Trốn, nợ đóng BHXH gia tăng
Thông tin về thực trạng tình hình nợ đóng BHXH, ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH thời gian qua vẫn còn khá phổ biến. Đơn cử, số doanh nghiệp tham gia BHXH là trên 235.000, trong khi dữ liệu do cơ quan thuế quản lý là gần 500.000 doanh nghiệp, như vậy gần 50% doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, có thể gọi là trốn đóng BHXH. “Tình hình nợ đọng BHXH tương đối phức tạp, số nợ hàng năm có giảm nhưng những tháng gần đây có xu hướng tăng, chủ yếu tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh” – ông Ánh thông tin.
Hàng chục nghìn lao động bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp nợ đóng BHXH (ảnh minh họa,). Ảnh: M.N
Việc khởi kiện doanh nghiệp trốn, nợ đóng BHXH mang lại hiệu quả tốt. Trước đây, khi BHXH thực hiện nhiệm vụ này cũng đã khởi kiện được gần 9.000 vụ, hơn 4.000 vụ thành công, thu hồi 980 tỷ đồng”. Ông Bùi Sỹ Lợi |
Trao đổi xung quanh những “con số biết nói này”, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, con số này thể hiện sự phức tạp trong việc giải quyết nợ đọng cũng như tính cấp bách cần phải giải quyết nhanh vấn đề này. “Chính sách BHXH là ưu việt. Rõ ràng người lao động và chủ sử dụng đều nhận thấy đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi. Năm 2016 nợ BHXH giảm nhưng năm 2017 lại tăng lên tới 14.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng thu ngân sách BHXH. Điều này đặt ra vấn đề cần tăng cường giải pháp để giảm nợ đóng BHXH” – ông Lợi nói.
Vướng mắc về luật
Là đơn vị tiếp nhận quyền khởi kiện từ BHXH Việt Nam, dù cho đã có nhiều cố gắng nhưng từ khi nhận nhiệm vụ, Tổng Liên đoàn Lao động chưa khởi kiện thành công một vụ nào.
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 1.2017, BHXH Việt Nam chuyển cho các cấp 1.177 hồ sơ. Liên đoàn lao động các địa phương tiếp nhận 1.150 bộ hồ sơ và đến giữa tháng 2.2017 đã có 11 liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành phố khởi kiện 77 doanh nghiệp nợ BHXH. Cũng có một số doanh nghiệp sau khi bị khởi kiện đã tự mang tiền đến cơ quan BHXH nộp nên Liên đoàn Lao động lại rút hồ sơ. “Hiện nay có 17 hồ sơ tòa án không thụ lý với lý do không thuộc thẩm quyền giải quyết. Đây là những vụ chưa được giải quyết ở cấp quận, huyện; hoặc không có giấy ủy quyền của tập thể cho tổ chức công đoàn. Khó khăn lớn nhất chính là việc quy định công đoàn cơ sở chỉ khởi kiện khi có sự ủy quyền của người lao động, mà lao động nhiều khi ngại việc này” – ông Chính nêu nguyên nhân.
Ông Chính cũng cho biết, quan điểm của Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng hành vi nợ, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật BHXH; đã là hành vi nghiêm cấm thì chỉ xử phạt hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và trách nhiệm thuộc về cơ quan BHXH. Bởi Luật BHXH quy định cơ quan BHXH có quyền thanh tra thu, thì sẽ có quyền xử phạt, nếu doanh nghiệp tiếp tục chây ỳ sẽ có biện pháp cao hơn và nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị khởi tố hình sự. Trước những khó khăn trong việc khởi kiện, đại diện Tổng liên đoàn cũng có những đề xuất về việc sửa Luật BHXH theo hướng nên giao cho công đoàn cấp trên và BHXH Việt Nam cùng khởi kiện.
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, không thể giao cho BHXH quyền khởi kiện bởi điều này trái với các quy định pháp luật hiện hành. Hiện, Chính phủ giao BHXH quyền thanh tra, như vậy đơn vị này đóng vai trò là một phần cơ quan quản lý Nhà nước, giờ giao cho họ quyền khởi kiện thì khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. “Về giải pháp, một là phải sửa Luật BHXH, hai là cho cơ chế để công đoàn tiếp tục khởi kiện việc trốn đóng BHXH” – ông Lợi nói.