Tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước là 33,9%, nay tăng lên 35,4%. Tương tự, tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến huyện tăng từ 61,5% lên 69,4%; tuyến T.Ư tăng “khiêm tốn” từ 11% lên 13%. Có những địa phương đã vượt mục tiêu đề án khi có tỷ lệ sử dụng thuốc nội đạt đến 80% ở tuyến huyện, trên 60% ở tuyến tỉnh như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An.
TS Cường phân tích, tại một số bệnh viện chuyên ngành như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tỷ lệ thuốc nội chỉ đạt 6%, tuy nhiên nếu tính theo số lượng mặt hàng thì thuốc nội chiếm 30%; Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tỷ lệ thuốc nội sử dụng cũng chỉ đạt 11-13%, nhưng nếu tính theo số lượng mặt hàng thì đạt 40%. “Điều này chứng tỏ thuốc sản xuất trong nước có giá thành thấp hơn so với thuốc ngoại. Đồng thời khẳng định hiệu quả tích cực từ việc thay đổi chính sách đấu thầu thuốc theo các văn bản mà Cục Quản lý dược đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế” – TS Cường nói.
Bà Phạm Thị Việt Nga – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang thừa nhận, hiện nay thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là thuốc trị cảm mạo, giảm đau, hạ sốt, kháng sinh thông thường, thuốc generic… còn các thuốc biệt dược rất ít ỏi. Điều này dẫn đến việc tỷ lệ dùng thuốc nội ở các bệnh viện tuyến cuối, điều trị bệnh nặng rất thấp. Còn thạc sĩ Trần Túc Mã - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco cho hay, sau 4 năm thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế, doanh thu từ hệ thống nhà thuốc của đơn vị tăng trưởng tốt, việc triển khai bán hàng thuận lợi. Hiện đơn vị này có 5 sản phẩm được Bộ Y tế trao tặng danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” (Hoạt huyết dưỡng não, Boganic, Ampelop, Dưỡng cốt hoàn, Didicera).
Theo TS Trương Quốc Cường, đến nay sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, cung cấp 10/12 loại vaccine tiêm chủng mở rộng. Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của WHO với 520/953 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường. Các nhà máy dược phẩm đã cố gắng đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cao cùng với thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để có thể sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vaccine, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao...