Dân Việt

Bùi Văn Nam Sơn Viết sách triết học cho trẻ em

Ngân Hà 13/05/2017 07:51 GMT+7
Năm ngoái, NXB Trẻ khởi động “Tủ sách Bùi Văn Nam Sơn” với những tập sách do nhà nghiên cứu viết ở dạng đối thoại “giả tưởng” với các triết gia và các tư tưởng gia có tính kinh điển của triết học.

Đầu hè, NXB Kim Đồng vừa cho “chào đời” bộ sách giúp cho trẻ em “Tư duy như một triết gia” hay “Tư duy như một nhà thông thái”. Trước đó NXB Tri Thức đã ra mắt bộ sách 14 cuốn từ Tủ sách Thú vui tư duy do Myriam Revault d’Allonnes chủ biên. Và điều thú vị nhất là hiện tại, hai từ “triết học” đã không còn “nhạy cảm” khiến cho người ta ngán ngại, mà trái lại, phụ huynh bắt đầu tìm hiểu và trao đổi của con trẻ.

Chúng tôi đã phỏng vấn nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn về vấn đề để cho con có thể khai mở trí óc bằng tư duy trừu tượng từ nhỏ, giúp con đến với khoa học dễ dàng mở kho tàng tri thức nhân loại làm nền tảng cho tương lai.

img

“Để hun đúc tâm hồn trẻ thơ thì trên mười tuổi chúng ta bắt đầu giúp cho các em nhận thức ra những khái niệm, về cơ bản, đó chính là triết học.” – nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn.

Thưa ông, lứa tuổi nào thì đứa trẻ có thể tiếp cận được với triết học?

- Tuỳ nội dung phù hợp với lứa tuổi nào. Vì thế sách thường ghi rõ dành cho mỗi lứa tuổi. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy từ sáu, bảy tuổi đến 15,16 tuổi đều có thể có những bài học tương ứng. Từ cấp 3 thì bắt đầu được học một cách chính quy cho đến khi xong tú tài.

Làm thế nào để dạy triết học cho trẻ em?

- Có những đứa trẻ thông minh chỉ cần đọc là đã thấy đủ và thấm thía. Nhưng nhìn chung, các thầy cô, cha mẹ nên gợi ý, trao đổi, tranh luận cùng với em.

Nhưng trước hết còn phụ thuộc vào tài nghệ của người viết. Có những cuốn thành công, có cuốn thất bại. Sách triết cho lứa tuổi thiếu niên rất khó viết! Có những cuốn không giảng giải nhiều nhưng rất có tính triết lý. Một câu chuyện khéo kể, một vấn đề khéo gợi có thể lưu dấu ấn rất sâu, có khi suốt đời cho người đọc.

Phương Đông cũng có nhiều triết thuyết, tại sao trên thị trường sách hiện tại lại chủ yếu là triết học Tây phương, nhất là sách cho thanh thiếu niên?

- Tôi nghĩ nhận xét ấy không hẳn đúng. Sách về triết Đông cũng khá nhiều, và thật ra chúng ta đã biết gì mấy về triết học Tây phương đâu? Điều đáng tiếc là hai nền triết học này (không chỉ ở Việt Nam!) hầu như còn tách biệt nhau, chưa có sự đối thoại, “hiệp thông” đáng kể. Việc làm này ở cấp độ cao là không dễ dàng vì cần rất nhiều điều kiện, nhưng biết đâu lại dễ dàng và thuận lợi hơn khi biên soạn và dạy triết cho trẻ em nước ta!

Triết học đều là những vấn đề phổ quát, con người ở đâu cũng vậy thôi, nhưng nếu lồng vào đó câu chuyện của chính dân tộc mình, truyền thống văn hoá của mình thì chắc chắn sẽ gần gũi hơn, hấp dẫn hơn. Nhiều mẩu chuyện lịch sử, ngụ ngôn, giai thoại từ hai nền văn hoá... mang tính triết lý, gợi mở những cảm xúc và suy nghĩ sâu xa.

Như cuốn Nhật ký sen trắng của GS Cao Huy Thuần là tập sách rất hay, chứa đựng nhiều nội dung triết học từ những mẩu chuyện nhẹ nhàng, dễ thương, chuyển tải bằng ngôn ngữ sống động, tinh tế. Chưa cần giảng triết lộ liễu hay dùng đến thuật ngữ chuyên môn, trẻ em sẽ được cuốn hút bằng những câu chuyện. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... có nhiều loại sách “kết hợp” như vậy, lại viết rất hay và gần gũi với ta, có thể chọn dịch và quảng bá. Cổ học tinh hoa cũng là một kho tàng những truyện tích có thể tuyển chọn, rồi kết hợp với những câu chuyện khác để tăng phần hấp dẫn. Hun đúc tâm hồn trẻ thơ từ những mẩu chuyện ấy thì từ mười tuổi, các em có thể bắt đầu làm quen với những khái niệm trừu tượng hơn của khoa học và triết học.

