Bên cạnh thành tựu to lớn đã đạt được trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, ND vẫn còn 7 điều băn khoăn, lo lắng.
Lo sản xuất, an sinh
Theo T.Ư Hội ND, sản xuất NN hiện nay chủ yếu ở quy mô nhỏ (tới 36% số hộ có diện tích đất canh tác dưới 0,2ha). Thu nhập bình quân cư dân NT chỉ bằng 76,6% bình quân chung cả nước. Hầu hết số hộ nghèo, cận nghèo là ND. Vì lẽ đó, nỗi lo lắng đầu tiên của ND là băn khoăn về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế, lạm phát quá cao, giá cả liên tục tăng. Sản xuất NN khó khăn; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu khắc nghiệt.
Tiêu thụ nông sản khó khăn là một trong những nỗi lo của người nông dân. |
Nỗi lo thứ hai là việc ND khó tiếp cận với chính sách tín dụng phát triển NN, NT; khai thác tài nguyên, khoáng sản còn nhiều bất cập. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất chậm, còn tình trạng nhũng nhiễu.
Tình trạng sử dụng đất NN phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị hóa khiến hàng triệu ND thiếu, hoặc không có việc làm. Chính sách thu hồi đất và mức đền bù thấp khiến ND thiệt thòi. Nhà nước giao quyền sử dụng đất ngắn hạn nên không khuyến khích đầu tư lâu dài nhằm bảo tồn đất NN. Giá vật tư sản xuất NN liên tục tăng, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Tổng đầu tư cho NN, NT giảm. Đầu tư FDI vào NT không đáng kể...
Ba là thời gian sử dụng lao động của ND thấp, phần lớn là lao động thủ công, khi được mùa tích lũy không đáng kể; khi thiên tai, dịch bệnh tình trạng đói nghèo lại tái diễn. Dạy nghề cho lao động NT đạt tỷ lệ thấp, chưa gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, chưa phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế.
Bốn là trình độ dân trí của ND tuy đã được nâng lên một bước, nhưng nhìn chung vẫn thấp. Tình trạng ô nhiễm môi trường NT, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội không giảm. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND chưa tốt. Cải cách thủ tục hành chính chậm. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.
Năm là việc thực hiện quyền dân chủ, phát huy quyền làm chủ của ND ở nhiều nơi còn bị vi phạm, có nơi khá nghiêm trọng. Con em ND khó có điều kiện học lên cao. Nhiều hủ tục gây lãng phí, tốn kém có chiều hướng phục hồi.
Vấn đề thứ sáu là người ND luôn phải hứng chịu nhiều nhất những hậu quả khi đất nước ta thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.
Cuối cùng, ND lo ngại về Dự án Xây dựng đập Thủy điện Xayaburi của Lào trên dòng sông Mekong và bất bình về việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta.
Cần khuyến khích sản xuất nông nghiệp
Để tháo gỡ những bức bách này, T.Ư Hội NDVN đã có bản kiến nghị tới Đảng, Chính phủ (xem NTNN số 220). T.Ư Hội kiến nghị Chính phủ đổi mới cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư về NT; khuyến khích nâng quy mô sản xuất.
Chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ND, sửa đổi Luật Đất đai theo hướng giao quyền sử dụng đất cho ND từ 20 năm lên 50 - 70 năm, bỏ chính sách hạn điền tạo điều kiện cho các loại hình NN có quy mô lớn, hiện đại phát triển...
Bên cạnh đó, quy hoạch các vùng sản xuất gắn với hình thành cơ sở chế biến nông sản. Có chính sách cho ND vay vốn thuận lợi để phát triển sản xuất. Có chính sách cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trích một phần lợi nhuận thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ trở lại cho người sản xuất ở các vùng chuyên canh.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ sớm để ND phòng chống dịch bệnh cho gia xúc, chống rét cho trâu bò ở các tỉnh miền núi; chỉ đạo các ngành chức năng quản lý chặt chẽ vật tư, thuốc BVTV.
Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng... Tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ ND phòng ngừa và giảm thiểu rủi do do thiên tai nhất là ở những vùng thường xuyên xảy ra bão lụt. Có chính sách mạnh mẽ, bảo vệ vững chắc đất NN nhất là đất trồng lúa.
Anh Trang