Tân Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. Ảnh: Hồ Văn
Ngày 11.5, tại TP.HCM, Văn phòng Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức hội nghị chuyên đề IPU khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề: “Ứng phó biến đổi khí hậu, hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, tân Bí thư Thành ủy TP.HCM, Hội nghị IPU lần này với sự tham gia đông đảo các nhà lãnh đạo quốc tế sẽ là cơ hội để TP mở rộng hợp tác với các nước, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Việc này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ con cháu mai sau.
“TP.HCM cũng hợp tác với TP Osaka, Nhật Bản trong chương trình thành phố phát thải cacbon thấp và với thành phố Rotterdam, Hà Lan trong Chương trình TP.HCM phát triển về hướng biển thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Nhân cho biết.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho biết, Việt Nam rất vui mừng là quốc gia được đăng cai tổ chức hội nghị IPU. Theo bà Ngân, hội nghị lần này thảo luận bốn vấn đề: các mục tiêu phát triển, bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu; các thách thức cơ hội và hành động ứng phó biến đổi khí hậu; cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan pháp luật; huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, năm 2106 thiên tai đã gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản cho người dân. Thiên tai liên tục xảy ra bất thường như: rét hại, băng giá, bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. 10 cơn bão, 7 áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông, mưa lũ kéo dài toàn bộ khu vực miền Trung... Thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích. Trong đó có 215 người chết do lũ, sạt lở đất, 4 người chết do bão, 45 người chết do lốc, sét, mưa đá, 431 người bị thương, gần 5.500 căn nhà bị đổ, sập, trôi hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái... Sản xuất và kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai, với tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 1,7 tỷ USD. Để ứng phó biến các tình huống thiên tai xảy ra năm 2017, cần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cũng như phối hợp với thế giới trong công tác dự báo, quan tâm đặc biệt đến nguồn nước thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Kông. Cần rà soát hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc, ứng dụng khoa học công nghệ để phòng chống thiên tai, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. |