Cây dâu đòi hỏi dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, ngoài NPK còn cần nhóm trung vi lượng vì nó quyết định chất lượng và khả năng kháng bệnh của cây. Khi thâm canh, cây dâu đòi hỏi bón đầy đủ phân hữu cơ để đảm bảo lượng mùn trong đất cao (8 - 10%), nhất là trong điều kiện đất đồi dốc, lượng mùn trong đất nghèo. Phân hữu cơ khi sử dụng phải ủ nóng và xử lý thuốc nấm bệnh, cỏ dại.
Bón phân ít nhưng bón nhiều lần để dâu cho năng suất cao, trái đẹp. |
Bón phân đạm cho cây theo màu sắc của lá và tùy thời kỳ, tốc độ sinh trưởng phát dục mà điều chỉnh lượng tăng hay giảm thích hợp.
Bón phân lân để tăng khả năng ra hoa, đậu trái, phát triển hệ rễ và ra ngó (mạ) của cây. Bón kali để tăng năng suất, trọng lượng độ cứng, chất lượng trái; tăng khả năng kháng bệnh và quang hợp trong điều kiện thiếu ánh sáng vụ hè thu và canh tác trong nhà kính.
Còn Canxi, Bo, Mg ảnh hưởng đến chất lượng của trái dâu. Bón Canxi tạo điều kiện cho sự hấp thu dinh dưỡng được điều hòa và hạn chế một số bệnh sinh lý trên trái. Bo ảnh hưởng đến khả năng phân hóa mầm hoa, đậu hoa, chất lượng, độ cứng của trái.
Bón vôi 2 đợt/năm. Đợt 1 bón lót 100kg; đợt 2 (6 tháng sau khi trồng) bón bổ sung 50kg.
Lượng phân định kỳ bón năm thứ nhất là 10 lần/năm, nếu 2 tháng bón 1 lần thì sử dụng lượng phân gấp đôi. Trường hợp sử dụng phân đơn thì mỗi đợt bón phân định kỳ có thể bón 10kg urê, 8kg kali Sunphat và 6kg Super lân. Sử dụng Acid Boric và MgSO4 phun xịt qua lá.
Nếu chu kỳ kinh doanh của cây dâu thu hoạch trái kéo dài từ 2 năm trở lên thì cần bổ sung phân qua lá gồm đa vi lượng, đa trung lượng định kỳ (xịt 10 - 15 ngày/lần theo chỉ dẫn trên bao bì) do lúc này chức năng sinh lý của rễ kém, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây.
Lưu ý bón phân cho dâu theo nguyên tắc bón ít nhưng bón nhiều lần trong năm. Lượng phân theo khuyến cáo như trên, đối với bón định kỳ có thể tăng hay giảm tùy thuộc vào sức sinh trưởng, giai đoạn bội thu và chu kỳ ra trái.
Bệnh trên cây dâu chủ yếu do nấm Botrtis Cinerea (các đốm nâu sáng ăn trên trái), nấm Rhizoctonia (làm thối đen trái). Phòng trừ bằng cách bón phân cân đối, tăng cường kali trong mùa mưa, chọn đất trồng cao ráo, luân canh và xử lý đất trước lúc trồng, xịt định kỳ các loại thuốc bệnh kết hợp ngắt bỏ trái, lá bị bệnh.
ThS Lê Viết Thuận