Làm thế nào để giúp cho các em tìm đọc những câu chuyện đọc đó?

- Tất nhiên, đầu tiên phải khuyến khích các em đọc cái đã, sau đó mới đến sự hỗ trợ của thầy cô, cha mẹ. Nếu không, các em sẽ thấy nặng nề nếu bị “ép” phải đọc. Tìm cách nào tốt nhất là cho con một không gian riêng với chính cuốn sách, câu chuyện mà con đọc được, đó là “bí mật” của con với câu chuyện con trẻ tiếp nhận, để con cảm nhận đó là hành trình mà con trẻ tự khám phá chứ không phải là “bắt buộc”. Hồi nhỏ ai mà chẳng tìm truyện “quốc cấm” để đọc? (cười)

Vậy mục đích của việc học triết học của trẻ em là gì? Liệu trẻ em có thể lĩnh hội những nội dung cao xa và không trở thành những...ông (bà) cụ non?

"Để hun đúc tâm hồn trẻ thơ thì trên mười tuổi chúng ta bắt đầu giúp cho các em nhận thức ra những khái niệm, về cơ bản, đó chính là triết học" - Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn

- Có thể nói rất nhiều về mục đích, nhưng trong phạm vi nhà trường, cách tốt nhất để giúp cho một người bắt đầu với tư duy triết học là từ những câu chuyện biết khái quát lên thành những khái niệm. Từ những khái niệm hình thành câu và đoạn, từ đó nhận diện cấu trúc của lập luận, nói chung là rèn tập khả năng suy nghĩ và diễn đạt. Đọc chuyện xong, gợi mở cho các em tìm ý nghĩa của câu chuyện chỉ bằng vài câu, rồi vài từ, thậm chí một từ... Và như thế là giúp các em động não, chắt lọc câu chuyện đời thường thành những khái niệm từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng và ngược lại. Đó chính là tư duy triết học, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và với sự phát triển tự nhiên của tâm trí chứ không có gì quá cao xa hay lạ lùng. Tất nhiên còn tuỳ thuộc vào thiên tư và năng lực của mỗi người. “Triết học cho trẻ em” cũng  giúp phát hiện những trẻ có khả năng tư duy trừu tượng và lập luận tốt để làm khoa học sau này.

Và có “khó” không? Thật ra, từ cấp 2, khi đứa trẻ thích thú học và học giỏi các môn khoa học như toán, vật lý, sinh học... các em đã mặc nhiên có năng lực triết lý. Vì thể tích, dung tích... có khác gì với... tự do, bình đẳng, bác ái, tồn tại, hiện hữu đâu? Tất cả đều trừu tượng như nhau, vì không thể thấy bằng mắt mà phải suy nghĩ bằng đầu óc. Em hiểu được về thể tích thì không có lý do gì không hiểu được khái niệm về tự do hay cái đẹp. Triết học là vậy, đâu có gì xa xôi? Khả năng trừu tượng hoá của tư duy giúp ta không chỉ thấy một cái mà thấy nhiều cái và mọi cái. Thiếu nó, khó đi xa trong hoạt động khoa học.

“Triết học là yêu sự thông thái”, hiểu thế nào về điều này?

- Đó là cách hiểu theo từ nguyên có nguồn gốc từ Hy Lạp, chứ không phải là định nghĩa duy nhất về triết học. Người Hy Lạp xưa quan niệm thông thái hay chân lý là cái gì khách quan, có sẵn đấy rồi. Ta là con người bình thường, hữu hạn, không phải thần linh, nên chỉ có thể “yêu” nó thôi. Ta yêu cái gì không phải là ta và ta chưa có. “Yêu” là tha thiết, tìm tòi, gắn bó, gần gũi chứ không hy vọng chiếm hữu và đồng nhất với cái được yêu. Gốc từ Hy Lạp ở đây là “philia”. Người Hy Lạp phân biệt ba, bốn loại tình yêu: agape, eros, philia và storge. Có cái yêu “ban phát” từ lòng từ ái của thần linh, có cái yêu nhục dục, yêu bạn hữu, yêu con cái. Chỉ tình yêu “philia” là tình yêu vô vị lợi, không muốn chiếm hữu, không từ nhu cầu hay lòng sùng bái, mà như giữa những người bạn đồng đẳng với nhau.

Ở phương Đông thì có quan niệm rất rộng về Đạo và Đức. Các khái niệm này cũng được hiểu một cách khác nhau. Đạo của Khổng không giống với Đạo của Lão hay của Phật... Chính điều này mang lại sự đa dạng, phong phú của triết học, tư tưởng khiến con người luôn muốn tìm tòi, khám phá, tranh luận. Và giờ đây, chúng ta cần những câu chuyện, những người kể chuyện giỏi để giúp cho các em đến với những chân trời đó.