Dân Việt

Tân Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trăn trở cùng nhà nông

Lương Kết 10/05/2017 14:00 GMT+7
Là đại biểu Quốc hội và trên cương vị lãnh đạo ở các chức vụ khác nhau, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân có nhiều quan tâm đến vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân.

img

Ngày 10.5, ông Nguyễn Thiện Nhân được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Xuống đồng lắng nghe nông dân

Tại phiên họp thường kỳ tháng 4.2017 của Chính phủ, giữa lúc vấn đề thịt lợn hơi đang rớt giá mạnh, ông Nguyễn Thiện Nhân trong bài phát biểu đã nhấn mạnh: Địa phương nào còn sản xuất hộ cá thể, 3 triệu hộ nuôi lợn cứ "tác chiến" độc lập thì sẽ khó tồn tại. Vì, không thể nào điều phối được cho nên phải hình thành tổ hợp tác để cùng nhau làm đúng quy trình chứ không thể kéo dài tình trạng này mãi được.

Trên cương vị công tác, ông có rất nhiều phát biểu góp ý, nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Vào giữa tháng 3.2017, khi làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông đã chỉ ra những bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là hiện tượng được mùa rớt giá, thiếu vốn sản xuất, thu nhập thấp hơn so với lao động công nghiệp và dịch vụ, xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng.

img

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân xuống đồng lắng nghe bà con nông dân  ở tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: chinhphu.vn)

Ông Nhân cũng đã chỉ ra những vấn đề mâu thuẫn như sản xuất trong cơ chế thị trường song lại không biết nhu cầu thị trường. Hộ nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn. Năng suất tăng liên tục song thu nhập tăng rất chậm.

Nông dân phải liên kết với doanh nghiệp song các doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn hộ nông dân riêng lẻ. Thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1ha mỗi hộ.

Nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rất cao song các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học - công nghệ không thể hướng dẫn trực tiếp cho khoảng 12 triệu hộ riêng lẻ với diện tích nhỏ hẹp, nuôi trồng cây, con khác nhau.

Trên cơ sở phân tích đó, ông cho rằng, giải pháp cơ bản để giải quyết mâu thuẫn trên chính là thành lập các hợp tác xã (HTX) kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 và các HTX kiểu mới do nông dân sáng tạo đã ra đời trước năm 2012.

Vẫn theo ông Nhân, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp chủ thể quan trọng nhất là 12 triệu hộ nông dân Việt Nam, song không phải là 12 triệu hộ riêng lẻ, yếu thế mà là các hộ được liên kết lại trong các HTX.

Tại chuyến làm việc này, ông cũng đã trực tiếp xuống đồng lắng nghe ý kiến của bà con nông dân, chia sẻ với những khó khăn mà những người nông dân gặp phải.

Được nông dân cảm ơn

Tại Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Thiện Nhân từng phân tích về hai gọng kìm giữ chặt thu nhập của người nông dân. Đó là tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn diễn ra hàng chục năm nay. Người nông dân cá thể không thể chi phối được thị trường đầu vào và sản phẩm đầu ra của nông nghiệp.

Thứ hai thị trường thiếu tính cạnh tranh, có dấu hiệu thỏa thuận giữa các doanh nghiệp để tăng giá đầu vào, hạ giá đầu ra. Đầu vào giá cao chất lượng kém nhưng nông dân vẫn phải mua, đầu ra giá thấp nông dân vẫn phải bán, đó là hai gọng kìm giữ chặt thu nhập thấp của người nông dân cho dù năng suất sinh học của sản phẩm nông nghiệp vẫn liên tục tăng trong 20 năm qua. Trong bài phát biểu, ông cũng chỉ ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân.

Vào tháng 9.2016, tại buổi làm việc với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Ông cho rằng, nông dân dù là hộ sản xuất giỏi nhưng họ khó có thể là người làm kinh doanh, buôn bán giỏi. Bởi vậy, bà con phải thông qua HTX để đàm phán, tạo thương hiệu và giúp vay vốn.

Ông Nhân chỉ rõ, Hội NDVN có hơn 10 triệu hội viên, trong đó có 3,2 triệu hộ nông dân giỏi. Các cấp Hội cần lấy các hộ nông dân giỏi làm nòng cốt để xây dựng các mô hình kinh tế tập thể.

Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 10.2012, người chăn nuôi gà rơi vào cảnh điêu đứng vì giá thành liên tục giảm, nhiều hộ đã phải bỏ chuồng. Nguyên nhân được xác định là do tình hình buôn bán gà lậu tràn lan từ Trung Quốc sang đã ép giá gà trong nước.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Thiện Nhân lúc đó là Phó Thủ tướng, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh an toàn thực phẩm đã trực tiếp vào cuộc chỉ đạo ngăn chặn tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu. Nhờ chặn đứng được gà lậu, mà giá gà những tháng cuối năm đã liên tục tăng, nhiều hộ nông dân đã có lãi. Khi các phóng viên NTNN/Dân Việt đi tác nghiệp ở nhiều tỉnh gặp bà con nông dân, rất nhiều người nói "cảm ơn ông Nguyễn Thiện Nhân nhiều lắm".