Gặp nhà văn Di Li, cô bảo cái vui nhất là mình được đến những nơi chưa đến, và cũng hiểu thêm được một vài điều của những người cùng trang lứa hay trẻ hơn mình đang cùng mình cày bừa trên cánh đồng văn chương VN.
Vui là hiển nhiên. Năm năm một cuộc gặp mặt, phần nhiều là những cây bút mới chưa biết nhau, chưa đọc nhau, hay chưa có gì lắm cho nhau đọc, nhưng tay bắt mặt mừng, dẫu có e dè, ngại ngùng lúc đầu, dẫu có tự tin hay tự ti thái quá, thì mỗi cuộc hội nghị văn trẻ vẫn là một dịp vui.
Chỉ tiếc cách thức tổ chức kiểu ngồi họp vẫn là trịnh trọng, có phần nặng nề. Lẽ ra hội nghị trẻ cứ giao hết sự điều hành, dẫn dắt chương trình cho người trẻ tự làm, sau khi ban tổ chức đã thống nhất chương trình. Các nhà văn già, có tuổi, không nên tham dự quá đông, và càng không nên điều khiển, răn dạy, bảo ban gì cả.
Có hai cuộc tọa đàm về văn và thơ. Có rất nhiều vấn đề, tâm tư, thắc mắc, nguyện vọng được nêu ra trong các ý kiến phát biểu. Nhưng sự trực diện, thẳng thắn chưa mạnh, sự cọ xát, va chạm chưa cao. Những người viết trẻ băn khoăn nhiều về viết cái gì mà ít bàn ráo riết đến viết như thế nào.
Nghe các ý kiến phát biểu, tôi nhận thấy những người viết trẻ ít đọc, ít tìm tòi, ít trăn trở về những cái mới trong văn chương. Một cuốn tiểu thuyết như “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần viết từ 45 năm trước vừa mới được xuất bản vẫn đủ nội lực nghệ thuật khiến người đọc kinh ngạc thì không chắc phần lớn các đại biểu hội nghị đã nghe tới, chứ chưa nói là tìm đọc và thao thức về nó.
Hay như sự băn khoăn của người viết trẻ hôm nay có thể viết được không về cuộc chiến tranh đã qua mà họ chỉ có thể đọc thấy trong sách thì nếu họ đã đọc cuốn tiểu thuyết “Những kẻ thiện tâm” của Jonathan Little sẽ có thể tìm được một câu trả lời và những gợi ý.
Hội đã tan rồi, người đã về rồi, niềm vui đọng lại, và đọng lại cả những trăn trở, băn khoăn, hy vọng từ đó những người viết văn trẻ sẽ có được những trang viết bứt phá chính mình và bứt phá cho cả một thế hệ.
Phạm Xuân Nguyên