Điểm đặc biệt đầu tiên của cuốn tự truyện này là nó có một “đường đi” khá thú vị. Chuyện về những đứa trẻ Hà Nội thời sơ tán được viết bằng tiếng Pháp bởi một người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cuốn sách của nữ tác giả người Pháp gốc Việt Nuage Rose (Hồng Vân) ngay khi vừa xuất bản đã được đông đảo bạn đọc người Pháp đón nhận và tác phẩm cũng đã được Hội nhà văn Pháp trao giải “Tác phẩm được yêu thích nhất” năm 2013. Để rồi 4 năm sau, tác phẩm lại được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và đến với độc giả Việt Nam qua tựa đề “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”.
Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Trương Quý, tác giả Nuage Rose (Hồng Vân), đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng trò chuyện với bạn đọc tối 9.5 nhân dịp ra mắt “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”. Ảnh: Quân Nguyễn
Khá bất ngờ khi tác giả Hồng Vân tại cuộc gặp gỡ nhân dịp ra mắt “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” diễn ra tối 9.5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội) lại thú nhận rằng, giống đa số mọi người, đây cũng là lần đầu tiên chị được cầm và đọc cuốn sách bản tiếng Việt này. Tuy nhiên nữ tác giả cũng khẳng định, dù là tiếng Pháp hay tiếng Việt thì đối với chị đó cũng chỉ là phương tiện để viết ra, không quá quan trọng khi mà những câu chuyện của ngày xưa được chị nhìn qua trái tim chứ chứ không phải nhìn qua ngôn ngữ. Và việc chọn viết bằng tiếng Pháp giúp chị có một độ lùi nhất định cũng như việc chuyển sang ngôi thứ ba – lời kể của một đứa bé giúp tác giả vượt qua nỗi xúc động và có thể trải lòng dễ dàng hơn.
Dựa trên những chuyện có thật và những hồi ức trẻ thơ, cuốn tự truyện mang màu sắc tiểu thuyết này kể về những năm tháng tác giả rời Hà Nội theo gia đình đi sơ tán. Thế giới mà “ba áng mây” – ba đứa trẻ tên Vân – ba chị em Mây Vàng, Mây Xanh và nhân vật chính là bé út Mây Hồng lúc đó “trôi dạt” tới là một thế giới u ám nơi chiến tranh gieo rắc những đói khát, sợ hãi, xa cách người thân… nhưng thế giới đó vẫn lấp lánh ngập tràn tình yêu và những khám phá đầy thú vị qua lăng kính trẻ nhỏ.
Để minh họa lại một vài cảnh sống thường nhật của ba chị em Mây Hồng ngày xưa, bố của tác giả Hồng Vân dù đã 83 tuổi vẫn chiều con mà nhận lời vẽ phác lại bằng bút chì đen.
Bày tỏ niềm yêu thích vô cùng đối với “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đánh giá cuốn sách này có một biên độ rộng về lứa tuổi của bạn đọc tiếp nhận: trẻ con sẽ rất thích, những bạn trẻ tuổi “teen” cũng sẽ thích, người lớn thấy đồng cảm và những người cao tuổi khi đọc sách có thể tìm lại ký ức một thời kỳ lịch sử với những khoảng đời sống riêng tư. Bản thân nữ đạo diễn của “Đập cánh giữa không trung” bày tỏ rằng khi đọc cuốn sách này, chị thấy mình không giống một độc giả ngoài 30 tuổi mà như đang trong một trò chơi nhập vai, hóa thân thành một trong “ba áng mây trôi dạt” kia. Có lẽ bởi tâm thế đó mà chị đã xúc động khóc nghẹn cũng như khiến nhiều người trong khán phòng tối qua rơi lệ khi cùng nữ tác giả đọc lên một trích đoạn cảm động kể lại lúc mẹ phải chia tay chị em Mây Hồng ở nơi sơ tán và trở lại Hà Nội. Tác giả Hồng Vân đọc bản tiếng Pháp và Nguyễn Hoàng Điệp đọc bản tiếng Việt.
