Nông dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê. Ảnh minh hoạ
Giá cà phê sụt giảm mạnh
Tại cảng TP.HCM, giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, xuống ở mức 1.899 USD/tấn, với mức chênh lệch trừ lùi ở 70 – 85 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London. Mức giá này bị sụt giảm 36 USD/tấn so với ngày trước đó.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá cà phê không giữ nổi mốc 44.000 đồng/kg của ngày 11.5, theo đó hầu hết các vùng nguyên liệu lớn giá cà phê đều giảm mạnh với mức giảm trung bình 800 đồng/kg. Thị trường nội địa Việt Nam ghi nhận đã có một lượng hàng đáng kể bán ra từ các kho lớn để các nhà xuất khẩu giao cho các hợp đồng đã ký.
Giá cà phê tại một số vùng của Việt Nam. Nguồn: tintaynguyen.com
Trong khi đó, trên sàn giao dịch thế giới, giá cũng đồng loạt giảm mạnh vì nguồn cung từ Brazil, Indonesia vẫn đang khá dồi dào.
Cụ thể, trên sàn ICE London, giá cà phê kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 30 USD, xuống 1.984 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 29 USD, còn 2.003 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Giao dịch vẫn chưa sôi động. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.
Trong khi giá arabica kỳ hạn trên sàn ICE New York cũng giảm khoảng 1,6 – 1,7% trong cả phiên hôm qua. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 7 giảm 2,4 cent, xuống 134,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 2,35 cent, còn 136,65 cent/lb, các mức giảm cũng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Biểu đồ giá cà phê robusta trên thị trường London kỳ hạn tháng 7 ngày 11.5.
Nhà phân tích – tư vấn Safraz & Mercado ở bang Sao Paulo, vừa đưa ra dự đoán mới về sản lượng cà phê Brazil vụ mùa năm nay trong khoảng 51,1 triệu bao, bao gồm cà phê Arabica giảm 13,72% xuống 39,6 triệu bao và cà phê Conilon Robusta tăng 19,79% lên 11,5 triệu bao, thay đổi không đáng kể so với nhiều dự báo trước đó.
Tuy nhiên, ngay cả khi sản lượng cà phê Conilon Robusta được cải thiện, cũng chỉ mới đáp ứng cho nhu cầu của ngành công nghiệp trong nước mà chưa thấy tiềm năng dành cho Brazil xuất khẩu trong vòng 12 tháng tới. Có vẻ dự báo của nhà phân tích – tư vấn uy tín này đã giúp thị trường giảm bớt mối lo thiếu cung trong dài hạn.
Báo cáo thương mại tháng Tư của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cũng cho rằng triển vọng nguồn cung 2017/2018 “dường như ngày càng trở nên tích cực” nhờ giảm bớt lo lại về sương giá ở Brazil và khô hạn ở Việt Nam. Các nhà phân tích và bình luận nhận định: Thực sự nguồn cung toàn cầu không thiếu hụt và thị trường lúc này luôn sẵn sàng hàng giao, đối lập với tình cảnh hơn một tháng trước đây khi hàng chất lượng cao khan hiếm.
Nhưng ICO cũng lưu ý, bất kỳ điều kiện thời tiết bất lợi nào xảy ra trong những tháng tới cũng sẽ gây nguy cơ cho nguồn cung của nước đó trong tương lai.
Giá hồ tiêu ổn định ở mức thấp
Ngày hôm qua, giá hồ tiêu có sự biến động trái chiều tại thị trường trong nước, song không đáng kể. Cụ thể, giá tại Đăk Lăk và Gia Lai đi ngang, giá tại Đăk Nông và Bà Rịa – Vũng Tàu lần lượt giảm 2.000 đồng/kg và 1.000 đồng/kg. Duy nhất tại Đồng Nai, giá tiêu tăng 1.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu tại thị trường Việt Nam. Nguồn: tintaynguyen.com
Tại Ấn Độ, đối thủ trong ngành tiêu của Việt Nam, dù chào bán tiêu với giá 530 rupee/kg nhưng người dân Karnataka vẫn không thể bán được tiêu tại thị trường Delhi. Nguyên nhân là giá tiêu nhập khẩu từ Sri Lanka được chào bán với giá thấp hơn nhiều, ở 510 – 512 rupee/kg.
Trên thị trường kỳ hạn, có 30 tấn tiêu, bao gồm cả tiêu nhập từ Sri Lanka, được giao dịch với giá 530 – 550 rupee/kg. Ngoài ra, giá tiêu xuất khẩu của Ấn Độ sang cả châu Âu và Mỹ đều giảm, lần lượt về 8.825 USD/tấn và 9.075 USD/tấn.