Dân Việt

Vàng càng lên giá, đất càng đau

18/09/2011 06:17 GMT+7
(Dân Việt) - Với việc giá vàng liên tục lập đỉnh, chưa bao giờ việc khai thác vàng ở Na Rì lại sôi động, nóng bỏng như lúc này. Trái ngược với thực tế đó, việc hoàn thổ đất sau khai thác càng nguội lạnh, kéo dài lê thê hơn...

Ở Na Rì hiện nay, nhiều mỏ vàng đã hết hạn khai thác và bắt buộc phải hoàn thổ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không chịu hoàn thổ mà vẫn tiếp tục khai thác vàng trái phép. Thậm chí, lợi dụng danh nghĩa hoàn thổ, một số doanh nghiệp lách luật để đào đất đãi vàng không trả đất cho dân.

img
Người dân bản Giang xã Lương Thượng nhặt sỏi, đá trên đất đã được hoàn thổ.

Hoàn thổ trá hình

Trong báo cáo mới nhất của UBND huyện Na Rì, mỏ vàng Bản Giang cấp cho Công ty cổ phần An Thịnh tại xã Lương Thượng phải đóng cửa mỏ từ tháng 3.2010 và bắt đầu phải tiến hành hoàn thổ. Tuy nhiên, qua những đợt kiểm tra, vây ráp vào đầu năm nay, UBND huyện Na Rì đã phát hiện hiện tượng chủ mỏ này vận chuyển sa khoáng từ bên ngoài vào trong để tuyển rửa. Thậm chí, mỏ này còn có hiện tượng khai thác ngoài chỉ giới được giao trong quá trình thực hiện hoàn thổ.

Khi đoàn thanh tra liên ngành của huyện tiếp cận hiện trường, các máy móc đã nhanh chóng được tẩu tán. Còn nếu phát hiện thấy máy móc, chủ mỏ quanh co, đưa ra nhiều lý do để thoái thác như không quản lý số máy này; thậm chí mỏ đã được chuyển nhượng cho chủ khác nên các cơ quan chức năng của huyện không biết “túm đầu” ai để xử lý.

“Đây là một hoạt động hoàn thổ trá hình, cần có chế tài để xử lý bằng cách cam kết người chịu trách nhiệm khi hoàn thổ, đăng ký đầu phương tiện hoạt động hoàn thổ, đường cấp điện...” – ông Nông Danh Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì nói.

Không chỉ đối với doanh nghiệp nhỏ, ngay cả đại gia lớn nhất về khai khoáng tại Bắc Kạn là Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn cũng chậm trễ và khai thác trái phép khi tiến hành hoàn thổ. Mỏ vàng Tân An tại xã Lạng San của doanh nghiệp này phải đóng cửa mỏ từ năm 2007 và tiến hành hoàn thổ nhưng sau nhiều lần xin gia hạn hoàn thổ doanh nghiệp này không những không hoàn thổ mà tiếp tục đào sâu, tìm kiếm quặng và đã bị lực lượng chức năng xử lý.

Mới đây nhất vào ngày 8.7, đoàn thanh tra của UBND huyện Na Rì bất ngờ ập vào khu vực mỏ Tân An và phát hiện công nhân đang điều khiển 4 máy xúc đất; 2 giàn tuyển vàng đang phụt rửa và nhiều máy bơm, ống nước khác. Đoàn đã lập biên bản, đề nghị UBND tỉnh đình chỉ ngay hoạt động trái phép của doanh nghiệp này và đề nghị mức phạt 70 triệu đồng. Ông Nông Danh Hiển lắc đầu: “Công ty này vừa được gia hạn thêm 4 tháng để hoàn thổ nhưng tình hình này, còn lâu chúng tôi mới có đất giao cho bà con sản xuất”.

Sau vàng là... bạc đất

Dẫn chúng tôi xuống thăm một trong khoảng đất đã may mắn được trả lại sau khai thác vàng, ông Nông Văn Phúc (ở bản Giang, xã Lương Thượng) mừng ra mặt. Nhưng một mối lo mới đã bắt đầu xuất hiện. Dù ông đã đề nghị doanh nghiệp khai thác vàng nhặt bớt những tảng đá lớn trên mặt ruộng, nhưng dưới chân chúng tôi, lớp đất mùn đã bị trộn lẫn với những hòn đá lớn.

Thỉnh thoảng ông lại lấy cái gậy chọc mạnh xuống. Chỗ nào cây gậy chọc xuống khựng lại, ông lại lấy tay bới ra để lấy thêm một hòn đá lớn. Dù sao, đất đã trở lại với mình, ông Phúc đang lên kế hoạch sẽ trồng ngô trước. Ông nói cứ trồng ngô vài năm, khi sông suối bồi phù sa vào thì ông mới chuyển sang trồng lúa hay trồng hoa màu được.

Ông Nguyễn Đức Lai - Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Na Rì cũng cho rằng, một trong những vấn đề lớn nhất của công tác hoàn thổ là chất lượng đất. Khi sàng, đãi vàng, phù sa trôi theo sông, đất mất độ phì nhiêu là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp khai khoáng thực hiện nghiêm các quy trình hiện nay sẽ giảm bớt tình trạng đất bị bạc màu hay lẫn sỏi, đá.

Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp khai khoáng phải bóc lớp đất mặt rồi để riêng ra một chỗ, dành để rải lên mặt đất sau này. Tuy nhiên, do “say vàng” nhiều doanh nghiệp đã không làm đúng quy trình đó. Đất mặt không được bóc riêng, hoặc bóc riêng nhưng lại để lẫn với đá, sỏi.

Đến khi không còn đất màu để thực hiện hoàn thổ đúng phương án cho dân (thông thường, khi hoàn thổ, doanh phiệp phải phủ lên trên 30-40cm đất màu), doanh nghiệp đành phải đi đào đất màu nơi khác hoặc đào trên núi để bù vào.

Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp khai khoáng phải bóc lớp đất mặt rồi để riêng ra một chỗ, dành để rải lên mặt đất sau này. Tuy nhiên, do “say vàng” nhiều doanh nghiệp đã không làm đúng quy trình đó.

Để buộc doanh nghiệp thực hiện đúng tiến độ và chất lượng hoàn thổ, ông Lai đề nghị, khi phê duyệt cấp mỏ, các cấp chuyên môn phải buộc doanh nghiệp ký quỹ bảo vệ môi trường gấp nhiều lần hiện nay (hiện một số mỏ chỉ ký quỹ bảo vệ môi trường vài trăm triệu đồng). Điều này sẽ ngăn được tình trạng một số doanh nghiệp chạy trốn hoặc chây ì, hoàn thổ không đảm bảo chất lượng.

Còn ông Nông Danh Hiển nói rằng, với lực lượng mỏng, địa hình phức tạp nhưng địa phương vẫn sẽ phải nỗ lực trong “cuộc chiến” hoàn thổ, lấy lại đất cho dân bản xứ. Ông Hiển nói, những tháng qua, khi giá vàng sôi sùng sục tại các đô thị thì ở tận cái xử sở xa xôi này, đất cũng càng nóng, càng bị đào bới nhiều hơn. Việc kiểm soát khai thác vàng, kiểm soát việc hoàn thổ đất vì thế càng khó khăn hơn.

Rồi đây, vàng có thể sẽ không sốt mãi như bây giờ, Na Rì cũng sẽ không còn nhiều vàng để khai thác, người dân Na Rì không thể nhờ mãi vào vàng để sống. Vì thế, câu chuyện hoàn thổ, bảo vệ đất, bây giờ và sau này luôn luôn nóng hổi và cần kíp.