất tăm. Ông Trần Luân - trưởng thôn 6 (xã Triệu Lăng) cho biết, anh Anh đã kịp ghi lại số hiệu của hai tàu giã cào, đều là tàu đăng ký ở Quảng Ngãi.
Ngồi trong căn nhà cấp 4 đã xiêu vẹo vì gió biển, anh Anh vò đầu than rằng: “Cuộc sống gia đình tôi phụ thuộc vào chiếc tàu nhỏ nay đã bị kéo chìm, không biết mai này sẽ phải sống ra sao, con cái biết lấy gì để học hành”. Ước tính, tổng thiệt hại anh Anh phải gánh chịu trên 50 triệu đồng.
Lưới chài bị xé, nhấn chìm
Trưởng thôn Trần Luân cho biết, từ cuối tháng 3.2017 đến nay có trên 30 hộ dân thôn 6 bị mất 30 vàng lưới (khoảng 60.000-70.000m lưới), thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Ngư dân xã Triệu Lăng (Triệu Phong, Quảng Trị) hết sức lo lắng khi lưới liên tục bị xé, biến mất vì tàu giã cào... Ảnh: N.V
Cuối tháng 3.2017, ngư dân Nguyễn Văn Hiền (32 tuổi, thôn 6) thả 32 tấm lưới đánh bắt mực nang cách bờ khoảng 2,5 hải lý. Dù đã cẩn thận bật đèn tín hiệu ở hai đầu và giữa vàng lưới để tránh tình trạng bị tàu giã cào chạy ngang xé lưới nhưng sáng hôm sau vàng lưới vẫn biến mất, được cho là bị tàu giã cào kéo đi. “Hồi đầu năm 2016, 42 tấm lưới của tôi thả gần bờ cũng mất tăm mất dạng. Đau xót lắm” – anh Hiền nói. Ngư dân Trần Ngọc Lâm (thôn 6, Triệu Lăng) cũng từng bị mất 35 tấm lưới vào ngày 28.3 vừa qua. Dù anh đã báo cơ quan chức năng nhưng chưa có kết quả làm rõ, xử lý. “Bà con ngư dân hết sức hoang mang vì tình trạng mất lưới xảy ra liên tục do tàu giã cào. Địa phương đang vận động mọi người quyên tiền hỗ trợ anh Anh. Cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay bảo vệ ngư dân” – ông Trần Luân nói.
Ông Lê Phúc Thiện - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã nhiều lần ngư dân trong tỉnh bị tàu giã cào làm hư hỏng ngư lưới cụ. Hội ND Quảng Trị đã nhiều lần đề cập đến các Hội ND các tỉnh miền Trung tuyên truyền, kêu gọi bà con ra khơi cần giúp đỡ nhau, bảo vệ nhau chứ không được hoạt động giã cào, phá ngư lưới cụ. “Chúng tôi kịch liệt phản đối, lên án hành động đánh bắt bằng tàu giã cào, làm hư hỏng, kéo chìm tàu của ngư dân” – ông Thiên nói. Ông Nguyễn Văn Huân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, ngành đã đề nghị lực lượng biên phòng, kiểm ngư tỉnh tăng cường tuần tra bờ biển truy quét tàu giã cào hoạt động vi phạm, bảo vệ ngư dân yên tâm sản xuất. |
Ông Nguyễn Hoài Nam - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, việc tàu giã cào hoạt động kéo chìm tàu, mất lưới ngư dân tại Quảng Trị đã gây mất an ninh trật tự trên biển. Điều không thể chấp nhận là nhẽ ra khi kéo chìm tàu và lưới của ngư dân thì tàu giã cào phải dừng lại cứu hộ, đằng này lại bỏ trốn.
Theo ông Nam, cơ quan chức năng Quảng Trị đang truy tìm hai chiếc tàu giã cào có số hiệu Quảng Ngãi để điều tra, xử lý. Ông Nam cho biết, việc truy quét tàu giã cào gặp nhiều khó khăn. Vùng biển phía bắc cảng Cửa Việt trở vào huyện Hải Lăng bằng phẳng nên tàu giã cào dễ hoạt động. Giữa tháng 4 vừa qua, phía chi cục đã phối hợp Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Quảng Trị truy quét nhưng bị các ngư dân trên tàu giã cào dùng hung khí chống trả quyết liệt. “Các tàu giã cào ở các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế trở vào luôn có mật báo. Chúng tôi đã nghi binh, cho tàu tuần tra nằm ngoài đảo Cồn Cỏ rồi bất ngờ lao về vùng biển xã Triệu Lăng để kiểm tra, kiểm soát nhưng tàu giã cào nhanh chóng bỏ chạy” – ông Nam cho hay.
Ông Nam nhấn mạnh, hoạt động đánh bắt bằng tàu giã cào là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính mức cao nhất 50 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật.
Đại úy Nguyễn Đình Cường - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Việt (Biên phòng tỉnh Quảng Trị) cho biết, đơn vị vẫn thường xuyên tuần tra biển 1 tháng từ 3-5 lần nhưng việc bắt giữ tàu giã cào trên biển là rất khó. Lý do khi đơn vị cho tàu truy quét thì tàu giã cào đã bỏ chạy vì họ có... nguồn mật báo. Hơn nữa, tàu giã cào hoạt động không tuần theo thời gian cụ thể nào, bất chợt đến rồi đi.
“Biên phòng, kiểm ngư của tỉnh đã khá cứng rắn nhưng rất khó để truy quét tàu giã cào. Tới đây lực lượng biên phòng sẽ đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát dọc bờ biển để bảo vệ ngư dân” – đại úy Cường nói.
Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Thưa ông, tác hại lớn nhất của tàu giã cào là gì? Ngọc Thọ (thực hiện) |
Nghệ An xử lý 25 tàu vi phạm trong 4 tháng
Để tăng cường công tác quản lý tàu cá khai thác thủy sản bằng nghề giã cào trên vùng biển thuộc tỉnh Nghệ An, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đã lập đường dây nóng tới các địa phương đồng thời tuyên truyền, nghiêm cấm và xử lý nghiêm những đối tượng hành nghề này tại vùng biển ven bờ...
Trong năm 2016, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đã tiến hành xử lý 119 trường hợp tàu giã cào vi phạm (chủ yếu là các phương tiện khai thác trái tuyến), xử phạt số tiền hơn 450 triệu đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2017, Chi cục cũng đã xử lý 25 trường hợp với 145 triệu đồng.
Ông Trần Đăng Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường quản lý tàu cá khai thác nghề giã cào, chúng tôi đã lập số điện thoại đường dây nóng tại các địa phương ven biển; trang bị 2 tàu và 2 trạm xử lý nóng những trường hợp vi phạm. Về lỗi khai thác thủy sản bằng nghề giã cào gần bờ thì xử lý hành chính cao nhất là 24 triệu đồng, thấp nhất là 2 triệu đồng/trường hợp...”.
Theo ông Trần Đăng Tuấn, trên vùng biển Nghệ An hiện có 847 chiếc tàu hành nghề giã cào, gồm 259 tàu công suất dưới 50CV; 212 tàu từ 50C- 90CV; 103 chiếc từ 90 -250 CV; 65 chiếc từ 250 - 400CV và trên 400CV là 88 tàu...
Cảnh Thắng