Trường THCS Khương Thượng, nơi xảy ra sự việc.
Ngày 9/5 vừa qua, Trường THCS Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội có quyết định chấm dứt hợp đồng đối với thầy giáo Ngô Văn Lực, là Tổng phụ trách nhà trường vì thầy giáo này đã có hành vi không đúng mực, vi phạm đạo đức nhà giáo khi véo tai, tát học sinh ngay tại trường dù học sinh đã chửi tục khi bị thầy nhắc nhở.
Theo báo cáo của nhà trường, sự việc xảy ra vào sáng 8/5, trong lúc thầy Lực nhắc nhở các em học sinh lớp 9 giữ trật tự cho các em khối 7 làm bài thi, thì một số học sinh lớp 9D mất trật tự và có hành vi chửi tục. Do không giữ được thái độ bình tĩnh nên thầy Lực đã tát vào mặt học sinh Trần Anh D, Lớp 9D. Ngay sau đó, thầy giáo này đã bị đuổi việc.
Có ý kiến cho rằng, cần xử lí nghiêm cả thầy lẫn trò nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đuổi việc thầy giáo là hơi nặng.
“Đánh học sinh là không được”
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội cho rằng, chuyện thầy trò có thể không thông cảm, không hiểu nhau nhưng hành vi đánh học sinh thì không thể được.
Thầy Lâm cho rằng, đây là việc làm không có chuyên môn sư phạm, không phù hợp chuẩn mực của nhà trường, nhất là trong điều kiện hiện nay, có nhiều vụ việc liên quan đến cách ứng xử của giáo viên thiếu đạo đức mà người thầy vẫn không rút kinh nghiệm, không kìm chế. Những hành động này đáng lên án.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, đòn roi không bao giờ làm nên nhân cách học trò.
Trong nhà trường, là thầy phải tôn trọng học trò, thầy phải cảm hóa học trò, học trò có thể hiểu không đúng về mình thì mình phải tìm cách thuyết phục nó, ngay cả học trò có khuyết điểm đi nữa. Nếu trò hư hỗn thì thầy cũng không thể dùng vũ lực để dạy học trò được.
“Đòn roi không bao giờ làm nên nhân cách học trò mà chỉ có sự cảm hóa bằng tình thương, cảm hóa bằng việc tôn trọng, yêu thương, dẫn dắt.” TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Trong khi đó bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH, Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội cho rằng, cần phải xem hành vi bạo lực của thầy giáo có diễn ra nhiều lần không? Ở ngữ cảnh nào? Là hành vi bộc phát hay chủ đích? Từ đó mới nên đưa ra cách xử lí hợp tình hợp lí.
Cũng theo bà An, qua câu chuyện này cho thấy, phía thầy giáo và học sinh đều có những hành vi không đúng chuẩn mực trong môi trường giáo dục. Tất nhiên thầy giáo cần phải làm gương cho học sinh, kiềm chế các hành vi của mình trong quá trình giáo dục học sinh.
Theo bà An, trong trường hợp này, ngoài việc xử lí kỉ luật với thầy giáo nhà trường cũng phải có kỉ luật với học sinh.
“Chúng ta không khuyến khích bạo lực, nhưng đuổi việc ngay lập tức giáo viên vì hành vi bạo lực – tát học sinh do bị học sinh xúc phạm thì hơi nặng” bà An nêu quan điểm.
Thực tế cho thấy, một bộ phận học sinh bây giờ quá thành thạo với các công nghệ, nhiều khi các em vin vào mạng xã hội, vào nhân quyền, vào dư luận để tự cho rằng, cứ nói bậy, cứ hư hỗn, giáo viên không làm gì được. Trong khi đó, áp lực với giáo viên rất lớn, những quy chế, kỉ luật học sinh theo quy định của ngành thì một bộ phận học sinh không sợ. Nếu xử lí theo cảm tính của giáo viên lại bị xã hội lên án. Vậy người thầy phải làm thế nào để có một cái quyền đối với học sinh để các em đi vào quy củ?
Cũng theo bà Bùi Thị An, cần giáo dục tư cách đạo đức học sinh trong trường; Phải đặt môn giáo dục công dân, đạo đức vị trí. Có dạy đạo đức tốt thì trong cuộc sống, học trò mới trở thành người tốt.
Bà An cũng khuyến nghị, Bộ GD-ĐT khi đưa ra các quy chế cần căn cứ vào tình hình thực tiễn sau đó đánh giá lại xem có phù hợp hay không.
Làm theo các này chỉ khiến HS thêm chán ghét thầy cô chứ không khiến các em sửa lỗi.