Dân Việt

Giải cứu đàn heo, vai trò hiệp hội ở đâu?

Bảo Anh 13/05/2017 08:15 GMT+7
Chuỗi sợi dây liên kết trong ngành chăn nuôi quá lỏng lẻo khiến cho các khâu mạnh ai nấy làm, kinh doanh theo kiểu mua đứt bán đoạn, đánh quả, thiếu bền vững.

Liên kết: biết rồi, nói mãi!

Lò giết mổ của công ty TNHH dịch vụ An Hạ (Củ Chi, TP.HCM) đang gồng mình vượt công suất 15 — 20% mỗi đêm, giết mổ hơn 5.000 con heo. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc, số heo này chiếm tới 30% tổng lượng heo tiêu thụ tại TP.HCM.

img

Trong môi trường quản lý thực phẩm như hiện nay nói đến liên kết giữa lò mổ, thương lái và người chăn nuôi là không tưởng. Chuyện giải cứu heo chỉ là trị chứng chẳng hề trị bệnh.

Bà Thắm thừa nhận, sở dĩ xảy ra tình trạng hỗn loạn như hiện nay, là do ngành chăn nuôi heo đang phát triển quá nóng lại thiếu bền vững, thiếu liên kết. Nhưng, khi đặt vấn đề “liệu lò mổ” có thể đứng ra làm trung tâm trong các mối liên kết được không, thì bà Thắm lại cho rằng: không thể làm được với môi trường quản lý thực phẩm như hiện nay.

Trên lý thuyết, An Hạ có thể đứng ra làm trọng tài cho mối liên kết gồm có thương lái, công ty và người nuôi. Thương lái có trách nhiệm bắt heo cho nông dân trong tổ chức do công ty An Hạ quản lý với giá thoả thuận, bảo đảm người nuôi có lời. Còn nông dân thì phải nuôi heo đạt số lượng, trọng lượng và chất lượng, nhưng đổi lại họ được thương lái mua heo ổn định. Lò mổ cũng thu lợi nhuận nhờ vào việc cho thương lái thuê ổn định. Ai cũng có lợi và công ty có thể xác tín với các đầu mối cung ứng cám, thuốc thú y, vắcxin giúp người nuôi tiếp cận được đầu vào giá rẻ.

Tuy nhiên, mối liên kết này khó được thương lái chấp nhận vì họ muốn được kinh doanh tự do. Lâu nay, họ có thói quen muốn mua heo hơi rẻ nhất và bán được giá cao nhất. Hơn nữa, do cách quản lý chất lượng thực phẩm lỏng lẻo nên thực tế là thời gian qua, thương lái thường dựa vào đó để làm bậy. Họ bơm nước vào heo trước khi mổ, cho heo ăn chất tăng trọng…Nếu đưa họ vào liên kết thì cơ hội làm bậy không còn. Trong khi đó, hiện nay, lò mổ thì nhiều, cạnh tranh nhiều nên nếu công ty ép họ làm đàng hoàng thì họ bỏ đi thuê lò khác.

“Liên kết là yếu tố sống còn của ngành chăn nuôi, nhưng các biện pháp phải làm đồng bộ chứ một vài nơi không thể cứu được”, bà Thắm nói.

Cú đánh quả 10 tỉ đô

Thực tế là các bên, từ người chăn nuôi, nhà máy thức ăn gia súc, lò mổ, phân phối... đang liên kết với nhau bằng một sợi dây hiệp hội hết sức lỏng lẻo.

Chỉ tính riêng quy mô giá trị thị phần thức ăn (khoảng 20 triệu tấn), thì ngành chăn nuôi hiện nay đã đạt con số ngấp nghé 10 tỉ USD. Thời gian qua, ngành này chứng kiến tình trạng nhà máy thức ăn mọc lên như nấm ở khắp các địa phương. Theo số liệu chính thức từ hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, công suất nhà máy thức ăn của Việt Nam đã vượt con số 30 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 15 tỉ đôla nếu quy mỗi ký thức ăn có giá trung bình 10.000 đồng.

img

Thức ăn chăn nuôi đang chiếm tới 70% giá thành sản phẩm. Ảnh minh hoạ

Dù các nhà máy thức ăn được đầu tư ồ ạt, nhưng đối tượng trung tâm là người chăn nuôi vẫn thường gặp rủi ro từ thị trường, dịch bệnh, thua lỗ triền miên. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, dù bỏ ra hàng tỉ đôla đầu tư, nhưng chưa có mối liên kết mật thiết với người nuôi. Họ vẫn bán thức ăn theo hình thức “lợi nhuận bỏ túi, sống chết mặc bay”, đứt đoạn với nông dân chứ không cùng chịu trách nhiệm thị trường đầu ra sản phẩm giúp nông dân.

Thức ăn chăn nuôi góp đến 70% giá thành phẩm, vậy mà các nhà máy thức ăn, hầu như đang đứng ngoài cuộc trong các rủi ro thị trường, rủi ro dịch bệnh, có chăng chỉ là các đại lý bán cám và người chăn nuôi phải gánh chịu. Trong khi đó, giá thức ăn bán tới trại chăn nuôi, cũng chưa được kiểm soát một cách tốt nhất, nên biên độ lợi nhuận mảng này ở Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực và thế giới ít nhất từ 5 — 10%.

Một loạt các dịch vụ đi kèm như thuốc thú y, vắcxin, dinh dưỡng bổ sung cũng phát triển theo hình thức mua đứt bán đoạn. Tất cả hầu như mạnh ai nấy làm, mua đứt bán đoạn, chỉ chăm chút lợi nhuận cho mình. Trong khi đó, hàng triệu hộ chăn nuôi lại ít được tổ chức trong các câu lạc bộ, hội, hiệp hội, mà chủ yếu phát triển rời rạc và tất cả đều thiếu thông tin.

Thời gian qua, một số địa phương cũng có lập ra một vài hiệp hội chăn nuôi, tập hợp được vài chục trang trại, nhưng chức năng chỉ giới hạn ở lĩnh vực truyền tải kinh nghiệm kỹ thuật cho hội viên. Hiệp hội, hay hội chăn nuôi, gồm những chủ trang trại quy mô nhỏ, không đủ mạnh để thương thảo với doanh nghiệp thức ăn, giúp hội viên mua cám trực tiếp từ nhà máy (bỏ qua đại lý) để có thể tiết kiệm ít nhất 15 — 20% giá bán.

Ở các nước có ngành chăn nuôi bền vững, người chăn nuôi được tổ chức trong các hiệp hội, nơi đây thường có tiếng nói “nặng ký” với các doanh nghiệp cung ứng hậu cần, thậm chí họ có tiếng nói với cơ quan nhà nước, với các nhà nhập khẩu. Hiệp hội cũng là thực thể có tiếng nói, cùng với Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển đàn heo, hoạch định, cân đối sản lượng cung cầu cho phù hợp thị trường.

Còn ở Việt Nam, người chăn nuôi, doanh nghiệp, Nhà nước… đều không có mối liên kết gì, và điều nguy hiểm nhất là chẳng ai nắm được thông tin tổng đàn, thông tin thị trường. Người nuôi cứ thấy giá heo cao là đổ xô vào tăng đàn, mở trại, còn cơ quan quản lý thì đứng ngoài cuộc. Doanh nghiệp làm thức ăn, bán thuốc thì chỉ mong nông dân tăng đàn để bán sản phẩm. Tất cả đều phát triển hỗn độn theo lối… đánh quả.