Trích đoạn cảm động về thời khắc mẹ phải để lại ba chị em Mây Hồng ở nơi sơ tán để trở về Hà Nội.
Khác với nhiều sáng tác mang chất hoài vãng thời gian gần đây thường chất chứa nhiều đau đáu đến mức quằn quại và đôi khi bế tắc, “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” kể về cuộc sống thời gian khó với một vẻ trong trẻo đáng quý. Người viết đã chọn cách kể những câu chuyện nhỏ của những người bình thường trong lịch sử phi thường của đất nước, bằng văn phong đầy nhạc tính, khi trầm ngâm suy tư, khi hồn nhiên hóm hỉnh, không ngừng khiến bạn đọc ngạc nhiên, khóc cười và suy ngẫm về một thế giới tưởng như đã mất. Là người biên tập cuốn sách này, nhà văn Nguyễn Trương Quý (hiện là biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ) cho rằng chính độ lùi về thời gian và khoảng cách địa lý đã giúp cho tác giả có một cái nhìn điềm đạm hơn về những tháng ngày gian khổ ấy.
Clip: Miền ký ức buồn vui đầy nhạc tính trong "Ba áng mây trôi dạt xứ bèo"
Xúc động chia sẻ tại cuộc gặp gỡ nhân dịp ra mắt “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”, tác giả Hồng Vân tiết lộ, ban đầu chị không hề có ý định viết sách hay xuất bản mà những câu chuyện ngày xưa được viết chỉ để trút ra khỏi lòng. “Nếu là hồi ký thì phải chính xác tuyệt đối nên tôi chỉ xin nhận đây là cuốn tự truyện kể về đất nước của mình qua những mẩu chuyện nho nhỏ và không ngờ có ngày cuốn sách được dịch ra tiếng Việt và được ra mắt ở Hà Nội – thành phố tôi rất yêu”. Nữ tác giả cũng tâm sự rằng chị rất ngạc nhiên khi làm việc với Nhà xuất bản Trẻ bởi không ngờ phải “đương đầu” với một ban biên tập đưa ra những yêu cầu đòi hỏi rất cao, kiểm tra các chi tiết rất kỹ càng, khiến chị phải thấy “phục trình độ”.
Tác giả ký tặng bạn đọc “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” cuối buổi gặp gỡ. Ảnh: Khánh Thư
Tác giả Nuage Rose (Hồng Vân) sinh ra ở Hà Nội khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị rời Hà Nội tới Aix-en-Provence, hoàn thiện chương trình Thạc sỹ văn học cổ điển Pháp và kỹ sư công nghệ thông tin, rồi làm việc tại Paris cho tới năm 1990. Hồng Vân có cơ duyên với quê nhà khi được bổ nhiệm làm tùy viên kinh tế thương mại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Sau đó chị làm việc cho Đại sứ quán Pháp tại Singapore, Tổng thư ký văn phòng ASEAN của cơ quan này. Từ năm 2000, Hồng Vân trở lại sống và làm việc tại Paris trong khi hai người con của chị, mặc dù đều sinh ra và lớn lên ở Paris, đã chọn quay về định cư ở Việt Nam. Vanessa, hiện sống tại Hà Nội, và Joachim, tại thành phố Hồ Chí Minh, đã lặp lại chính xác con đường mà ông ngoại của họ đã đi nửa thế kỷ trước khi quyết định rời bỏ nước Pháp để trở về quê hương. Tại cuộc gặp gỡ nhân dịp ra mắt “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” diễn ra tối 9.5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội), Vanessa với gương mặt khá Tây đã có những chia sẻ bằng tiếng Việt rất sõi: “Tôi may mắn là một trong những người đọc đầu tiên cuốn sách của mẹ. Tôi đã đọc một lèo hết cuốn sách và động viên mẹ xuất bản vì lúc đầu mẹ bảo chỉ định viết cho mẹ, xả hết ra, chứ không viết để mọi người đọc. Tôi rất vui khi đã theo mẹ đi ra mắt sách ở rất nhiều nơi tại Pháp và giờ là tại Việt Nam”. |