Tại cuộc họp (ngày 10.5), do UBND tỉnh Bình Định tổ chức với các bên liên quan, để tìm cách sửa chữa, khắc phục tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ-67/CP gặp sự cố, hư hỏng, đơn vị đóng tàu đã nhận thiếu sót và cam kết tự lo kinh phí để thực hiện việc sửa chữa tàu vỏ thép để ngư dân sớm trở lại ngư trường. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngư dân và chính quyền địa phương vẫn mong muốn công an vào cuộc điều tra, làm rõ vấn đề để ngư dân an tâm vươn khơi.
Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương của ngư dân Mai Văn Chương đưa vào sử dụng vào tháng 8.2016, xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Dũ Tuấn
Ngư dân Đinh Công Khánh (trú thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh) - Chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho hay: “Hiện tại, máy móc của tàu bị hư hỏng không thể hoạt động được, sơn tàu thì bị bong tróc. Trong hợp đồng, máy và hộp số đồng bộ với nhau nhưng thực tế không phải vậy, tàu chạy không nổi. Tôi đi 2 chuyến biển, lỗ đến 600 triệu đồng, giờ bạn thuyền muốn bỏ đi. Thực sự chúng tôi rất muốn kiện công ty ra tòa, nhưng vẫn chờ công ty xem khắc phục thế nào”.
Trong khi đó, ngư dân Lê Văn Thãi - Chủ tàu BĐ 99016 TS (tàu đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu), mong muốn công an vào cuộc điều tra để làm rõ ai đúng, ai sai? Nếu sai thì phải khắc phục triệt để cho ngư dân ra khơi, chứ tàu nằm bờ thì không có tiền trả nợ ngân hàng.
“Hiện tại, công ty đã cử người xuống khắc phục máy chính của tàu. Tuy nhiên, ngư dân chúng tôi yêu cầu thay bộ số để phù hợp với máy, giống trong hợp đồng nhưng đến nay công ty chưa thực hiện. Tôi đề nghị, thay bộ số mới để máy hoạt động ổn định, chứ sửa chữa sau này hư thì ai chịu trách nhiệm. Nếu không được, tôi đành trả lại tàu “67” cho cơ quan chức năng vì tiền sửa chữa không có thì tiền đâu mà kiện ra tòa? Giờ nợ ngân hàng chồng chất, ai lo cho nổi?”- ngư dân Thãi buồn bã nói.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị rỉ sét khắp nơi, nằm bờ chờ sửa chữa. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo ông Hà Ngọc Tân - Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), ngư dân huyện Phù Mỹ hạ thủy 9 tàu vỏ thép theo NĐ- 67/CP, trong đó: 8/9 tàu làm ăn thua lỗ, 4/9 tàu bị hư hỏng (trong đó: 3 tàu do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, 1 tàu do công ty TNHH MTV Nam Triệu). Nếu ngư dân muốn kiện các công ty đóng tàu ra tòa, chính quyền địa phương sẽ trợ giúp hướng dẫn tư vấn pháp lý, cách khiếu kiện phù hợp.
“Trường hợp này đã gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hướng đến ý nghĩa của chương trình đóng tàu theo NĐ-67/CP nên công an sẽ vào cuộc. Cơ quan công an cần vào cuộc điều tra và đưa ra tòa án để làm rõ. Nếu tòa không có yêu cầu, chính quyền yêu cầu thì công an vẫn vào cuộc. Tôi sẽ tổ chức làm việc với ngư dân, để làm rõ lại việc này. Trước mắt, phải làm theo đúng hợp đồng, nếu không thực hiện thì ngư dân sẽ kiện ra tòa án”- ông Tân khẳng định.
Ông Nguyễn Chí Công - Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho rằng phải thuê đơn vị giám sát, đánh giá toàn bộ các tàu do 2 Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Nguyễn Chí Công - Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết : “7 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu, ngư dân sử dụng thì có 1 chiếc chìm, 6 chiếc bị trục trặc, máy thì ngư dân nói máy cũ, không phải máy mới... làm mất niềm tin ngư dân. UBND tỉnh phải thuê đơn vị giám sát, đánh giá toàn bộ các tàu do 2 Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng. Cơ quan công an cùng vào cuộc điều tra thì càng tốt, ai đúng ai sai sẽ rõ ngay. Nếu sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhà nước”.
Trước đó, Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về tình trạng tàu vỏ thép 67 ở Bình Định bị hư hỏng hàng loạt. Theo Sở NN&PTNT Bình Định, qua kiểm tra 3 tàu vỏ tàu do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trạng thiết bị đều bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng... Qua kiểm tra 4 tàu đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu thì thân, vỏ tàu bị rỉ sét, máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng, máy phát điện bị hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh, 1 tàu làm nghề lưới chụp có hệ thống gọn bị han rỉ, đứt gãy. Ngư dân phản ánh rằng trong hợp đồng: hộp số trang bị cho tàu đồng bộ với máy thủy chính, nhưng thực tế công ty trang bị hộp số không đồng bộ dẫn đến hư hỏng, đề nghị công ty thay hộp số khác cho đồng bộ. |